Chuyện “tiếp sức” cho doanh nghiệp

1. Chủ đề được các doanh nhân trao đổi nhiều nhất bên lề Lễ trao giải Doanh nghiệp niêm yết tại Nha Trang vào tháng 12/2023 là chuyện dòng tiền - dòng máu của doanh nghiệp.

Ông Phan Lê Hòa, Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) cho biết, Công ty đã thực hiện nhiều phương án tái cấu trúc để nỗ lực đưa dư nợ trái phiếu doanh nghiệp về con số 0.

Trong năm 2023, Phát Đạt đã trả xong hơn 2.000 tỷ đồng nợ trái phiếu. Người trong nghề còn chia sẻ, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Phát Đạt đã bán nhiều tài sản cá nhân để cho Công ty vay tiền trả nợ. Việc giữ uy tín trong chuyện nợ vay đã giúp Phát Đạt rất nhiều trong công tác bán hàng cũng như làm việc với các bên liên quan, trong đó có các tổ chức tài chính. “Nếu tới đây, Phát Đạt tiếp tục phát hành trái phiếu, tôi sẽ mua”, một nhà đầu tư tin tưởng.

Quỹ đất đa dạng, các công tác pháp lý được hoàn thiện đúng dự kiến, nhiều dự án đang đi vào xây dựng sẽ là động lực để Phát Đạt phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Với gánh nặng nợ quá lớn, vay nợ ngân hàng và trái phiếu lên tới hàng tỷ USD, Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc NoVa (Novaland, mã NVL) không có được năng lực tái cấu trúc tài chính như Phát Đạt, song cũng có nhiều nỗ lực trong việc tái cấu trúc dòng tiền. Những ngày cuối năm 2023, hàng trăm tỷ đồng trái phiếu đã được các nhà đầu tư hoán đổi sang bất động sản của Công ty. Novaland cũng là một trong những doanh nghiệp được các công ty chứng khoán đánh giá có nỗ lực trong việc giảm dư nợ trái phiếu bằng cách phối hợp với các bên liên quan để giải chấp tài sản bảo đảm, bán ra thu tiền về trả nợ cho nhà đầu tư.

Với Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã HPX), nhìn lại cả năm 2023, CEO Đoàn Hòa Thuận chia sẻ: “Lo tiền rụt cổ. Hải Phát vừa tất toán đúng hạn và trước hạn xong 800 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu còn 1.500 tỷ đồng mà riêng năm 2024 là 1.000 tỷ đồng”. Doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để không phải “thả trôi” trái phiếu, trong đó có giải pháp chấp nhận cho bán tài sản bảo đảm để trả cho nhà đầu tư.

Năm 2023 đã cho thấy những doanh nghiệp coi trọng quản trị rủi ro, quản trị dòng tiền có thể đi xa trên hành trình phát triển bền vững của mình.

Dòng tiền dễ dãi trước đây đã khiến nhiều doanh nghiệp “ngã ngựa” cũng như có được bài học về việc chạy theo những mục tiêu hoành tráng, đầu tư dàn trải. Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, trong một đại hội trái chủ cho hay, trước khi IPO và niêm yết cổ phiếu, các bên tư vấn nói rằng doanh nghiệp cần tăng quỹ đất, đầu tư đồng loạt nhiều dự án và giờ Ban lãnh đạo doanh nghiệp mới thấm thía đây chính là rủi ro doanh nghiệp không quản trị được và phải trả giá, chấp nhận thương đau về nợ nần “ngập đầu” như hiện nay.

Những doanh nghiệp như Đất Xanh, Cenland “thiếu máu”, buộc phải chấp nhận lui lại trong cuộc đua giành cơ hội kiếm lợi nhuận ở nhiều dự án tiềm năng. Vào những ngày cuối tháng 11/2023, một nhà đầu tư cá nhân đã giành được hợp đồng mua buôn gần 3 ha đất dự án Bãi Muối của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) với giá trị khoảng 800 tỷ đồng, đánh bại các tên tuổi trong làng phân phối bất động sản. Sau khi đặt cọc, thậm chí nhà đầu tư này còn chuyển tiền trả doanh nghiệp trước thời hạn quy định, cho thấy họ có tiềm lực tài chính rất vững vàng. “Đường dài mới biết ngựa hay”, lãnh đạo Lideco đã nhận xét như vậy khi quyết định chọn đối tác cho dự án. Họ cũng kiểm tra chéo nhiều nguồn để không “chọn nhầm” ở ngay đợt bán đầu tiên.

2. Trong nhiều cuộc trò chuyện với người viết, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lideco luôn nói rằng, giới doanh nhân như ông phải cảnh giác với “giấc mơ đại gia”. Có những thời điểm nhìn sang các doanh nghiệp bạn, thấy họ phát triển nhanh quá, hoành tráng quá, nội bộ Lideco cũng có nhiều ý kiến, tại sao chúng ta không đi vay tiền, mua thêm nhiều dự án, triển khai đồng loạt để tiến nhanh. Nhưng ông và Ban lãnh đạo Công ty luôn theo đuổi chiến lược: “Liệu cơm gắp mắm”, làm gì cũng phải bảo đảm cho doanh nghiệp thật an toàn. Từ lâu, Lideco là doanh nghiệp không vay nợ.

Năm 2023 đã cho thấy những doanh nghiệp coi trọng quản trị rủi ro, quản trị dòng tiền như Lideco có thể đi xa trên hành trình phát triển bền vững của mình. Thực tế, ngay cả khi thị trường trầm lắng, những dự án có pháp lý hoàn thiện, chủ đầu tư uy tín, có sức khỏe tài chính ổn vẫn bán được hàng, được ngân hàng bảo lãnh và được các đơn vị vận hành chuyên nghiệp xin được đồng hành.

Khi bàn về câu chuyện phát triển bền vững của doanh nghiệp trước cú sốc của nền kinh tế và đổ vỡ của thị trường trái phiếu trong năm 2022, Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, từng đảm nhận nhiều vị trí cấp cao tại Tập đoàn Alsthom nhận xét: “Tôi đã từng quan sát hàng ngàn công ty ở Việt Nam và tôi phát hiện ra rằng, hễ phải lựa chọn giữa lợi nhuận và doanh thu thì nhiều doanh nghiệp không những nghiêng về doanh thu, mà còn coi quyết định như thế là dĩ nhiên. Có doanh nghiệp còn sẵn sàng đi xa hơn một chút, nhận rủi ro về lỗ lã, nhưng không thể từ chối một con số doanh thu hoành tráng. Đó là những chương trình đồ sộ, những dự án lớn, rủi ro cao và xác suất tạo được lợi nhuận rất khó khăn”.

Giáo sư cũng nhìn nhận, thời kỳ này sẽ tạo thêm cơ hội cho những doanh nghiệp đang tự quản một cách bài bản. Đó là những doanh nghiệp luôn luôn theo sát thị trường, sẵn sàng mang giá trị tới khách hàng, không bán lỗ, không đi quá khả năng thực của mình.

Từ kinh nghiệm của nhà quản trị tầm cỡ thế giới, ông Phan Văn Trường đã có lời khuyên với các doanh nhân: “Đối với các doanh nghiệp lớn, tôi chỉ xin khuyên các bạn ấy giữ tay lái trên vài ý niệm cơ bản của quản trị: sở hữu công nghệ của mình, bỏ kim tự tháp quan liêu và đi dần vào quản trị theo chức năng, quản lý tiền mặt thật sát sao và nhất là… đến khi phải tìm người kế vị, hãy đừng ngần ngại chọn người xứng đáng, xứng tầm ngoài gia đình, vì dĩ nhiên là tiêu chuẩn xuất sắc phải là ưu tiên. Thời kỳ sau Covid sẽ dành cho những doanh nghiệp Việt Nam can đảm lột xác, để cuối cùng chạy đua thực cùng thế giới”.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn