Chuyên gia: Các yếu tố vĩ mô sẽ là nhân tố xúc tác chính trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới

Chuyên gia: Các yếu tố vĩ mô sẽ là nhân tố xúc tác chính trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Kết quả kinh doanh quý 1 tích cực đã làm nền tảng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam lấy lại đà tăng trong tháng 5 sau những biến động mang tính chất tâm lý. Ngoài ra, sự phục hồi tích cực của chứng khoán toàn cầu sau khi dữ liệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt trở lại cũng đã lan tỏa thêm vào đà phục hồi của thị trường chung.

Dù biên độ tăng điểm có phần co hẹp khi về cuối tháng khi những biến động tỷ giá tác động lên tâm lý giao dịch của nhà đầu tư, VN Index vẫn giữ được sắc xanh và dừng chân ở mức 1.261,72 điểm, tăng 4,32% so với cuối tháng 4.

Bước sang tháng 6, khi mùa kết quả kinh doanh quý 2 vẫn chưa sôi động, những yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước được kỳ vọng là những nhân tố xúc tác chính trên thị trường chứng khoán.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), có 4 yếu tố vĩ mô hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới. Thứ nhất, dữ liệu vĩ mô Việt Nam mới đây ghi nhận sự tích cực về sản xuất và tiêu dùng, củng cố cho triển vọng tăng trưởng GDP quý 2 khả quan.

Về thị trường tiền tệ, mặc dù áp lực tỷ giá liên tục mạnh trong thời gian gần đây và NHNN đã có những hành động quyết liệt để giảm áp lực cho tỷ giá, VDSC kỳ vọng lãi suất điều hành và lãi suất trong nền kinh tế sẽ chưa có biến động bất thường.

Thứ ba, tâm điểm thị trường sẽ hướng về các cuộc họp "quyết định lãi suất" của các NHTW lớn bao gồm BoC, ECB, BoJ, FED, và BoE. VDSC kỳ vọng BoC, ECB, và BoE sẽ lần lượt thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 2 năm, trong khi đó FED vẫn giữ nguyên lãi suất hiện tại nhưng thông điệp đưa ra sẽ "Bồ Câu" hơn dựa trên những dữ liệu về tăng trưởng, lạm phát và việc làm mới đây.

Cuối cùng, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, và Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn kế hoạch ban đầu. Nếu được thông qua trong tháng 6, sự tích cực từ nhóm cổ phiếu bất động sản (chiếm 14% vốn hóa rổ VNIndex) có thể tác động tích cực đến thị trường.

Với các yếu tố hỗ trợ trên, trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng diễn biến vĩ mô tích cực có thể giúp chỉ số duy trì động lượng vượt đỉnh cũ ngắn hạn mới đây. Ở chiều ngược lại, áp lực tỷ giá mạnh hơn có thể khiến NHNN khó giữ được định hướng mặt bằng lãi suất hiện tại và gián tiếp tác động tiêu cực lên kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như điểm số của thị trường.

"Về điểm số, chúng tôi kỳ vọng VN Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250 -1.320 trong tháng Sáu", VDSC nhận định.

Tại buổi Bàn tròn báo chí chủ đề "Triển vọng thị trường và Chiến lược đầu tư" mới đây, bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ UOBAM Việt Nam (UOBAM VN) đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn khả quan trong những tháng cuối năm 2024.

Theo nhận định của Tổng Giám đốc UOBAM VN, thị trường chứng khoán quý 2 được nhiều yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô. Đầu tiên, kết quả kinh doanh quý I của các công ty niêm yết nhìn chung khả quan. Theo thống kê từ các công ty trong danh mục theo dõi của công ty quản lý quỹ, lợi nhuận ròng tăng bình quân 14,3% theo năm và 24,4% theo quý.

Thứ hai, xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của Viêt Nam đang cải thiện. Nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trở lại với sự tăng tốc của ngành du lịch. Thêm vào đó, dòng vốn từ nguồn vốn FDI vẫn tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý là các rủi ro đã đề cập như Fed chưa sớm hạ lãi suất, căng thẳng địa chính trị leo thang có thể tiếp tục gây áp lực đến tỷ giá VND/USD và tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.

Tổng Giám đốc đánh giá triển vọng của TTCK sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng còn lại của năm 2024 nhờ 5 động lực.

Thứ nhất, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng.

Thứ hai, Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế .

Thứ ba, nguồn vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Chính sách đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng là quyết tâm của Chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán SSI cũng cho rằng về trung dài hạn, triển vọng TTCK vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn. Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục. Nhờ vậy, kỳ vọng về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho TTCK Việt Nam trong quý 2 và nửa cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng cho TTCK. Giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các nhà đầu tư bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho 2025 và đang có những cơ sở để cho rằng sẽ có những hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro cũng sẽ hiện diện rõ hơn và có thể có tác động nhẹ hơn đối với thị trường.

Xem thêm tại cafef.vn