CII phát cổ tức 100 tỷ đồng ngay đầu năm

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) thông báo đã chuyển 100 tỷ đồng đến (Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng Khoán Việt Nam (VSD) để chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 4%.

Số tiền này dự kiến về tài khoản của cổ đông vào ngày 3/1. Ngày chốt quyền hưởng cổ tức đã thông báo trước đó vaào 16/10/2023.

Đây là lộ trình chia cổ tức đều đặn mà doanh nghiệp cam kết vào ngày đầu mỗi quý với tỷ lệ tổng cộng 16%/năm, đồng thời cũng là đợt trả cổ tức tiền mặt đầu tiên sau hơn 3 năm công ty không chi trả cổ tức. 

Câu chuyện này từng được lãnh đạo CII giải thích do vướng mắc về cơ chế ưu tiên thanh toán trong các hợp đồng BOT. Theo quy định, các dự án BOT buộc phải ưu tiên trả nợ ngân hàng từ khi bắt đầu thu phí, thay vì hạch toán lợi nhuận (và chia cổ tức cho cổ đông) của công ty.

Nguồn tiền từ việc thu phí BOT các dự án cầu đường mà công ty làm chủ đầu tư tương đối ổn định, thậm chí tăng dần theo thời gian do tăng mức phí và lưu lượng xe. Nhờ nguồn thu ổn định này, lãnh đạo công ty muốn chia cổ tức tiền mặt đều đặn 4% vào đầu mỗi quý (tương đương 16%/năm). 

Tuy nhiên, tỷ lệ thực tế sẽ phải được cổ đông thông qua trong các kỳ hợp ĐHĐCĐ, căn cứ vào kết quả kinh doanh trong năm của công ty. Do vậy, tỷ lệ cổ tức thực tế sẽ được chi trả có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức mong muốn.

Đến nay công ty hạ tầng này đã đề xuất phát hành trái phiếu để trả nợ trước cho các ngân hàng và dùng nguồn tiền từ việc thu phí BOT thanh toán cổ tức cho cổ đông.

Cụ thể, CII đã thông báo phát hành 2.840 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với thời hạn 10 năm. Trái chủ có quyền chuyển đổi tùy ý lượng trái phiếu sang cổ phiếu sau thời điểm tròn mỗi năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. 

Đợt phát hành này nằm trong kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn của công ty với tổng giá trị trái phiếu dự kiến huy động gần 7.000 tỷ đồng. CII sẽ sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu để đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ của CTCP Đầu Tư Xây Dựng Xa Lộ Hà Nội và Công Ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận.

Lãnh đạo doanh nghiệp nói doanh thu của các dự án triển khai rất rõ ràng và khả năng hoàn vốn cao. Do đó, thay vì đi thu phí và trả nợ cho ngân hàng, công ty có thể chuyển phần vốn đó thành vốn cổ phần bằng cách tăng vốn điều lệ thông qua phát hành trái phiếu cho cổ đông. Tiền thu được từ các dự án sẽ được dùng để trả cổ tức cho cổ đông hoặc trả trái tức cho cổ đông và trái chủ.

Mới đây, CII nhận thông tin 2 dự án Trạm thu phí Cà Ná và Trạm thu phí Cầu Cổ Chiên đã được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận điều chỉnh giá vé  tăng thêm là 18% (mức giá cụ thể theo văn bản số 8940/CĐBVN-TC về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với các trạm thu phí có điều chỉnh giá).

CII và các đơn vị thành viên còn thông báo đã hoàn tất giải ngân 9.302 tỷ đồng từ khoản tài trợ của Vietcombank cho hai dự án cơ sở hạ tầng là dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án BOT Xa lộ Hà Nội.

Hiện mảng kinh doanh BOT (xây dựng - vận hành -  chuyển giao) do công ty con Đầu tư Cầu đường CII quản lý với 7 dự án, doanh thu bình quân mỗi ngày gần 7 tỷ đồng, tương đương thu hơn 2.500 tỷ đồng mỗi năm.

Xem thêm tại vietnambiz.vn