Chuyển sàn và cơ hội với cổ phiếu “vua”

Làn sóng chuyển sàn

Trong ngành ngân hàng, hiện có 7 ngân hàng TMCP đang giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM, gồm VietABank, ABBank, Kienlongbank, VietBank, PGBank, SaigonBank và BVBank.

Theo kế hoạch, Saigonbank (mã SGB) sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE, hoặc HNX trong năm 2024. Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank cho hay, hiện các chỉ số tài chính của Saigonbank đã đáp ứng điều kiện niêm yết trên HOSE, Ngân hàng đã ký hợp đồng với công ty tư vấn. Tuy vậy, theo ông Lãm, “đây là quá trình dài và phức tạp”.

Năm nay, VietBank (mã VBB) cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu VBB trên sàn HOSE. Thực tế, kế hoạch này đã được đại hội đồng cổ đông VietBank thông qua trong mùa đại hội trước.

Theo giải thích của lãnh đạo VietBank, việc niêm yết cổ phiếu VBB trên HOSE trong năm 2023 sẽ không phản ánh đúng giá trị cổ phiếu và đảm bảo quyền lợi của cổ đông, vì vậy, Ngân hàng chưa thực hiện việc niêm yết cổ phiếu VBB như kế hoạch trước đó.

Mục tiêu của VietBank khi chuyển sàn HOSE là nâng cao vị thế, uy tín trên thị trường, thu hút thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, cải thiện năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của Ngân hàng.

VietABank (mã VAB) cũng cho biết sẽ đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi và theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Việc lựa chọn niêm yết trên sàn HOSE, hay HNX sẽ do Hội đồng quản trị Ngân hàng quyết định và sau khi được Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. VietABank kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu niêm yết trong năm 2024.

BVBank (mã BVB) đã trình cổ đông thông qua việc chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE. Trước đó, kế hoạch này đã được đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 thông qua nhưng Ngân hàng chưa thực hiện do bối cảnh thị trường không thuận lợi.

Trong năm 2024, BVBank dự báo nền kinh tế có triển vọng khởi sắc và tình hình kinh doanh năm 2024 của sẽ phục hồi, do đó, Ngân hàng tiếp tục trình phương án niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Đồng thời, năm nay, Ngân hàng tăng vốn điều lệ thêm gần 890 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên tối đa 6.408 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP).

Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBank cũng cho biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng mong muốn đưa cổ phiếu ABB lên sàn HOSE để huy động vốn thị trường tốt hơn và việc niêm yết giúp quản trị thông tin minh bạch hơn. Theo ông Kháng, việc chuyển sàn phải diễn ra trong điều kiện thuận lợi.

Trong năm 2024, 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023.

Bên cạnh đó, vẫn có 11% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 (cao hơn tỷ lệ 10,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước) và 2,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Về định giá, tính đến ngày 16/7/2024, cổ phiếu ngành ngân hàng đang được giao dịch ở mức P/E và P/B trailing là 9,71 lần và 1,54 lần, thấp hơn so với P/E và P/B trung bình 3 năm là 10,26 lần và 1,67 lần.

Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu là cần thiết để mở ra cơ hội huy động vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, thanh khoản cổ phiếu cũng như thương hiệu trên thị trường, tuy nhiên, khi thị trường thuận lợi thì niêm yết sẽ đem lại lợi ích tốt hơn cho cổ đông.

Theo TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Chứng khoán, Dragon Capital, các quỹ đầu tư và nhà đầu tư cũng muốn rót vốn vào doanh nghiệp niêm yết.

Đặc biệt, lĩnh vực ngân hàng luôn đòi hỏi tính minh bạch cao nên yêu cầu niêm yết trên sàn HOSE hay HNX là cần thiết. Vì khi niêm yết, đòi hỏi các ngân hàng phải công bố thông tin và các báo cáo tài chính phải được kiểm toán để tăng độ minh bạch của hoạt động ngân hàng.

Cơ hội với cổ phiếu “vua”

Việc chuyển sàn từ UPCoM lên sàn niêm yết sẽ giúp cổ phiếu nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp cũng như tính thanh khoản của cổ phiếu. Chính vì vậy, các cổ phiếu chuyển sàn thường thu hút sự chú ý của nhà đầu tư hơn.

Đáng chú ý, các ngân hàng trong năm nay đồng loạt chia cổ tức bằng tiền và/hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. HDBank, ACB, Nam A Bank, OCB… đều chia cổ tức theo tỷ lệ trên dưới 25%.

Thậm chí, Techcombank không chỉ chia cổ tức mà còn thưởng cổ phiếu tỷ lệ cao để tăng vốn điều lệ gấp đôi, từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng. Các nhà băng quy mô vừa và nhỏ cũng không nằm ngoài cuộc đua tăng vốn.

Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục là nhóm thu hút dòng tiền trong năm nay và phù hợp với những nhà đầu tư ưa thích nắm giữ trong trung và dài hạn. Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã thể hiện rõ vai trò nâng đỡ thị trường chứng khoán tại nhiều thời điểm, đặc biệt là khi hoạt động của ngành vẫn ghi nhận lợi nhuận tích cực trong nửa đầu năm.

Đồng thời, tăng trưởng tín dụng dần được cải thiện sẽ tác động lên kết quả kinh doanh của các nhà băng.

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, trong quý II/2024, tín dụng của ngành ngân hàng đã cho thấy sự cải thiện tích cực, kéo tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 6/2024 lên mức 6% so với cuối năm ngoái, đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, bức tranh lợi nhuận quý II/2024 của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa rõ nét.

Trong đó, một số ngân hàng có tiềm lực, triển vọng sẽ có lợi nhuận tăng trưởng vượt trội, lên đến hơn 50% so cùng kỳ năm trước và cũng có nhiều ngân hàng chỉ tăng trưởng ở mức một con số, hoặc tăng trưởng âm.

Ông Huân dự báo, lợi nhuận cả năm 2024 của ngành ngân hàng có thể tăng khoảng 10 -15%. Động lực chính đến từ nhiều yếu tố như hoạt động kinh tế được kỳ vọng hồi phục tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024, giúp tăng trưởng tín dụng khởi sắc và giảm căng thẳng về nợ xấu; NIM kỳ vọng cải thiện nhờ chi phí huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.

Kết quả điều tra các tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong quý II/2024 có cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét so với quý I/2024 và chưa đạt được như kỳ vọng của tổ chức tín dụng tại kỳ điều tra trước.

70 - 75,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý III/2024 và cả năm 2024.

Trong năm 2024, 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023. Bên cạnh đó, vẫn có 11% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 (cao hơn tỷ lệ 10,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước) và 2,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Về định giá, tính đến ngày 16/7/2024, cổ phiếu ngành ngân hàng đang được giao dịch ở mức P/E và P/B trailing là 9,71 lần và 1,54 lần, thấp hơn so với P/E và P/B trung bình 3 năm là 10,26 lần và 1,67 lần.

Cùng với định giá hấp dẫn và tăng trưởng thu nhập kỳ vọng tiếp tục phục hồi, cổ phiếu ngành ngân hàng còn thu hút nhà đầu tư bởi câu chuyện tăng vốn, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng hạng thị trường và tỷ lệ cổ tức khá đều đặn.

Dựa vào những cơ sở đã đưa ra ở trên, kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục là nhóm ngành thu hút dòng tiền trong năm nay và phù hợp với những nhà đầu tư ưa thích nắm giữ trong trung và dài hạn.

Theo bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên HOSE tăng khoảng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và ước tính cả năm tăng 15%, chủ yếu nhờ lợi nhuận của ngân hàng duy trì đà tăng và sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản nửa cuối năm.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn