Cổ đông ngoại có đang 'đứng ngồi không yên' khi nhiều dự án điện gió của Công ty điện Gia Lai bị điều tra?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công văn gửi Công ty Mua bán điện (EPTC) và Ban Thị trường điện đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Theo đó, EVN yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời nằm trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố. Danh sách gồm có 8 dự án điện mặt trời và 24 dự án điện gió, trong đó có 4 dự án nhà máy điện gió do GEC – công ty thành viên chủ lực ngành năng lượng của TTC Group đầu tư.
4 dự án điện gió của Công ty điện Gia Lai bị cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp hồ sơ. |
Giá cổ phiếu giảm thêm 10%, cổ đông ngoại có lo ngại?
Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC, HoSE: GEG) đang là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Trong vòng năm năm qua, công ty đã đầu tư mạnh mẽ vào 5 dự án điện gió với tổng công suất lên tới 260MW, trong đó có 4 dự án đã bắt đầu hoạt động.
JERA Nhật Bản (JERA Asia) hiện là cổ đông lớn nhất tại GEC sau khi mua lại 35,1% cổ phần vào giữa tháng Tám năm 2022 từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới và Quỹ Đầu tư Năng lượng Tái tạo Armstrong Asset Management.
Trong một cuộc trao đổi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ vào tháng Bảy năm 2023, đại diện của JERA Asia đã nhấn mạnh về tính phức tạp trong việc đầu tư các dự án năng lượng, đòi hỏi việc thực hiện cam kết tuân thủ các yêu cầu của dự án (thỏa thuận mua bán điện, giấy phép, quy định) phù hợp với các tiêu chuẩn cho vay quốc tế.
Tuy nhiên, việc toàn bộ các nhà máy điện gió đang hoạt động của GEC bị điều tra có thể là một tình huống nghiêm trọng, đòi hỏi các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn từ phía cổ đông lớn để phù hợp với định hướng đầu tư và mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Về hiệu quả đầu tư, Công ty Điện Gia Lai vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của bên cổ đông lớn khi giá trị khoản đầu tư đã giảm gần 50% so với cột mốc khi xảy ra thương vụ. Theo báo Nikkei, thương vụ này tại thời điểm đó có giá trị khoảng 112 triệu USD, tương đương 2.800 tỷ đồng.
Với số lượng gần 120 triệu cổ phiếu GEG hiện hữu (theo số liệu của FiinTrade đến ngày 30/06/2024), trước khi vụ việc điều tra xảy ra, ước tính giá trị của số cổ phiếu này xấp xỉ 1.700 tỷ (với giá 14.500 đồng/cổ phiếu). Như vậy, khoản đầu tư đã sụt giảm 39% giá trị. Đến thời điểm hiện tại, sau sự việc điều tra, giá cổ phiếu GEG đã giảm thêm 10% và đang ở mức 12.900 đồng/cổ phiếu (cập nhật ngày 16/08/2024), khiến thương vụ này “bốc hơi” mất khoảng 45% so với thời điểm đầu tư.
Việc 4 dự án điện gió của Công ty điện Gia Lai bị điều tra, khiến giá cổ phiếu GEG đã giảm thêm 10% và đang ở mức 13.000 đồng/cổ phiếu (cập nhật ngày 19/08/2024), khiến thương vụ của JERA “bốc hơi” mất khoảng 45% so với thời điểm đầu tư. |
Rủi ro từ đòn bẩy nợ gần gấp đôi vốn chủ sở hữu
Theo báo cáo tài chính năm 2023, điện gió chiếm 47% sản lượng và 46% doanh thu tổng của GEC trong năm 2024, trở thành mũi nhọn tăng trưởng cho công ty.
Hiện tại, GEC quản lý 4 dự án điện gió, với dự án lớn nhất là Tân Phú Đông 1 có vốn đầu tư 4.464 tỷ đồng và công suất 100 MW, là dự án lớn nhất công ty từ trước tới nay và cũng là một trong những dự án lớn nhất quốc gia.
Dự án này khi hoạt động hết công suất có thể sản xuất 307,6 triệu kWh, chiếm 20% tổng sản lượng điện của GEC và dự kiến sẽ là động lực chính thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy, dù doanh thu năm 2023 đạt 2.163 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 137 tỷ đồng với ROE chỉ 3.18%, thấp hơn hẳn mức trung bình ngành, nhưng GEC đặt mục tiêu tăng trưởng đến 3.120 tỷ đồng doanh thu và 270 tỷ lợi nhuận sau thuế cho năm 2024. Tuy nhiên, chỉ hoàn thành 39% kế hoạch doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2024.
Đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của GEC đạt 16.063 tỷ đồng nhưng nợ phải trả đã lên đến 10.100 tỷ đồng. Năm 2023, công ty chi 841 tỷ đồng cho lãi vay.
Mặc dù quy mô doanh thu và tài sản tăng trưởng, nhưng lợi nhuận chưa cải thiện tương xứng, với biên lợi nhuận gộp quý 2/2024 chỉ ở mức 42%, gần như là thấp nhất trong 3 năm qua. Những biến động nhỏ về giá bán điện hay chậm tiến độ có thể khiến công ty lỗ.
Báo cáo tài chính quý 2/2024 cũng chỉ ra, Công ty điện Gia Lai (HoSE: GEG) đang là một trong những doanh nghiệp niêm yết trong mảng đầu tư năng lượng tái tạo có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao nhất, với mức nợ gần gấp đôi vốn chủ.
Thêm vào đó, nếu quá trình điều tra làm tình hình tồi tệ hơn, sự gián đoạn trong sản xuất có thể đẩy GEC vào khó khăn tài chính, khi lãi vay chiếm đến 30% tổng doanh thu.
So với các doanh nghiệp niêm yết trong mảng đầu tư năng lượng tái tạo, Công ty điện Gia Lai (HoSE: GEG) hiện là một trong những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao nhất, với mức nợ gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. |
Đối mặt nhiều nguy cơ, thách thức nghiêm trọng
Với tình hình kinh doanh vừa “chớm” khởi sắc cho mảng năng lượng điện gió, việc 4/5 dự án bị Cơ quan an ninh yêu cầu điều tra sẽ là một “cú sốc” khá mạnh, tác động trực tiếp tiêu cực đến kết quả kinh doanh của GEC. Theo đó, vụ việc vẫn còn nằm trong vòng điều tra, nhưng kịch bản đặt ra: Nếu các dự án điện gió thực sự gặp những vấn đề về pháp lý hoặc sai phạm liên quan đến quá trình đàm phán giá điện trước đây, liệu công ty sẽ đối mặt với những nguy cơ nào?
Hiện tại, dự án điện gió Tân Phú Đông 2 và VPL Bến Tre - Giai đoạn 1 đang hoạt động và hưởng mức giá ưu đãi FIT 9.8 cents/kWh, trong khi dự án La Bang cũng hưởng mức giá ưu đãi cho điện gió trên biển là 8.5 cents/kWh. Nếu các dự án này chỉ bị yêu cầu điều chỉnh giá xuống thấp hơn, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của GEC trong tương lai.
Trong tình huống xấu hơn, EVN có thể chậm thanh toán cho các hợp đồng cung cấp điện do chờ kết quả điều tra hoặc thậm chí từ chối trả tiền với các hợp đồng đàm phán giá sai quy định đã ký. Dù ở khả năng nào, tiến độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của GEC cũng bị tác động trực tiếp. Rủi ro hơn nữa, công ty có thể bị bắt buộc hồi tố, yêu cầu thanh toán ngược lại chênh lệch giá điện do đàm phán sai quy định.
Kịch bản cũng đặt ra trường hợp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cho GEC, đó là khi hợp đồng mua bán điện có thể bị hủy do sai phạm. Tình huống này chắc chắn ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng khi các dự án điện gió hiện hữu đang đóng góp lớn trong doanh thu và hiệu quả hoạt động của công ty. Và việc đầu tư vào các dự án này cũng đòi hỏi GEC đã phải tiêu tốn một mức đầu tư “khủng”.
Hiện tại, dù vụ việc đang nằm trong vòng điều tra nhưng các dự án đều bị rơi vào thế khó. Đơn cử, dự án Tân Phú Đông 1 dù đã đi vào hoạt động từ tháng 5/2023 nhưng vẫn đang trong quá trình đàm phán giá và tạm bán với mức giá 3.5 cents/kWh (khoảng 875 đồng/kWh), chỉ bằng 40% so với giá bán thương phẩm của các dự án khác. Việc có tên trong danh sách điều tra có thể gây kéo dài vô thời hạn cho việc đàm phán giá. Theo đó, dự án không chỉ bị ảnh hưởng lợi nhuận nghiêm trọng, mà lãi phát sinh còn đè nặng từng ngày lên GEC.
Là cổ đông chính của GEC, JERA đang đối mặt với nhiều lo ngại sau khi các nhà máy điện gió của công ty này bị điều tra. Ngoài những băn khoăn về hiệu quả đầu tư, JERA cũng quan tâm đến khả năng quản trị và tuân thủ quy định của Điện Gia Lai.
Để giảm thiểu rủi ro pháp lý, tập đoàn này có thể sẽ tăng cường đối thoại và giám sát các dự án của GEG, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và quy định.
Trước đây, JERA đã đầu tư vào GEC với mục tiêu hỗ trợ công ty này nâng cao tổng công suất năng lượng tái tạo lên đến 2.000 MW, cũng như thảo luận về việc phát triển các dự án nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, kế hoạch và chiến lược đầu tư của JERA có lẽ sẽ được xem xét để phù hợp với tình hình mới.
Trúc Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn