Cổ đông ngân hàng 'ngóng' ngày tổ chức đại hội

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã có thông báo về việc chốt quyền tham dự đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024. Theo đó, từ giữa tháng 3 - 4, liên tiếp các đại hội cổ đông được tổ chức. Nội dung được các ngân hàng đưa ra tại đại hội là phê duyệt các tờ trình về báo cáo tài chính và phương án phân phối lợi nhuận năm 2023; chia cổ tức; lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập và phương án tăng vốn điều lệ...

Mục tiêu kinh doanh luôn nhận được sự quan tâm của cổ đông

Năm nay, phần lớn nhà băng tỏ ra dè dặt với mục tiêu lợi nhuận trong bối cảnh dư nợ toàn ngành ngân hàng đang có xu hướng chậm lại trong 2 tháng đầu năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm 2024. Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 là -0,6% và tính đến ngày 16/2 là -1%.

-8660-1709805627.jpg

Mục tiêu lợi nhuận và phương án chia cổ tức của các ngân hàng đang được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay (Ảnh minh họa)

Nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank… cũng thừa nhận tín dụng giảm trong những tháng đầu năm là do cầu tín dụng trong nền kinh tế thấp, cầu hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp giảm sút, thị trường bất động sản trầm lắng do vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết…

Chính vì vậy, thời điểm này, nhiều nhà đầu tư đang lọc tìm ngân hàng có triển vọng tăng trưởng tín dụng để đầu tư cổ phiếu, bởi khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay vẫn chưa cao, sẽ tác động đến lợi nhuận ngân hàng. Trong khi đó, nợ xấu lại đang có xu hướng tăng, do sức mua của thị trường còn yếu.

Vietcombank - quán quân lợi nhuận năm 2023 - đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10% năm 2024. Trong khi đó, các “ông lớn” còn lại trong Big 4 là Vietinbank, BIDV, Agribank vẫn để ngỏ mục tiêu này.

Với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, một số nhà băng đặt mục tiêu lợi nhuận tương đối cao. Chẳng hạn, MB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng khoảng 14%, HDBank và VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trên 20%. Riêng Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lên tới hơn 83% (đạt 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Sacombank chưa công bố mục tiêu lợi nhuận năm 2024, song được SSI Research dự đoán lợi nhuận tăng 27%...

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, kinh tế năm nay sẽ tốt hơn năm trước, nhu cầu vốn sẽ tăng từ quý II, nên lợi nhuận ngân hàng sẽ tốt hơn năm ngoái. Yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2024 bao gồm biên lãi ròng phục hồi, tăng trưởng tín dụng cao hơn và nền lãi suất thấp đã được thiết lập trong năm 2023.

Lợi nhuận ngành ngân hàng được Công ty Chứng khoán Vietcombank đánh giá tích cực trong năm nay, khi dự báo đạt mức tăng trưởng khoảng 10%.

Tại Sacombank, năm 2023, ngân hàng này đạt 7.719 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 53% so với năm 2022. Công ty Chứng khoán Agribank nhận định, lợi nhuận của Sacombank sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024, nhờ triển vọng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn (sau khi trích lập xong các tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý trong năm 2023).

Nhiều ngân hàng khác cũng được kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm nay cao hơn năm ngoái như ACB có thể đạt trên 20.000 tỷ đồng, HDBank đạt hơn 13.000 tỷ đồng...

Cổ tức và kế hoạch tăng vốn “nóng” trở lại

Đánh giá về kỳ ĐHĐCĐ ngành ngân hàng 2024 bắt đầu từ tháng 3 này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư có thể kỳ vọng về một làn sóng chia cổ tức bằng tiền mặt và một số kế hoạch tăng vốn lớn.

Giải thích rõ hơn, chuyên gia này cho biết, sau nhiều năm không thể chia cổ tức bằng tiền mặt do cần dùng vốn bổ sung để đảm bảo các tiêu chí Basel II và yêu cầu của NHNN thì năm nay nhiều ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng tiền. Đây cũng là yếu tố tác động tốt lên giá cổ phiếu.

Kỳ vọng thứ hai liên quan tới kế hoạch tăng vốn. Một số ngân hàng lớn đang thực hiện tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Để thực hiện được quá trình này phải có nguồn lực, như vậy có thể sẽ có một làn sóng tăng vốn trong năm nay, đặc biệt là các nhà băng lớn và quốc doanh.

Một kỳ vọng nữa với ngành ngân hàng trong ngắn và trung hạn là việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi NHNN nới room ngoại cho các ngân hàng thương mại lên 35%.

Ngoài ra, theo ông Minh, ngay từ đầu năm, NHNN đã giao hết room tín dụng toàn ngành 15%, giúp các ngân hàng chủ động hơn trong kế hoạch cho vay và huy động.

Cho đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn: Vietcombank có kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 6,5% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức; BIDV với kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 9% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức; MB cũng tiếp tục tiến hành kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu (1,3% số cổ phiếu trước thực hiện) cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

Vietinbank cũng tham gia "cuộc đua" tăng vốn điều lệ. Cụ thể, HĐQT của nhà băng này vừa đưa ra quyết định thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Theo đó, lợi nhuận chưa phân phối của Vietinbank năm 2022 là 16.442 tỷ đồng.

HĐQT nhà băng dự kiến trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 822 tỷ đồng; trích quỹ dự phòng tài chính 1.644 tỷ đồng; trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 2.327 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau trích các quỹ của Vietinbank là 11.648 tỷ đồng.

Tương tự, LPBank vừa có thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào ngày 27/4 tới. Tại Đại hội, cổ đông sẽ xem xét và thông qua các báo cáo và các tờ trình quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm 2023 và năm 2024.

Đáng chú ý, HĐQT LPBank sẽ trình cổ đông thông qua tờ trình về phương án phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ.

Trong năm 2023, vốn điều lệ ngân hàng này đã tăng thêm 47% (tương ứng 8.285 tỷ đồng) lên mức 25.576 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ là động thái quen thuộc của LPBank kể từ năm 2018 đến nay. Ngân hàng này liên tục tăng thêm vốn điều lệ mỗi năm thông qua các hình thức khác nhau như chia cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn