Cổ đông ngân hàng 'bội thu' cổ tức tiền mặt trong năm 2024
Tình hình chia cổ tức của các ngân hàng luôn là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong năm 2024, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ cao để gia tăng sự hấp dẫn cho cổ đông và củng cố niềm tin thị trường.
Trong khi những năm trước việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là phổ biến thì năm nay việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng được nhiều ngân hàng lựa chọn, phần lớn là chia cổ tức kết hợp cả tiền mặt và cổ phiếu.
Cổ đông ngân hàng bội thu cổ tức
Techcombank gây ấn tượng với việc thay đổi chiến lược chi trả cổ tức cho cổ đông. Theo đó, thay vì chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc nhận cổ phiếu thưởng, cổ đông của Techcombank sẽ được chia cổ tức bằng tiền mặt lần đầu tiên sau 10 năm. Với tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt 15% Techcombank đang là ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt cao nhất trong năm 2024.
"10 năm qua Techcombank nhất quán với chính sách giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư. Nhưng đây là thời điểm chúng tôi cân nhắc lại" và "Nếu có quá nhiều vốn và sử dụng vốn không hiệu quả thì chúng tôi sẽ chia cổ tức”, CEO Techcombank Jens Lottner nói.
Các cổ đông của Eximbank cũng tương tự khi lần đầu nhận được cổ tức tiền mặt sau 10 năm. Cuối tháng 5/2024, HĐQT Eximbank đã công bố nghị quyết về việc triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 3% và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 7%. Tổng cộng trong năm nay, Eximbank sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 10%.
Ngoài Techcombank hay Eximbank, nhiều ngân hàng cũng đã lên kế hoạch và chi trả cổ tức với tỷ lệ cao cho cổ đông trong năm 2024.
Với tổng tỷ lệ cổ tức lên đến 30% gồm 10% bằng tiền mặt (đã thanh toán ngày 26/7) và 20% bằng cổ phiếu, HDBank là ngân hàng chia cổ tức cao thứ hai trong năm 2024, chỉ sau Techcombank. Thời điểm chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được công bố sau khi có chấp thuận của các cơ quan chức năng, dự kiến trong quý III/2024.
Ngoài ra, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, HDBank đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức dự kiến thực hiện trong năm 2025 lên đến 30%, gồm tối đa 15% tiền mặt.
VIB chia cổ tức với tỷ lệ 29,5%, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%. Ngân hàng đã hoàn tất hai đợt chi trả cổ tức tiền mặt trong quý I và quý II.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ phát hành thêm gần 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 17% và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (CBNV) là 0,44%. Ngày 23/8 vừa qua là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu VIB.
Hai ngân hàng ACB và TPBank có cùng mức chi cổ tức trong năm nay là 25%. Trong đó, ACB chi 15% trả bằng cổ phiếu, 10% chi trả bằng tiền mặt (đã thanh toán vào ngày 13/6). Tổng số tiền để ACB trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt cho cổ đông trong năm nay là 9.710 tỷ đồng.
Trong tháng 7, TPBank cũng đã tiến hành chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5% với tổng số tiền bỏ ra là hơn 1.100 tỷ. Kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu của ngân hàng đã được NHNN chấp thuận, TPBank sẽ phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tăng vốn điều lệ từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.420 tỷ đồng.
SHB thực hiện chi trả cổ tức 16% với hai cấu phần 5% bằng tiền mặt và 11% bằng cổ phiếu. Thời gian triển khai chi trả cổ tức tiền mặt là ngày 6/8 với số tiền là 1.830 tỷ đồng.
Vietbank thông qua quyết định chia cổ tức với tỷ lệ 25% dưới hình thức chi trả bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 5.780 tỉ đồng lên 7.139 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 31/5, VPBank cũng thực hiện thanh toán chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, số tiền dùng để chia cổ tức là 7.934 tỷ đồng. Năm 2024, VPBank không có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng vẫn sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Bên cạnh đó, ngày 14/6 MBBank cũng thực hiện việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tổng số tiền MB chi ra để trả cổ tức tiền mặt lần này là 2.643 tỷ đồng. MB cũng dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2024, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.
Tháng 7 vừa qua, Nam A Bank đã hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu để chia cổ tức theo tỷ lệ 25%, giúp vốn điều lệ đạt gần 13.226 tỷ đồng. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 (sau khi đã trích các quỹ) và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước.
Ngân hàng OCB vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhằm thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu là 30/8 tới đây.
Dự kiến ngân hàng sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 20%. Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến sẽ lên gần 24.658 tỷ đồng.
Việc chia cổ tức tại các Big4 diễn ra chậm chạp
Với các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu lớn của nhà nước (Big4) việc chia cổ tức diễn ra có phần chậm chạp hơn khi phải chờ phê duyệt của nhiều vòng. Trong nửa đầu năm 2024, Agribank là ngân hàng duy nhất trong nhóm được duyệt việc tăng vốn.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ban lãnh đạo VietinBank mong muốn sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ. "Ngân hàng kỳ vọng là sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng phương án cuối cùng vẫn theo việc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước", Chủ tịch Trần Minh Bình chia sẻ.
Tại sự kiện, ông Trần Minh Bình cho biết hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Đồng thời, VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Tương tự, Vietcombank cũng mong muốn dùng toàn bộ số lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) không được nêu rõ trong văn bản.
Tại đại hội cổ đông hồi tháng 4, BIDV đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2022 và 2023, trong đó điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 từ 23% xuống còn 21% vốn điều lệ vàdự kiến chi 12.347 tỷ đồng từ lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Nếu hoàn thành kế hoạch chào bán 455 triệu cổ phiếu được ĐHĐCĐ năm 2023 thông qua, hai cấu phần tăng vốn nêu trên cũng như được thông qua và thực hiện xong kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, vốn điều lệ của BIDV sẽ lên mức 87.524 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV cũng đang có kế hoạch cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 9% đang trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cấu phần tăng vốn này đã kéo dài trong nhiều năm và hiện vẫn chưa có thêm nhiều thông tin.
Xem thêm tại vietnambiz.vn