Nhìn lại diễn biến trên thị trường tiền tệ tháng vừa qua, báo cáo do Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) mới công bố cho thấy, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 loại tiền tệ khác lên mức cao nhất trong hai năm sau chiến thắng của ông Trump, đạt 107,6 điểm.

Còn nhiều áp lực, VND mất giá khoảng 4,1%

Đồng bạc xanh được hỗ trợ bởi chiến dịch “Red Sweep”, diễn ra khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và đảng Cộng hoà giành được quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Việc đảng Cộng hòa giành chiến thắng toàn diện giúp mở đường cho vị tân Tổng thống thực hiện các cam kết giảm thuế và áp đặt thuế quan rộng rãi đối với hàng nhập khẩu. Đây là những biện pháp được cho là sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát và có khả năng sẽ kéo theo việc lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao tại Mỹ.

Ngoài ra, yếu tố khác cũng góp phần vào sự tăng giá của USD là việc nền kinh tế tăng trưởng ổn định với tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4,1%, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) dịch vụ tăng lên mức cao nhất trong 32 tháng là 57, chi tiêu tiêu dùng tăng 3,5% và lạm phát nhìn chung hạ nhiệt đáng kể.

Do đó, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây cũng tiết lộ rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất với tốc độ chậm hơn khi nền kinh tế không cho thất bất kỳ tín hiệu đáng lo ngại nào.

Chuyên gia dự đoán tỷ giá vơi dần áp lực, về mức 25.000 VND/USD cuối năm
Chuyên gia dự đoán tỷ giá vơi dần áp lực, về mức 25.000 VND/USD cuối năm.

Trước đó, vào đầu tháng 11, Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản và đưa phạm vi lãi suất về mức 4,5 - 4,75% nhưng khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 12 là không chắc chắn do lo ngại về những chính sách của ông Trump nhiều khả năng sẽ làm lạm phát bùng phát trở lại và buộc Fed phải duy trì chính sách thắt chặt trong thời gian dài hơn. Do đó, những điều này đã giúp củng cố vị thế của đồng USD, đẩy chỉ số DXY tăng gần 2% trong tháng lên mức 106 vào cuối tháng 11.

Sự hồi phục mạnh mẽ của đồng USD trong tháng qua tạo áp lực đáng kể lên tỷ giá VND/USD và đẩy tỷ giá liên ngân hàng tăng vọt lên 25.346 VND/USD vào cuối tháng 11.

Đồng VND hiện mất giá khoảng 4,1% so với đồng USD tính từ đầu năm và đang tiến gần tới mức đỉnh 4,6% được ghi nhận vào tháng 5.

Tỷ giá thị trường tự do cũng tăng lên mức 25.740 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 24.251 VND/USD, tăng lần lượt 4% và 1,7% so với đầu năm 2024.

"Chúng tôi cho rằng áp lực lên tỷ giá sẽ giảm trong thời gian tới nhờ vào các biện pháp can thiệp của NHNN. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra ở mức độ khiêm tốn, vì các chính sách được tân Tổng thống Mỹ đề xuất sẽ giúp đồng USD giữ đà tăng giá và khiến gia tăng áp lực lên tỷ giá hối đoái" - nhóm phân tích của MBS nhìn nhận.

Những yếu tố giúp vơi dần căng thẳng tỷ giá

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp can thiệp trên thị trường tiền tệ một cách linh động nhằm giúp ổn định thanh khoản hệ thống. Trong tháng 11, NHNN phát hành gần 21,4 nghìn tỷ đồng tín phiếu, với lãi suất 3,7 - 4%, kỳ hạn 28 ngày.

Cùng với đó, NHNN cũng bơm khoảng 315 nghìn tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO), với mức lãi suất 4% và kỳ hạn 7 ngày, nhằm giải tỏa áp lực thanh khoản sau những phiên hút ròng liên tiếp trong thời gian vừa qua.

Lãi suất thị trường liên ngân hàng trải qua nhiều biến động đáng kể trong tháng này. Khởi đầu tháng ở mức 3,6%, lãi suất qua đêm tăng vọt lên mức cao nhất trong 19 tháng tại 5,5% vào ngày 4/11.

MBS dự đoán rằng áp lực tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt và đạt mức 25.000 VND/USD vào cuối năm nay, dưới những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực khi cán cân thương mại hàng hóa nghiêng về xuất siêu 24,3 tỷ USD trong 11 tháng 2024; các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân 21,7 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ và du lịch phục hồi mạnh mẽ, tăng 41% cùng kỳ trong 11 tháng.

Chuyên gia dự đoán tỷ giá vơi dần áp lực, về mức 25.000 VND/USD cuối năm

Trao đổi với phóng viên TBTCVN gần đây, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhấn mạnh, những yếu tố trong nước gây áp lực về tỷ giá chỉ trong ngắn hạn khi tăng tốc độ nhập khẩu hàng hoá làm tăng nhu cầu ngoại tệ, song sẽ được bù đắp bởi chúng ta có thặng dư thương mại. Đây là tín hiệu mừng khi doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đơn hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trở lại, do đó, chúng ta phải nhập khẩu để xuất khẩu sau đó.

Cùng với đó, theo ông Việt, Fed giảm lãi suất thời gian tới cũng làm giảm áp lực căng thẳng tỷ giá VND/USD.

Trong báo cáo này, MBS cũng cho rằng sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.

Ngoài ra, áp lực lên tỷ giá được kỳ vọng sẽ giảm dần trong thời gian tới khi Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất, kể từ tháng 9 tới nay đã giảm tổng cộng 75 điểm cơ bản và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì việc cắt giảm, tuy nhiên với một tốc độ chậm hơn./.

Theo MBS, sau khi cấn trừ đi lượng tín phiếu và OMO đáo hạn, NHNN bơm ròng 87,1 nghìn tỷ đồng vào hệ thống trong tháng 11.

Tuy nhiên, sau khi liên tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng trong tháng 11, NHNN giảm dần lượng thanh khoản hỗ trợ hệ thống và chuyển sang trạng thái hút ròng thanh khoản trong những phiên gần đây. Thống kê của TBTCVN cho thấy, từ ngày 1-10/12, NHNN hút ròng khoảng 57,9 nghìn tỷ đồng.