CMC lập công ty AI; DOJI trúng dự án ở Huế; ACV đạt quá nửa kế hoạch lợi nhuận năm
CMC lập công ty con phục vụ dự án Trung tâm dữ liệu siêu quy mô
HĐQT CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC Corp) đã thông qua thành lập công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng nhằm phục vụ dự án Trung tâm dữ liệu siêu quy mô.
CMC Corp thành lập Công ty TNHH Hạ tầng số CMC AI, vốn điều lệ 300 tỷ đồng |
Cụ thể, công ty con sắp thành lập có tên Công ty TNHH Hạ tầng số CMC AI (CMC ADI), do CMC làm chủ sở hữu. CMC ADI sẽ đặt trụ sở tại Khu Chế xuất Tân Thuận (TP.HCM).
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT CMC sẽ làm người đại diện theo ủy quyền, đại diện cho toàn bộ phần vốn góp của CMC. Đồng thời, ông Chính cũng sẽ giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại CMC ADI.
Theo kế hoạch, CMC ADI có vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, việc tăng vốn sẽ theo quy mô và phương án tài chính của dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận nhà đầu tư. Ngành nghề kinh doanh sẽ được đăng ký phù hợp với mục tiêu Dự án Trung tâm dữ liệu siêu quy mô (DC Hyperscale).
Về dự án DC Hyperscale, CMC có kế hoạch trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua, dự kiến được tổ chức vào ngày 25/7 tới đây tại Hà Nội.
Nếu thực hiện đúng kế hoạch, CMC sẽ gia tăng thêm số lượng công ty con vốn đã khá đông đúc của mình.
Theo BCTC kiểm toán 2023, CMc đang có 14 công ty con, hoạt động trong các lĩnh vực như cung cấp giải pháp công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, dịch vụ thuê ngoài BPO và ITO, giải pháp an toàn an ninh thông tin, linh kiện điện tử; các dịch vụ và phân phối sản phẩm phần mềm; nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới thuộc các lĩnh vực ICT; đào tạo đại học.
DOJI trúng thầu dự án bất động sản hơn 4.600 tỷ đồng ở Huế
Liên danh CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land vừa được công bố là nhà thầu thực hiện dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu.
Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu, Huế |
Nội dung này có trong quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án trên do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành. Lý do được chọn là đáp ứng các yêu cầu về tài chính - thương mại - kỹ thuật.
Liên danh Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI - Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land đều là các công ty có liên quan đến DOJI Group thuộc hệ sinh thái của ông Đỗ Minh Phú.
Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu có diện tích khu đất hơn 182.600 m2, quy mô dân số khoảng 9.000 người. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 4.626 tỷ đồng, chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư hơn 170 tỷ đồng. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự kiến gần 340 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 60 tháng.
Mục tiêu dự án là hình thành Trung tâm thương mại - dịch vụ và khu ở cao cấp tại khu vực trung tâm Khu A - Đô thị mới An Vân Dương nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân và nhu cầu mua sắm, lưu trú cho khách du lịch khi đến TP Huế.
Đồng thời, dự án sẽ góp phần tạo động lực cho tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước đó, ngoài liên doanh DOJI, liên danh CTCP Xây dựng Coteccons và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons cũng đã đăng ký thực hiện dự án này.
Dịch vụ biển Tân Cảng giải thể công ty con sau 1 năm thành lập
HĐQT CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng đã thông qua giải thể CTCP Tân Cảng Xuân Cầu chỉ sau hơn 1 năm thành lập, đồng thời khôi phục lại tình trạng hoạt động của CN Hải Phòng.
Dịch vụ biển Tân Cảng đã góp vốn thành lập CTCP Tân Cảng Xuân Cầu để thay thế chi nhánh tại Hải Phòng, nhưng sau đó hoạt động không hiệu quả vì không tiếp tục triển khai dự án đầu tư như định hướng hợp tác thành lập doanh nghiệp ban đầu.
Dịch vụ biển Tân Cảng ghi nhận doanh thu thuần quý I/2024 đạt 509 tỷ đồng, tăng hơn cùng kỳ 58%, là mức cao nhất 10 quý qua. |
Quyết định khiến giới đầu tư bất ngờ, đặc biệt là các cổ đông Dịch vụ biển Tân Cảng, vì Tân Cảng Xuân Cầu chỉ mới được thành lập hơn 1 năm. Hơn nữa, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa diễn ra vào tháng 4, lãnh đạo Dịch vụ biển Tân Cảng còn nêu rất rõ kế hoạch triển khai dự án tại Tân Cảng Xuân Cầu với nhiều sự kỳ vọng.
Năm ngoái, vào 4/5/2023, HĐQT Dịch vụ biển Tân Cảng thông qua việc góp vốn thành lập Tân Cảng Xuân Cầu. Ông Bùi Quang Huy được đề cử làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Công ty.
Vào thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Dịch vụ biển Tân Cảng góp 102 tỷ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ, trích từ quỹ đầu tư phát triển. Ông Lê Đăng Phúc, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Dịch vụ biển Tân Cảng được ủy quyền làm người đại diện 100% phần vốn góp này.
Thời điểm thành lập, Tổng giám đốc Dịch vụ biển Tân Cảng cho biết: “Công ty sẽ hợp tác cùng CTCP Xuân Cầu Holdings góp vốn thành lập CTCP Tân Cảng Xuân Cầu để đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics với tổng diện tích khoảng 40 ha, cung cấp các dịch vụ kho bãi, logistics tại khu vực cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng”.
Khi đó, ban lãnh đạo Dịch vụ biển Tân Cảng xác định sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án (diện tích 10ha) vào cuối năm 2023.
Nhưng gần 1 năm sau, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra ngày 12/04/2024, giai đoạn 1 dự án lại được Dịch vụ biển Tân Cảng cho biết dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2024. Ông Võ Đắc Thiệu, Chủ tịch HĐQT Dịch vụ biển Tân Cảng lý giải do nhiều nguyên nhân khách quan, dự án bị chậm so với kế hoạch.
Ông cũng cho hay Tân Cảng Xuân Cầu đang làm việc để thuê lại 10 ha giai đoạn 1, dự kiến có thể mở rộng đến 40 ha. Theo con số được ông Thiệu chia sẻ, Dịch vụ biển Tân Cảng đã góp 30 tỷ đồng, tương ứng 29,4% tổng vốn đầu tư kế hoạch.
Như vậy, Chi nhánh Hải Phòng của Dịch vụ biển Tân Cảng đã khôi phục hoạt động từ ngày 28/06/2024, trụ sở chính đặt tại tòa nhà Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và do ông Bùi Quang Huy là người đứng đầu.
Dịch vụ biển Tân Cảng đã trải qua quý đầu năm 2024 tích cực, với doanh thu thuần 509 tỷ đồng, hơn cùng kỳ 58%, là mức cao nhất 10 quý; lãi ròng tăng 31% lên gần 36 tỷ đồng. Tổng tài sản tạo cột mốc mới 3.856 tỷ đồng khi tăng 9% so với đầu năm.
Khách quốc tế tăng mạnh, ACV đạt quá nửa kế hoạch lợi nhuận năm
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 vừa diễn ra, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tiết lộ nhiều kết quả khả quan về sản lượng khách quốc tế và chuyến bay quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.983 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ và thực hiện 64% kế hoạch năm |
Đáng chú ý, ACV cho biết khách quốc tế đã hồi phục mạnh trong 6 tháng đầu năm, dù tổng sản lượng khách giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng hành khách đạt gần 54,7 triệu khách, chiếm 48% kế hoạch năm 2024 và giảm gần 4% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 20,3 triệu khách, tăng gần 40% so với cùng kỳ.
Đi kèm với đó, sản lượng cất hạ cánh quốc tế cũng tăng mạnh hơn 27%, lên 126.703 lượt chuyến. Trong khi đó, cất hạ cánh trong nước lại giảm hơn 22%, đạt 206.138 lượt chuyến.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng diễn biến tích cực. Sản lượng hàng hóa, bưu kiện đạt gần 730 ngàn tấn, thực hiện 53% kế hoạch năm và tăng 26% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, hàng hóa, bưu kiện quốc tế đạt 498 ngàn tấn, tăng 21% so với cùng kỳ 2023, còn hàng hóa, bưu kiện trong nước đạt 231 ngàn tấn, tăng 36%.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận tổng doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ và thực hiện 54% kế hoạch năm. Còn lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.983 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ và thực hiện 64% kế hoạch năm.
Như vậy, tính sơ bộ, lợi nhuận trước thuế của ACV đạt 2.354 tỷ đồng trong quý 2/2024, giảm 27% so với cùng kỳ.
Tại hội nghị, ban lãnh đạo ACV cũng cập nhật tiến độ của các dự án trọng điểm.
Dự án Nhà ga T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã hoàn thành 100% khối lượng phần thô |
Dự án Nhà ga T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã hoàn thành 60% khối lượng, riêng phần thô đã hoàn thành 100%. Lãnh đạo ACV cho biết sẽ cố gắng hoàn thành trước ngày 30/4/2025 theo yêu cầu của Chính phủ. Với dự án thành phần 3 - Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, các gói thầu đã được triển khai đồng bộ, một số hạng mục vượt tiến độ theo hợp đồng.
Ngoài ra, các dự án, công trình chuẩn bị đầu tư: Dự án Nhà ga T2 – Cảng HKQT Cát Bi, Dự án Nhà ga T2 – Cảng hàng không Đồng Hới, Dự án nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, Dự án sửa chữa đường cất hạ cánh cảng HKQT Vinh, Liên Khương đang được các ban QLDA triển khai thủ tục đầu tư theo tiến độ được phê duyệt...
CII lãi đậm nhờ BOT Trung Lương - Mỹ Thuận
CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2024. CII cũng là doanh nghiệp đầu tiên công bố BCTC trong kỳ báo cáo 6 tháng năm nay.
Ghi nhận, doanh thu trong kỳ của CII đạt 744 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh 55% nên lãi gộp thu về 413 tỷ đồng, gấp đôi năm ngoái.
Khấu trừ chi phí, CII vẫn lãi ròng 129 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.
Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trở thành công ty con của CII từ quý IV/2023. |
Lý giải lợi nhuận quý II/2024 tăng mạnh, CII cho biết chủ yếu do tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Được biết, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là đơn vị vận hành trực tiếp cao tốc này. Trong đó, BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức trở thành công ty con của CII từ quý IV/2023.
Ngoài ra, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận tăng các khoản lợi ích tài chính luỹ kế từ dự án Trạm thu phí Cà Ná - Km 1584+100, Quốc lộ 1, Ninh Thuận thuộc Công ty TNHH MTV BOT Tỉnh Ninh Thuận và ghi nhận chi phí tài chính từ khoản dự phòng đầu tư tài chính.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu 1.648 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thu phí giao thông đem về cho CII hơn 1.309 tỷ đồng – tăng mạnh 84% so với cùng kỳ. Ngược lại, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh 70% doanh thu, chỉ còn 211 tỷ đồng.
Giá vốn giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp thu về cao gần gấp đôi lên 885 tỷ. Lợi nhuận ròng Công ty tương ứng thu về 274 tỷ - gấp 6,3 lần 6 tháng đầu năm ngoái.
Hiện, CII đang có các dự án BOT trong giai đoạn thu phí hoàn vốn đầu tư, gồm: dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1; dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, dự án mở rộng quốc lộ 60 nối liền Bến Tre và Trà Vinh, dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường ĐT 741, quyền thu phí giao thông cầu Cổ Chiên…
Hoạt động thu phí giao thông đường bộ từ năm 2022 khởi sắc hơn sau thời gian giãn cách xã hội. Trong đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bắt đầu thu phí hoàn vốn từ tháng 8/2022 đã tác động tích cực đến doanh thu Công ty.
Xem thêm tại baodautu.vn