Chuyên gia chỉ ra một điều kiện tiên quyết để những phiên giao dịch “tỷ đô” trở lại chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch tương đối "yên bình" so với các thị trường lớn trên thế giới. Thông điệp giảm tần suất điều chỉnh lãi suất năm 2025 của FED đã khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển.
Chỉ còn hơn một tuần giao dịch nữa chứng khoán Việt Nam sẽ khép lại năm 2024 với nhiều cung bậc cảm xúc. Vậy diễn biến của chỉ số VN-Index sẽ ra sao, cũng như có câu chuyện nào đang chờ phía trước, chúng tôi đã trao đổi với ông Tô Quốc Bảo - Trưởng nhóm chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán Dầu khí PSI để bàn luận về vấn đề này.
Trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch, VN-Index có biến động mạnh hay không, thưa chuyên gia?
Ông Tô Quốc Bảo: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua những tuần giao dịch cuối cùng của năm 2024 với trạng thái ảm đạm.
Theo thống kê trong lịch sử, thị trường thường có xu hướng tăng điểm trong tháng 12 khi đây là thời điểm các tổ chức đầu tư chốt số liệu giá trị tài sản ròng (NAV), nhiều nhà đầu tư kỳ vọng áp lực có số liệu đẹp của các quỹ là lực đẩy cổ phiếu trong tháng 12. Đặc biệt theo thống kê trong 5 năm gần nhất, tuần giao dịch cuối cùng của tháng 12 chỉ số VN-Index có tới 4/5 tuần ghi nhận tăng với mức tăng trung bình là 1.87%.
Tuy nhiên năm nay, với việc thanh khoản đang liên tục duy trì ở mức rất thấp cùng mức dao động trong biên độ hẹp của hầu hết các cổ phiếu trên sàn, chỉ số VN-Index khó có thể bứt phá biến động mạnh trong ngắn hạn mặc dù nhiều khả năng chỉ số vẫn sẽ ghi nhận hồi phục trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm.
Ở giai đoạn “nước rút” cuối năm, ông nhận định chứng khoán Việt Nam năm nay có điểm gì đặc biệt so với các năm trước?
Ông Tô Quốc Bảo: Chỉ số VN-Index chuẩn bị khép lại một năm 2024 với đầy sóng gió với những áp lực từ biến động tỷ giá, nhà đầu tư trong nước chứng kiến khối ngoại rút ròng lớn chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với lũy kế tính đến thời điểm hiện tại là hơn 90.000 tỷ đồng.
VN-Index tăng khoảng 12% tính từ đầu năm tới nay tuy nhiên phần lớn thời gian chỉ số ghi nhận dao động trong biên độ 1.200 – 1.300 điểm cùng thanh khoản sụt giảm nhẹ so với năm ngoái. Dòng tiền có xu hướng phân hóa mạnh với cơ hội chỉ xuất hiện tại một vài mã cổ phiếu có câu chuyện riêng.
Nhiều nhận định cho rằng thị trường chứng khoán chỉ đang chờ nhịp, chuẩn bị cho một con "sóng" lớn, ông đánh giá ra sao về nhận định này? Và nếu có "sóng", nên tập trung nhóm cổ phiếu nào?
Ông Tô Quốc Bảo: Chỉ số VN-Index năm 2024 gần như đi ngang trong biên độ 1.200 – 1.300 toàn bộ thời gian trong năm. Sang năm 2025 với các yếu tố cơ bản hỗ trợ, thị trường nhiều khả năng sẽ bước sang một chu kỳ tăng trưởng mới. Dòng tiền tuy vẫn sẽ có sự phân hóa nhưng cơ hội sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Tăng trưởng được kỳ vọng sẽ vẫn tập trung tại ở nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Đầu tư công, Bán lẻ,…
Đối với ngành Ngân hàng , chất lượng tài sản ngành Ngân hàng bắt đầu cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu giảm. Tăng trưởng kinh tế vững vàng và mặt bằng lãi suất duy trì thấp khiến cho nhu cầu vay vốn tăng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Ngân hàng. PSI dự báo NIM của các NHTM có thể nới rộng trong năm 2025 khi các NHTM nâng dần mặt bằng lãi suất cho vay.
Trong khi đó đối với nhóm Đầu tư công , năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, tăng 18% so với kế hoạch 670.000 tỷ đồng của năm 2024. Các dự án có sử dụng vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ để đáp ứng mục tiêu giải ngân của Chính phủ.
Với nhóm Bán lẻ , triển vọng tăng trưởng ngành được hỗ trợ bởi sự hồi phục của kinh tế vĩ mô và các chính sách thiết thực kích cầu tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, các nhà đầu tư còn có thể xem xét cơ hội tại các nhóm ngành khác như Dầu khí, Phân bón và Bất động sản.
Dòng tiền trên thị trường vẫn chưa được cải thiện thời gian gần đây. Theo ông, thanh khoản đã "tạo đáy" hay chưa và bao giờ những phiên giao dịch tỷ USD mới có thể trở lại?
Ông Tô Quốc Bảo: Thanh khoản toàn thị trường tuần qua đạt 15.807 tỷ đồng, giảm 1,78% so với tuần trước, trong đó giá trị thanh khoản khớp lệnh cũng giảm 9,03% còn 11.546 tỷ đồng.
Theo thống kê, thanh khoản tính từ đầu tháng 12 trung bình phiên đạt 16.603 tỷ đồng, tăng 5,08% so với tháng 11 nhưng vẫn thấp hơn 10,44% so với cùng kỳ.
Có thể nói thanh khoản đã tạo đáy trong tháng 11 vừa qua khi thanh khoản có xu hướng quay trở lại và “bùng nổ” trong các phiên thị trường gặp áp lực điều chỉnh rung lắc. Dòng tiền tuy chưa thực sự tự tin và chủ động để quay trở lại mua giá cao trên thị trường nhưng luôn sẵn sàng vào “bắt đáy” mỗi khi chỉ số có sự điều chỉnh mạnh.
Ngoài ra, áp lực bán ròng của khối ngoại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trong nước cũng như khiến cho thị trường giao dịch trở nên ảm đạm hơn. Diễn biến của dòng vốn ngoại liên quan nhiều đến câu chuyện lãi suất, tỷ giá USD.
Chỉ khi dòng vốn khối ngoại ngừng rút ròng quy mô lớn chúng ta mới có khả năng chứng kiến những phiên giao dịch tỷ USD quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam .
Về triển vọng thị trường chứng khoán 2025, ông đánh giá có yếu tố nào tích cực và đâu là rủi ro cần quan sát?
Ông Tô Quốc Bảo: Tôi kỳ vọng năm 2025 sẽ là một năm phục hồi tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Việt Nam khi đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều dấu ấn kỷ niệm và cũng là năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Quốc hội cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% và phấn đấu đạt 8%.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cũng có thể kỳ vọng vào một năm 2025 tương đối thuận lợi trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bị đẩy lên mức độ cao hơn so với năm 2018 khi Việt Nam không phải mục tiêu trực tiếp của các chính sách thuế quan dưới thời kỳ Trump 2.0.
Bên cạnh sự phục hồi của nền kinh tế đóng vai trò bệ đỡ, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn là điểm nhấn quan trọng nhất.
Trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi với nhiều nội dung quy định. Thông tư sẽ có hiệu lực kể từ ngày 02/11/2024, như vậy, việc nâng hạng thị trường được kỳ vọng sẽ diễn ra tại kỳ đánh giá tiếp theo trong năm 2025.
Dự kiến, FTSE Russell có thể đưa Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi (Emerging Market - EM) vào tháng 9-2025, trong khi MSCI có thể thực hiện đánh giá tương tự một năm sau đó. Theo dự báo của World Bank, nếu Việt Nam được nâng hạng bởi FTSE Russell và MSCI vào năm 2025, có thể thu hút đến 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế đến năm 2030, thông qua cả dòng vốn thụ động và chủ động.
Đây là những mặt tích cực cho cả nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Song song với đó, thị trường vẫn cần đối diện một số rủi ro tiềm ẩn có thể gây ra những biến động lớn như:
Thứ nhất , các chính sách thương mại và thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể khiến cho nền kinh tế Việt Nam rơi vào tầm ngấm do quy mô thâm hụt thương mại cao thứ ba với Mỹ.
Thứ hai , đồng USD mạnh lên dưới thời của Tổng thống Trump sẽ khiến cho vấn đề tỷ giá trở nên nóng hơn trong năm 2025 và cần được theo dõi sát sao hơn.
Thứ ba , lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2025 sau khi đã được gia hạn nhờ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, lên đến 250.000 tỷ đồng, với khoảng 40% từ bất động sản. Rủi ro chậm trả nợ gốc của các doanh nghiệp sau khi kết thúc thời gian gia hạn tái cơ cấu nợ có thể làm gia tăng rủi ro tài chính.
Tuy năm 2025 được kỳ vọng sẽ là năm phục hồi tăng trưởng mạnh của Việt Nam, nhưng những biến số khó lường nêu trên vẫn có thể dẫn đến những biến động bất thường trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cần chuẩn bị kĩ các kịch bản dự phòng và bám sát diễn biến trên thị trường để kịp thời ứng phó với mọi biến động.
Xem thêm tại cafef.vn