Cổ đông Sacombank sắp đón tin vui?
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín -Sacombank (mã: STB) vừa công bố bổ sung tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm tài chính 2025, dự kiến trình cổ đông thông qua chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán, chia cổ tức và thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, HĐQT Sacombank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của Sacombank. Nguồn sử dụng từ nguồn lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế còn lại sau khi thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2024.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2024, lợi nhuận chưa phân phối của Sacombank đã lên tới 28.426 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
![]() |
Sacombank muốn chia cổ tức sau 10 năm cổ đông mòn mỏi chờ đợi. |
Về tỷ lệ chia cổ tức, Sacombank cho biết, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết, bao gồm tỷ lệ phát hành. Phương án chi tiết sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục, hồ sơ xin phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Vấn đề cổ tức luôn là "điểm nóng" tại mỗi kỳ ĐHĐCĐ của Sacombank bởi đã hơn 10 năm, ngân hàng này chưa trả cổ tức lần nào. Nguyên nhân được lãnh đạo ngân hàng đưa ra là do chưa hoàn thành đề án tái cơ cấu sau khi sáp nhập Southernbank, đồng thời phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank, ngân hàng sẽ chia cổ tức sau khi hoàn tất việc xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và khẳng định “Ngân hàng được chia là chia hết luôn, chia 100%, không giữ lại”.
Lần gần nhất mà Sacombank thực hiện trả cổ tức là năm 2013 với tỷ lệ 8%. Như vậy, nếu được cơ quan có thẩm quyền, cổ đông chấp thuận, đây sẽ là lần nhận cổ tức đầu tiên sau một thập kỷ mòn mỏi của cổ đông Sacombank.
Ngoài ra, Sacombank cũng bổ sung tờ trình mua công ty chứng khoán để trở thành công ty con của Sacombank sẽ có tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng. HĐQT trình ĐHĐCĐ giao cho HĐQT xem xét, quyết định các vấn đề cụ thể và triển khai thực hiện theo quy định pháp luật.
Mặc dù chưa tiết lộ cụ thể sẽ mua công ty nào, nhưng Sacombank cho biết tỷ lệ sở hữu vốn tại công ty chứng khoán này dự kiến trên 50%. Việc xem xét, quyết định các vấn đề cụ thể khác sẽ giao cho HĐQT, tờ trình của Sacombank nêu rõ.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2024, nợ xấu cuối năm ngoái của Sacombank là 12.955 tỷ đồng, tăng gần 18% so với mức 10.983 tỷ đồng hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,27% lên 2,4%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này là 8.869 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với cuối 2023.
Năm 2025, Sacombank lên kế hoạch tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2024. Dự kiến nguồn vốn huy động tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 2%. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 15%.
Mới đây, Sacombank cũng vừa công bố thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế. Theo đó, hôm 18/4, Sacombank nhận được quyết định số 1112 của Cục Thuế. Quyết định nêu rõ tổng số tiền ngân hàng phải nộp thuế và các nghĩa vụ bổ sung cho năm 2019, 2020 và 2021 là hơn 196 tỷ đồng.
Phía Sacombank cho biết đã nộp đủ số tiền nêu trên vào ngân sách nhà nước.
Trước đó, theo báo cáo tài chính, trong năm 2024, Sacombank đã nộp tổng cộng 2.541 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tăng gấp ba lần so với mức 841 tỷ đồng năm 2023, ghi nhận số thuế TNDN cao nhất trong lịch sử ngân hàng, vượt qua con số kỷ lục của năm 2022 (1.426 tỷ đồng).
Ngoài thuế TNDN, Sacombank còn đóng góp 707 tỷ đồng cho các loại thuế khác và gần 668 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng. Tổng cộng, ngân hàng đã đóng góp hơn 3.916 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trong năm 2024, tăng 1.740 tỷ đồng (80%) so với năm 2023, vượt qua kỷ lục của năm 2022 (gần 2.700 tỷ đồng).
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn