Chuyên gia kỳ vọng giải pháp mới có thể giúp giá vàng về mốc 80 triệu đồng/lượng
Ngừng đấu thầu giá vàng vì không hiệu quả
Ngày 27/5, Ngân hàng nhà nước cho hay, cơ quan này sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024.
Trước đó, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường vàng, NHNN đã nối lại hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC kể từ ngày 22/4 sau 11 năm dừng hoạt động đấu thầu.
Tính từ lúc đấu thầu trở lại, đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được NHNN tổ chức. Với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã được các thành viên trúng thầu là 48.500 lượng (485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.
Trao đổi với báo chí sáng 29/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Quang Dũng cho biết nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, từ 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bán vàng cho các NHTM cổ phần Nhà nước để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân.
Theo đó, mức giá bán cho các ngân hàng thương mại Nhà nước căn cứ theo giá thế giới. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank) để các ngân hàng bán vàng trực tiếp tới người dân.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Quang Dũng, nguồn: Internet |
Còn quá sớm để nói về tác động của giải pháp
Theo chia sẻ TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng trao đổi với An ninh Tiền tệ, đấu thầu vàng miếng chỉ giải quyết vấn đề tạm thời cung cầu vàng trên thị trường. Về lâu dài, thị trường cần một giải pháp khác toàn diện hơn, ngăn chặn "chảy máu" ngoại tệ và buôn lậu vàng.
Ông cho rằng, NHNN dừng đấu thầu vàng và quyết định nhập khẩu vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước đây là giải pháp đúng, là tăng cung có kiểm soát.
Về phía 4 Ngân hàng bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đều đang tất bật để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng trên.
Đánh giá việc bán vàng miếng thông qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là chủ trương đúng đắn của NHNN, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho hay, BIDV đã triển khai đồng bộ các giải pháp.
Ông Lâm khẳng định “Nhằm thực hiện chủ trương bình ổn thị trường của Chính phủ và NHNN, chúng tôi xác định không đặt mục tiêu lợi nhuận mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ NHNN".
Nhận định về tác động của chính sách này đối với thị trường vàng miếng trong thời gian tới, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: "Còn quá sớm để nói về sự tác động của giải pháp này. Trước mắt chúng ta cần phải chờ đợi xem đến ngày 3-6 tới đây, nhu cầu mua vàng miếng của người dân tại nhóm ngân hàng Big4 ra sao, lượng người mua có nhiều không, thủ tục mua vàng ra sao, giá bán thế nào, có chênh lệch quá cao so với giá thế giới hay không...
Hơn nữa, hiện nay nhóm Big4 mới chỉ chọn một số phòng giao dịch hoặc chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM để bán vàng chứ chưa triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Do đó, cần phải chờ đợi thời gian để biết giải pháp này sẽ đem lại hiệu quả ra sao. Cá nhân tôi kỳ vọng rằng, giải pháp này có thể giúp vàng miếng rơi xuống vùng 80 triệu đồng/lượng là phù hợp".
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Những quốc gia khác quản lý vàng như thế nào?
Theo chia sẻ PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh chỉ ra, trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa. Và quy định có hai loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất.
Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường.
Về kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới "can thiệp" bình ổn thị trường vàng có thể kể đến như tại Trung Quốc. Kể từ năm 1949, thị trường vàng và trang sức đã được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quản lý và giám sát.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã từng bước tự do hoá thị trường vàng, đặc biệt là thành lập sàn giao dịch vàng Thượng Hải. Sàn giao dịch vàng Thượng Hải được thành lập năm 2002, là pháp nhân độc lập do Nhà nước đầu tư vốn 100%, hiện là một trung tâm giao dịch vàng của Trung Quốc.
Chính sách của Trung Quốc đã và đang dần dần mở cửa thị trường vàng. Sự ra mắt của Sàn Giao dịch vàng quốc tế Thượng Hải đã thu hẹp chênh lệch giá. Cũng như các hoạt động kinh doanh và các loại hàng hóa khác, Trung Quốc đã có chiến lược và chiến lược cụ thể trong việc xác lập vai trò quốc tế trong các hoạt động kinh doanh vàng toàn cầu.
Theo thông tin của Hội đồng Vàng thế giới, Thượng Hải cùng với London và Sàn Giao dịch các hợp đồng tương lai của Mỹ là ba trung tâm chính, chiếm hơn 90% tổng giao dịch vàng toàn cầu.
Tại Ấn Độ, năm 2003, Chính phủ Ấn Độ chính thức đưa vàng vào hoạt động tại Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ nhằm tạo thị trường cho việc giao dịch vàng và dễ dàng trong quản lý. Nhờ những chính sách tự do hóa thị trường vàng kết hợp chính sách kiểm soát, quản lý thị trường vàng, Ấn Độ không chỉ ngăn chặn được hoạt động buôn lậu vàng, mà còn giải phóng được một nguồn vốn khổng lồ dưới dạng vàng vào phát triển kinh tế.
Ngoài ra, trong khu vực Đông Nam Á, các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia đều đã thành lập sàn giao dịch vàng. Hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng vật chất (bao gồm vàng miếng, vàng nguyên liệu dạng thỏi, vàng nữ trang) đều do các Bộ Thương mại và Kinh tế quản lý.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn