Cơ hội duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để đẩy vốn vào nền kinh tế

Giới phân tích cho rằng, các ngân hàng trung ương lớn như Fed, ECB, BoJ và PBoC liên tục điều chỉnh lãi suất đã tạo ra những áp lực cũng như dư địa không nhỏ đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc cân nhắc nới lỏng chính sách một cách tương tự.

Duy trì lãi suất thấp là quan trọng nhất

Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, đến ngày 17/9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 7,38% so với cuối năm 2023, lượng vốn đưa ra thị trường khoảng gần 1 triệu tỷ đồng.

Như vậy, trong hơn 3 tháng tới, hệ thống ngân hàng sẽ phải thực hiện đẩy ra lượng vốn cũng tương đương 1 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi tháng bơm ra 300.000 tỷ đồng, được đánh giá là một thách thức không hề nhỏ.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng bên cạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng, lãi suất giảm sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đã mang lại sự linh hoạt cho NHNN trong điều chỉnh chính sách.

-2212-1727256690.jpg

Vẫn còn nhiều thách thức cho chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2024.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, lãi suất huy động tăng là điều khó tránh. Dù vậy, với nhà điều hành, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp như hiện tại là điều hết sức quan trọng nếu muốn nền kinh tế phục hồi.

Gần đây, NHNN đã thực hiện một loạt biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc giảm lãi suất qua các nghiệp vụ thị trường mở (OMO) hai lần vào tháng 8 và tháng 9/2024, đưa lãi suất OMO xuống còn 4%. Điều này giúp giảm chi phí vốn và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.

Ngoài ra, một diễn biến quan trọng khác là việc NHNN không phát hành tín phiếu trong thời gian gần đây, cho thấy thanh khoản đang duy trì ổn định.

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định: “Tất cả những động thái này cho thấy định hướng của NHNN trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng mới thấp hơn”.

Cụ thể, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống còn khoảng 3,28% vào tháng 9/2024. Điều này cho thấy NHNN đang thực hiện các biện pháp nới lỏng thông qua việc can thiệp vào thị trường liên ngân hàng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự báo NHNN có nhiều dư địa hơn để tiếp tục nới lỏng chính sách. Lạm phát trong nước hiện đang trong tầm kiểm soát, và áp lực từ lãi suất USD đã giảm​. Điều này cho phép NHNN giảm lãi suất mà không gây ra những biến động lớn đối với tỷ giá. So sánh với các giai đoạn trước, NHNN đã có kinh nghiệm ứng phó với các cú sốc bên ngoài, đồng thời điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong thời gian tới, NHNN có thể tiếp tục thực hiện các gói tín dụng ưu đãi để kích thích tiêu dùng và đầu tư, từ đó hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và các biến cố như bão lũ​. Những biện pháp như giãn nợ, giảm lãi suất cho vay cũng sẽ được áp dụng để giúp các doanh nghiệp và người dân phục hồi.

Sẽ nới thêm chính sách tiền tệ?

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9 diễn ra ngày 25/9, các chuyên gia ADB cho rằng sau hàng loạt các đợt hạ lãi suất gần đây tại một số nước cho thấy các nền kinh tế tiên tiến cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn để duy trì tăng trưởng.

Tại Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Nguyễn Bá Hùng nhận định về định hướng chính sách hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong thời gian còn lại của năm: “Khi mà lạm phát ở ngưỡng dự báo khoảng 4% và bản thân nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã hạ lãi suất, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ có thể nói là gần như không còn”.

Do đó, ông Hùng khuyến nghị Việt Nam nên gia tăng đầu tư công, tuy nhiên làm sao để giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu lại không hề đơn giản. Ông Hùng viện dẫn số liệu năm 2023, giải ngân đầu tư công đạt 80% kế hoạch, ngưỡng này chưa cao. Năm 2024, mục tiêu là 95% thì tính đến hết tháng 8, cả nước giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 chỉ được 274.501 tỷ đồng, mới đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua gây thiệt hại nặng nề đến nhiều tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nói đến câu chuyện sau bão lũ ở các nước phát triển như Mỹ. Đơn cử, sau cơn bão Katrina năm 2005, một nguồn tiền quan trọng cho phục hồi kinh tế đến từ bảo hiểm. Theo chuyên gia ADB, lần này, nguồn tiền từ các doanh nghiệp bảo hiểm đền bù cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bão sẽ giữ vai trò quan trọng.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, nguồn tiền giúp cho phục hồi kinh tế sau bão không nên chỉ đến từ các ngân hàng, bởi bản thân các ngân hàng cũng đã chịu ảnh hưởng do rất nhiều khách hàng của họ mất khả năng trả nợ sau bão. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải đảm bảo an toàn hệ thống của chính họ, vì vậy không thể chỉ trông chờ vào tiền từ các ngân hàng.

Chuyên gia ADB khẳng định 2 động lực phục hồi của kinh tế sau bão Yagi nên là bảo hiểm và ngân sách, đồng thời đầu tư công mạnh vào các cơ sở hạ tầng sau thiên tai, hỗ trợ phục hồi trên đồng ruộng, giống và nguyên liệu sản xuất

"Mặc dù NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ, song năng lực thực hiện chính sách này đã bị hạn chế đáng kể. Do vậy, cần thiết phải đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ từ chính sách tài khóa, tăng cường giải ngân đầu tư công và cải cách quản lý nhà nước hơn nữa để giảm bớt gánh nặng lên chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy nền kinh tế", ông Hùng khuyến nghị.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn