Chuyên gia mách nước 'điểm sáng nhất' trên thị trường bất động sản, tỷ lệ đầu tư thành công lên tới 50%
Thị trường bất động sản đang dần hồi phục
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, các động lực tăng trưởng truyền thống của kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi. Khả năng phục hồi sau đại dịch của nước ta được đánh giá tốt, quý sau cao hơn quý trước.
Đáng chú ý, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang dần hồi phục. Tỷ lệ giải ngân tại TP.HCM, Hà Nội quý I dự báo tăng 15 - 20% so với năm 2023, cao hơn các nước trong khu vực.
Tỷ lệ giải ngân tại TP.HCM, Hà Nội quý 1 dự báo tăng 15 - 20% so với năm 2023. |
Cùng với đó, Chính phủ ban hành các chính sách tài khoá “mở rộng trọng tâm” thông qua việc giãn hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ và chính sách tiền tệ “linh hoạt nới lỏng” thông qua 4 lần giảm lãi suất cho phép cơ cấu lại nợ.
Niềm tin đầu tư kinh doanh tiêu dùng năm 2024 đang phục hồi. Khả năng huy động nguồn lực, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% năm 2023 nhưng cần kích cầu đầu tư tư nhân. Tín dụng năm 2024 đạt 14-15% là khả thi. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước cũng đang bắt đầu phục hồi.
Tuy nhiên, theo ông Lực, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức năm 2024. Rủi ro bên ngoài, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại dẫn đến đà phục hồi của xuất khẩu và đầu tư còn chậm, tăng trưởng đầu tư tư nhân và tiêu dùng còn thấp. Giải ngân đầu tư công chưa có đột phá, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về pháp lý, nghĩa vụ tài chính và chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi còn chậm.
Cơ cấu lại doanh nghiệp niêm yết và tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức, nợ xấu gia tăng trong tầm kiểm soát. Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa. Thể chế cho các lĩnh vực mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn diễn ra.
Bất động sản công nghiệp là điểm sáng nhất trong thị trường bất động sản
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2024, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cho biết giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua. Để nói về thị trường bất động sản giai đoạn vừa qua, theo ông có thể tóm tắt ở một số cụm từ "ý trời", "quy luật vận hành".
Theo ông Vũ, thời điểm trước đại dịch COVID-19, nhà đầu tư mua bất động sản đa phần là nhà đầu tư chuyên nghiệp mua để cho thuê. Trong giai đoạn đó, ngân hàng hỗ trợ cho vay, khi đầu tư bất động sản có lời thì tầng tầng lớp lớp lao vào. Giá bất động sản khắp nơi tăng, từ miền núi cho tới hải đảo.
Bất động sản công nghiệp là điểm sáng nhất trong thị trường bất động sản. |
Đúng lúc đó, COVID-19 nổi lên cộng với việc thắt chặt cho vay với bất động sản khiến thị trường đi xuống. Nhà đầu tư bắt đầu mất niềm tin. Và khi niềm tin bị mất thì lấy lại rất khó. Đây có thể là một quy luật hoặc là một sự khởi đầu cho một chu kỳ mới.
"Tôi có niềm tin với chu kỳ mới của nền kinh tế, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt", ông Vũ bày tỏ.
Còn theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng thời gian tới, khi Việt Nam hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Trong bối cảnh vĩ mô dần tốt lên trong khi mặt bằng lãi suất ở mức thấp thì bất động sản công nghiệp là điểm sáng nhất trong thị trường bất động sản với tỷ lệ đầu tư thành công lên tới 50%”, bà Dung chia sẻ.
Bên cạnh đó, bất động sản thương mại là thị trường nhà đầu tư quan tâm tuy nhiên tỷ lệ thành công chỉ 5 - 10%. Về lý do thất bại của từng sản phẩm trên thị trường bất động sản, theo bà Dung điều này đến từ chênh lệch định giá, pháp lý và cơ cấu chủ sở hữu.
Còn để quyết định xuống tiền phân khúc nào tốt nhất trong năm 2024, bà Dung cho rằng, phải phụ thuộc vào tổng số tiền đầu tư bao nhiêu vì có rất nhiều sản phẩm, phân khúc trong bất động sản. Đối với nhà đầu tư, bất động sản thương mại, khu công nghiệp vẫn là khẩu vị của họ. Còn sản phẩm nhà ở là sản phẩm nhà đầu tư cá nhân quan tâm. Trong đó, nhà ở trung cấp và tiệm cận trung cao cấp đang là phân khúc được nhiều người quan tâm nhất và là những phân khúc sáng của thị trường trong năm nay và những năm tới.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý việc các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cá nhân trước khi tìm kiếm các cơ hội bứt phá đều phải xác định rõ khẩu vị rủi ro và phương thức quản trị rủi ro của mình.
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ của Chính phủ; kết nối ngành hàng, đối tác, hiệp hội; tìm hiểu sự dịch chuyển của các thị trường, nguồn cung… và bắt nhịp các xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn