Chuyên gia: 2024 là năm thành công của phần lớn ngân hàng, đặc biệt nhóm cho vay doanh nghiệp

Tại chương trình Data Talk tháng 12/2024 "Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025", ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, CFA, đã điểm lại kết quả kinh doanh của những ngân hàng thuộc nhóm dẫn đầu trong năm 2024. 

Theo ông Ân, trong năm 2024, nền kinh tế đã có những khởi sắc nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn như tiêu dùng tăng trưởng hạn chế, khiến doanh nghiệp ngại đầu tư, kéo theo một số ngân hàng tăng trưởng thận trọng. 

Tuy vậy, nhìn từ góc độ chiến lược, chuyên gia vẫn cho rằng phần lớn các ngân hàng đã hoàn thành định hướng được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Trong đó, nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp đang có kết quả thuận lợi hơn.  

Ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, CFA. (Ảnh: BTC).

VietinBank dẫn đầu nhóm quốc doanh

Theo ông Ân, tại ĐHĐCĐ năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu tối ưu hóa hoạt động, tập trung kiểm soát chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR). VietinBank tập trung phát huy hệ sinh thái, được thể hiện ở chỉ số tiền gửi không kỳ hạn (CASA), thu nhập ngoài lãi hay biên lãi thuần (NIM). 

Còn BIDV đưa ra một định hướng khá “chung chung, không rõ phương diện nào” là nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Sau ba quý nhìn lại, chuyên gia cho biết VietinBank là ngân hàng đã làm khá tốt khi vừa có tăng trưởng CASA vừa cải thiện được NIM. Vietcombank vẫn đạt mục tiêu đã đề ra, tuy nhiên NIM lại sụt giảm đáng kể. 

BIDV tụt lại phía sau khi NIM giảm mạnh. Theo ông Ân, BIDV hiện đang tập trung vào câu chuyện tăng vốn và cải thiện chỉ số an toàn vốn (CAR). 

Những kết quả này cũng được phản ánh vào mức sinh lời của các ngân hàng trong 11 tháng năm 2024. Cụ thể, cổ phiếu CTG của VietinBank có mức sinh lời tới 31,92%, cao thứ 4 toàn ngành. 

Trong khi đó, cổ phiếu VCB (Vietcombank) đạt kết quả là 16,19%, xấp xỉ trung bình toàn ngành còn BID (BIDV) tụt lại phía sau với kết quả 7,72%. 

(Ảnh: BTC).

Nhóm ngân hàng cho vay doanh nghiệp "bội thu"

Trong khi đó, “2024 là một năm khá bội thu của ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp”, chuyên gia nhận định. Từ góc nhìn vĩ mô, tăng trưởng kinh tế tới từ đầu tư FDI, đầu tư tư nhân, là những lĩnh vực mà doanh nghiệp có thế mạnh

Trong đó, Techcombank và HDBank đã có thành công nhất định. Techcombank đặt định hướng đa dạng khách hàng và đã đạt mục tiêu trên với tín dụng tăng mạnh, CASA cải thiện. Trong khi đó, dư nợ của HDBank cũng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Techcombank và HDBank lần lượt đạt mức sinh lời 53,05% và 30% trong 11 tháng năm 2024. 

Ở trường hợp của MB, ngân hàng này có mục tiêu thận trọng hơn, và dành nhiều thời gian để quản trị rủi ro. Tuy nhiên, ông Ân vẫn đánh giá rằng MB đã hoàn thành mục tiêu khi nợ xấu được kiểm soát sau giai đoạn tăng mạnh đầu năm nay. 

Nhóm chuyên cho vay cá nhân chậm lại

Ở chiều ngược lại, chuyên gia cho rằng 2024 là một năm tương đối khó khăn với nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân vì tiêu dùng chưa phục hồi. Tuy vậy, phần lớn các ngân hàng lớn thuộc nhóm này vẫn đạt được những định hướng chiến lược đã đề ra từ ĐHĐCĐ.

Phân tích trường hợp của VIB, ông Ân cho biết các quỹ đầu tư rất thích cổ phiếu ngân hàng này bởi VIB phục vụ nhu cầu thực tế của người dân như mua nhà. Trong năm qua, VIB đã gặp khó khăn trong vấn đề kiểm soát nợ xấu. 

“Tuy nhiên, nợ xấu của VIB không đáng lo lắm vì đã có thế chấp. Căn nhà 3 tỷ đồng, cho vay 70% giá trị thì không bao giờ giảm giá”, ông nói. 

Chuyên gia cũng chỉ ra một số tín hiệu tích cực khi cuối quý III tăng trưởng tín dụng của VIB đã tăng tốc nhờ việc ngân hàng đẩy mạnh gói vay ưu đãi, cho vay doanh nghiệp. Đổi lại, NIM của VIB đã đi xuống vì cách chính sách trên. 

Với ACB, ông Ân cho rằng ngân hàng đã có sự chuyển dịch tốt khi ngay từ đầu năm đề ra mục tiêu tập trung doanh nghiệp vừa và lớn khi nhóm nhỏ và vừa (SME) và tiểu thương gặp khó. Chuyên gia cho biết ACB cũng là một cổ phiếu được các quỹ đầu tư ưa thích. ACB đã dẫn đầu nhóm cho vay cá nhân với mức sinh lời 25,5%. 

Theo ông Ân, do tập trung mảng cho vay mua xe ô tô nên tăng trưởng của TPBank trong năm nay còn hạn chế. Tuy nhiên, điểm tích cực là CASA ngân hàng này lại có sự cải thiện tốt. 

Với VPBank, ông Ân cho biết câu chuyện tăng trưởng của ngân hàng liên quan rất nhiều đến FE Credit. Khi kinh tế khó khăn thì những khách hàng của FE Credit bị ảnh hưởng rất nhiều, khiến ngân hàng phải trích lập nhiều hơn. Trước kia, VPBank từng có thời được các quỹ rất quan tâm, nhưng từ lúc dịch đến giờ thì bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong năm nay, tỷ lệ sinh lời của cổ phiếu VPBank là 5,05%, thấp nhất trong nhóm chuyên cho vay cá nhân. 

(Ảnh: BTC).

2024 là năm thành công của phần lớn ngân hàng

“Trong năm 2024, các ngân hàng dù thủ hay tấn (công) đều đạt kết quả. Đó là lý do vì sao trong năm nay khi thị trường sideway (đi ngang) thì cổ phiếu ngân hàng lại có mức sinh lời tốt”, chuyên gia nhận định. 

“Trung bình ngành ngân hàng có mức sinh lời 16% so với trung bình thị trường 11%. Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng tương đối êm, ít biến động”, ông nói thêm. 

Tổng kết lại, ông Ân cho rằng nhóm thắng lớn nhà các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp, bao gồm Techcombank, MB, HDBank và LPBank. Mức sinh lời của nhóm này là 27%. Tiếp đến là nhóm quốc doanh với tăng trưởng ổn định, trong đó VietinBank đạt kết quả tốt nhất. 

Trong khi đó, nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân cũng đạt kết quả khá tương đối, với mức sinh lời trung bình khoảng 17%. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn