CII thu hơn 2.800 tỷ đồng từ trái phiếu chuyển đổi
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã: CII) thông báo đã phân phối hơn 28,1 triệu trái phiếu trong 28,4 triệu trái phiếu chào bán. Trong đó, cổ đông hiện hữu đăng ký mua 16,9 triệu trái phiếu, phần còn lại bán cho cán bộ, nhân viên công ty. Sau khi trừ đi chi phí phát hành, công ty thu ròng 2.812 tỷ đồng.
Đây là gói 1 trong phương án chào bán 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không tài sản bảo đảm, không kèm chứng quyền cho cổ đông hiện hữu. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm, lãi suất 10%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ tiếp theo thả nỗi với mức lãi suất bằng tổng của 2,5%/năm và lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó (bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của VietinBank và Vietcombank). Trái phiếu được quyền chuyển đổi thành cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, được chuyển đổi vào ngày 25/1 các năm 2026 đến 2034. Số lượng chuyển đổi sẽ do trái chủ tự quyết định.
Theo phương án ban đầu, công ty dự định dùng số tiền huy động được để góp vốn vào Công ty TNHH MTV BOT Tỉnh Ninh Thuận (1.200 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội (1.640 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Công ty Xa Lộ Hà Nội đã được Vietcombank tài trợ số tiền 2.398 tỷ đồng trong thời hạn 7 năm, mặt bằng lãi thấp chỉ 8%/năm trong khi lãi suất huy động 10%/năm (cho năm đầu tiên).
Do vậy, công ty muốn điều chỉnh mục đích sử dụng vốn sang các khoản vay có lãi suất cao hơn 10%/năm, cụ thể là thanh toán trái phiếu CIIB2024009 (500 tỷ), CIIB2124001 (590 tỷ), trái phiếu do Công ty Xa Lộ Hà Nội phát hành riêng lẻ (550 tỷ).
Nội dung thay đổi này sẽ được trình cổ đông vào cuộc họp ĐHCĐ ngày 31/1 tới đây. Bên cạnh đó, thời gian triển khai gói 1 kéo dài cũng ảnh hưởng đến gói 2 nên công ty cũng có một số điều chỉnh cho phù hợp.
Cụ thể, công ty muốn giảm tổng giá trị phát hành đợt 1 từ 1.660 tỷ đồng xống 1.592 tỷ đồng. Mục đích sử dụng vốn cũng chuyển sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.
Ngoài ra, rút kinh nghiệp từ gói 1, HĐQT trình thay đổi đối tượng mua trái phiếu sau khi cổ đông hiện hữu không mua từ các nhà đầu tư khác theo hình thức đấu giá thành người lao động của CII và nhà đầu tư khác theo tiêu chuẩn HĐQT phê duyệt. Lý do đưa ra là qua tham khảo đơn vị tư vấn và văn bản pháp luật thì việc đấu giá khó thực hiện và có thể làm kéo dài tiến độ phát hành.
Năm 2023, bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, các dự án hạ tầng đã hoàn tất đi vào thu phí, CII tập trung vào việc tái cấu trúc tài chính. Bên cạnh kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thì công ty cũng đã đàm phán thành công gói tín dụng hơn 9.300 tỷ đồng từ Vietcombank, tài trợ cho 2 dự án hạ tầng trọng điểm là BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và BOT Xa Lộ Hà Nội. Mức lãi suất cho vay áp dụng hiện nay 8,55% - 8,7%/năm.
Doanh nghiệp cho biết việc này mở ra cơ hội để CII tiếp tục thực hiện tái cấu trúc dòng tiền của các dự án BOT đã và đang đi vào khai thác để nhanh chóng thu hồi vốn, qua đó có thể tái đầu tư dự án mới cũng như thanh toán cổ tức cho cổ đông.
CII có danh mục 7 dự án BOT lớn đang vận hành thu phí, mỗi ngày đem về 7,7 tỷ mỗi ngày. Trong đó, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là dự án lớn nhất tổng đầu tư 12.668 tỷ đồng, dự án đi vào khai thác từ quý III/2022, doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng/ngày.
Xem thêm tại nhadautu.vn