Chuyên gia VPBankS điểm tên nhóm cổ phiếu có định giá rẻ, phù hợp đầu tư tích sản

Tại chương trình Khớp lệnh, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank đánh giá triển vọng trung và dài hạn của TTCK Việt Nam rất tích cực với nhiều yếu tố để kỳ vọng như hạ lãi suất, các gói hỗ trợ kinh tế phục hồi sau bão Yagi, câu chuyện nâng hạng cải thiện dần sau kỳ review tháng 3/2025 và đến tháng 9/2025 có thể được nâng hạng.

Thời điểm hiện tại, thị trường đang rất phân hóa, tín hiệu tích cực của thị trường đến từ nhóm VN30 (chiếm phần lớn là ngân hàng). Nhóm midcap gần như phục hồi và đi ngang, nhóm smallcap yếu. Do vậy, câu chuyện vượt 1.300 hay không phụ thuộc vào VN30, song nhóm midcap nếu điều chỉnh nhiều cổ phiếu có điểm mua hợp lý.

Chuyên gia khuyến nghị ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có thể cầm tỷ trọng cổ phiếu 50% và tiền mặt 50% để tiến lùi hợp lý. Nếu VN-Index vượt 1.300 thì nâng tỷ trọng, gặp áp lực chốt lời thì hạ tỷ trọng ở mức an toàn. Trong trung và dài hạn, nhà đầu tư nên có tỷ trọng cổ phiếu nhất định để có sự bám sát nhất định với thị trường bởi cơ hội đến rất nhanh.

Riêng với nhóm ngân hàng, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng một số cổ phiếu ngân hàng nhóm 2 và 3 đang hấp dẫn nên câu chuyện mua tích sản trong chu kỳ dài khá hợp lý. Bởi khi nền kinh tế phục hồi, nhóm ngân hàng với vai trò là xương sống của nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận rất tốt. Chuyên gia nhận định năm 2025 nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi nhờ nền lãi suất giảm xuống. Nhờ đó, ngân hàng có thể giảm bớt chi phí dự phòng thúc đẩy lợi nhuận.

VPBankS đã xây dựng danh mục tích sản – Life Portfolio gồm 9 cổ phiếu. Trong đó, với cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu VPB có tỷ trọng xếp thứ 2 trong số các cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh Vietcombank là ngân hàng có vốn nhà nước. VPBank là ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao nên khi kinh tế phục hồi thì sẽ phục hồi nhanh. Định giá trong trung và dài hạn của VPB đang rẻ và đang có tín hiệu thu hút dòng tiền lớn. Ngoài ra, Ngân hàng SMBC của Nhật Bản đã giải ngân đến 1,4 tỷ USD để mua 15% vốn VPBank cho thấy tầm nhìn dài hạn từ 5 hay 10 năm tới.

Với nhóm tiêu dùng bán lẻ, chuyên gia đánh giá cao cổ phiếu MSN. Nhìn lại lịch sử giao dịch, sau 2 pha giảm lớn từ đỉnh 2018 cho đến đáy của 2020 và giữa 2023 đến đầu 2024, cổ phiếu MSN đã thoát trend giảm và phục hồi tốt trở lại.

Về mặt định giá, EV/EBITDA cho thấy giá trị thực của MSN đã rất rẻ trong 3 giai đoạn. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số EV/EBITDA của Masan cũng đang ở vùng khá thấp, tương đối hợp lý đầu tư cho trung dài hạn. Ông Sơn kỳ vọng cổ phiếu quay trở lại đỉnh lịch sử năm 2022 trong 1 đến 2 năm tới.

Xét về P/E đang ở mức trung bình trong 10 năm gần đây, là mức phù hợp để đầu tư cho câu chuyện kinh tế phục hồi và nhu cầu tiêu dùng trong trung, dài hạn. Năm 2024 là năm mang tính nền tảng cho phục hồi lợi nhuận với Masan. Trong những quý tới, tốc độ tăng lợi nhuận sẽ rất cao khi so sánh với nền thấp 2023, đến năm 2025 sẽ ổn định trở lại.

Ngược lại với cổ phiếu FPT, trong chuỗi tăng giá vừa qua có thể thấy rất nhiều lần nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh. Đặc biệt là khi cổ phiếu này vượt qua mốc 100.000 đồng/cp, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rã nhưng dường như không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cổ phiếu này có dấu hiệu chững lại ở nền giá cao trong năm nay. Đa phần cổ phiếu liên quan đến sản xuất chip trên toàn cầu tạm dừng đà tăng sau khi lập đỉnh 1 đến 2 tháng trước. Minh chứng là trong tuần qua, chỉ số S&P 500, Dow Jones lập đỉnh mới nhưng Nasdaq thì không.

Diễn biến hiện tại của FPT, chuyên gia VPBankS cho rằng đây là giai đoạn chốt lời đơn thuần, cơ cấu danh mục khi cổ phiếu đã lên cao nhất năm. Hiện tại, định giá P/E của FPT đã lên mức 28 lần, là mức cao. Trong trường hợp FPT điều chỉnh thì cơ hội mua cho những nhà đầu tư FOMO sẽ xuất hiện.

Xem thêm tại cafef.vn