Chuyên gia SSI: Nhà đầu tư chưa sử dụng hết sức mua

2 tháng đầu năm 2024, thị trường chứng khoán ghi nhận những tín hiệu tích cực khi VN-Index tăng trưởng đến 12%. Theo đánh giá của bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research tại Toạ đàm: Thị trường chứng khoán “Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc" do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 5/3, đây là mức tăng trưởng khá khả quan và cho thấy niềm tin nhà đầu tư đã được củng cố.

Trong năm 2023, thị trường có những khó khăn đến từ nội tại, những yếu tố vĩ mô không thuận lợi như việc Fed liên tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng, khiến niềm tin nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường bất động sản, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Cùng với đó là việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành, đã giúp dòng tiền chảy vào chứng khoán tích cực hơn từ quý III năm ngoái.

Đặc biệt, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đã phục hồi. Theo SSI Research, tính đến quý III/2023, hầu hết lợi nhuận các ngành, các doanh nghiệp đã tạo đáy và trên đà phục hồi.

“Nhà đầu tư khi nhìn vào bức tranh, triển vọng của các ngành cũng như các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán thì đã thấy những gam màu tươi sáng hơn. Đó chính là những động lực giúp thị trường chứng khoán khởi sắc trong 2 tháng đầu năm nay”, bà Trang nói.

Nhìn dài hơn trong bức tranh cả năm 2024, bên cạnh việc môi trường lãi suất thấp đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, vĩ mô cũng cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi. Xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng 20%, các chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng, tình hình FDI cũng rất tốt.

Dù vậy, bà Trang lưu ý vẫn còn khá sớm để nói về sự phục hồi.

“Thị trường chứng khoán thường đi sớm và phản ánh bức tranh vĩ mô. Thị trường chỉ biết được nền kinh tế có tạo đáy hay không sau hai quý kể từ khi nền kinh tế đã tạo đáy. Nhưng những điểm mà tôi vừa nói là những yếu tố vĩ mô chúng ta phải quan sát, để thấy nó sẽ là những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán như thế nào, ngoài các vấn đề về lãi suất”, chuyên gia SSI nhấn mạnh.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm Thị trường chứng khoán “Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc" sáng ngày 05/03 (Ảnh: Dũng Minh)
Các diễn giả tham gia Tọa đàm Thị trường chứng khoán “Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc" sáng ngày 05/03 (Ảnh: Dũng Minh)

Trong khi đó, nhìn vào báo cáo margin cho thấy margin hiện chưa "căng", có nghĩa nhà đầu tư chưa sử dụng hết sức mua. Bên cạnh đó, tiền gửi cá nhân của các tổ chức tín dụng vẫn tăng, mặc dù môi trường lãi suất tiết kiệm đang thấp nhất thập kỷ qua, tức là có những nguồn tiền nhà đầu tư chờ sẵn, nhưng chưa quá hứng khởi để tham gia thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay.

Thanh khoản thị trường tính từ tháng 10/2023 cũng có những phiên khá cao, trên 1 tỷ USD/phiên, nhưng chưa phải quá bùng nổ. Tâm lý nhà đầu tư sau khi phản ánh xong sự tích cực khi được củng cố các chính sách, cũng như việc ngân hàng hạ lãi suất điều hành, thì cũng cần có thời gian quan sát những chính sách hỗ trợ được thẩm thấu như thế nào, có thực sự đem lại tác dụng tốt như trên thị trường bất động sản, nợ xấu ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp.

"Rất nhiều nhà đầu tư bị mất niềm tin vào kênh trái phiếu doanh nghiệp, trong khi tài sản của họ bị giữ lại ở kênh bất động sản thì giao dịch trầm lắng, cho nên đôi khi cũng có những cẩn trọng nhất định. Chúng ta nói nhiều về triển vọng nâng hạng, kinh tế vĩ mô khởi sắc, nhưng cũng cần xem yếu tố nội tại tiến triển, hồi phục mức độ như thế nào. Tôi nghĩ nó đang phản ánh tâm lý của nhà đầu tư hiện tại", bà Trang nói.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn