Khả năng giá cước vận tải biển tiếp tục tăng
Căng thẳng tại dải Gaza đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu qua kênh đào Suez, nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải. Đây là luồng tuyến có 15% lưu lượng vận chuyển hàng hải toàn cầu và là con đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen vào hàng chục tàu chở hàng bị cho là có quan hệ với Israel đi qua Biển Đỏ khiến nhiều tàu hàng phải tạm dừng hoạt động, hoặc ra thông báo thay đổi lịch trình. Trong đó, không ít hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC, Maersk… tuyên bố tạm dừng vận chuyển hàng hóa thông qua kênh đào Suez, lựa chọn con đường đi qua Mũi Hảo Vọng, làm phát sinh thêm chi phí và gây ra sự chậm trễ so với lộ trình ban đầu. Theo BenHakoun, tổng mức chi phí phát sinh cho mỗi tàu ước tính lên tới 400.000 - 1.000.000 USD.
Dữ liệu từ Drewry cho thấy, phí vận chuyển một container 40 feet từ châu Á đến châu Âu trong tuần tính đến ngày 4/1/2024 tăng rất mạnh: tuyến Thượng Hải - Rotterdam tăng 115%, lên 3.577 USD; tuyến Thượng Hải - Genoa tăng 114% lên 4.178 USD…
Sự tăng giá của các tuyến tàu từ châu Á đến châu Âu đã kéo chỉ số giá cước vận tải chung thế giới tăng 61% trong cùng khoảng thời gian, lên mức 2.670 USD cho mỗi container 40 feet. Ngay cả các tuyến không đi qua Biển Đỏ cũng có mức giá cước giao ngay tăng đáng kể như tuyến Thượng Hải - New York tăng 26%, lên 3.858 USD; tuyến Thượng Hải - Los Angeles tăng 30%, lên 2.762 USD.
Rất khó để dự báo sự kiện Biển Đỏ có sớm đi đến hồi kết và đưa giá cước vận tải biển trở về mức cũ hay không, nhưng xung đột chính trị tại khu vực Trung Đông vẫn đang nóng, nên nhiều hãng tàu không mạo hiểm đi qua khu vực này cho đến khi nhận thấy những tín hiệu an toàn trở lại.
Nhìn lại sự kiện siêu tàu Ever Given bị mắc kẹt trên kênh đào Suez vào cuối tháng 3/2021, hậu quả nghiêm trọng hơn dự báo khi dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi nhiều container không thể di chuyển, phải chờ hoặc hủy chuyến. Số lượng container rỗng thiếu hụt trầm trọng trong bối cảnh nhu cầu vận tải tăng cao khi hoạt động sản xuất được khôi phục sau dịch bệnh Covid-19 làm giá cước vận tải biển tăng 5 - 7 lần so với bình thường.
Vì vậy, với sự kiện tại Biển Đỏ hiện nay, không loại trừ khả năng giá cước vận tải toàn cầu sẽ bị đẩy lên cao hơn trong thời gian tới, nhất là khi khối lượng vận chuyển hàng hoá thường tăng cao dịp trước Tết truyền thống của một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Giá cước vụt tăng đã tạo hiệu ứng tăng giá tích cực cho cổ phiếu ngành vận tải biển trên thế giới.
Doanh nghiệp có triển vọng sáng hơn
Với khả năng giá cước vận tải biển thế giới tiếp tục tăng, ngành vận tải biển Việt Nam có cơ hội hưởng lợi lớn hơn từ xu hướng này.
Tại thị trường Việt Nam, có ý kiến cho rằng, cước vận tải biển chủ yếu tăng ở các tuyến đi qua Biển Đỏ, các hãng tàu đến châu Âu qua con đường này được hưởng lợi. Còn các tàu vận chuyển của Việt Nam phần lớn di chuyển trong Nội Á, tức nằm trong phạm vi Đông Á và Bắc Á, nên mức độ hưởng lợi không đáng kể.
Có lẽ vì vậy mà cổ phiếu nhóm ngành vận tải biển nhìn chung có phản ứng không rõ ràng cả về giá và thanh khoản. Riêng mã VOS có một số phiên tăng giá mạnh, nhưng rồi nhanh chóng điều chỉnh, dù thanh khoản được duy trì.
Tuy nhiên, với khả năng giá cước vận tải biển thế giới tiếp tục tăng, ngành vận tải biển Việt Nam có cơ hội hưởng lợi lớn hơn từ xu hướng này, nhất là khi có các yếu tố khác hỗ trợ và thực tế vài tháng qua cho thấy nhu cầu vận chuyển gia tăng.
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, trong tháng 8 - 11/2023, sản lượng container qua các cảng biển tăng từ 3 - 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Công ty Chứng khoán TP.HCM nhận định, năm 2024, giá cước, giá sàn xếp dỡ sẽ tăng khoảng 10%, giúp các doanh nghiệp thỏa thuận giá cước tốt hơn với các hãng tàu. Điều này sẽ thúc đẩy lợi nhuận tăng thêm cho doanh nghiệp vận tải biển.
Trong khi đó, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là ba thị trường lớn của Việt Nam, đều được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024, sẽ dẫn tới nhu cầu xuất nhập khẩu gia tăng, kéo theo nhu cầu vận chuyển bằng đường biển, tạo thêm việc cho nhóm logistics, cảng biển.
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, năm 2024, sản lượng container trên toàn cầu tăng khoảng 3 - 4% so với năm 2023.
Những ngày cuối năm 2023, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hải An, mã chứng khoán HAH) đã nhận thêm tàu container 1.800 TEU đóng mới mang tên HAIAN ALFA, nâng tổng số đội tàu sở hữu lên 12 chiếc, với sức chở gần 18.000 TEU. Nhận thêm tàu mới giúp Hải An nâng cao năng lực, mở rộng tuyến Nội Á, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các công ty với các đối tác lớn trên thế giới.
Giá cước tăng, cộng với đội tàu mạnh, đây là hai yếu tố có thể tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp trong năm 2024. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HAH có diễn biến giá khả quan kể từ đầu tháng 11/2023 đến nay, từ dưới 28.000 đồng/cổ phiếu lên trên 38.000 đồng/cổ phiếu.
Tại Công ty cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã chứng khoán VOS), doanh nghiệp này đang sở hữu và khai thác đội tàu 13 chiếc, với tổng tải trọng khoảng 460.000 DWT, bao gồm 8 tàu hàng khô, hàng rời, 3 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu container. Theo kế hoạch dài hạn, đến năm 2027, Vosco sẽ khai thác 23 tàu, gồm 16 tàu hàng khô (9 tàu thuê ngoài), 4 tàu dầu sản phẩm thuê ngoài, 3 tàu container (1 tàu thuê ngoài), tổng trọng tải khoảng 800.000 DWT. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán SBS đánh giá cổ phiếu VOS ở mức rủi ro đối với hoạt động đầu tư dài hạn, vì doanh nghiệp đang vận hành đội tàu hàng rời (chiếm tỷ trọng lớn) và tàu container hoạt động dưới giá vốn, ít có khả năng trả cổ tức (12 năm qua chưa trả cổ tức bằng tiền mặt), đội tàu đều cao tuổi nên chi phí bảo dưỡng gia tăng…
Với Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán PVT), giới phân tích nhận định, nhu cầu sử dụng tàu năm 2024 có thể tăng, nhờ nhu cầu tiêu thụ dầu và dầu sản phẩm hồi phục, trong khi doanh nghiệp có đội tàu mới đi vào hoạt động, giúp gia tăng năng lực và sức cạnh tranh.
Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD) có hoạt động chính là logistics, vận tải biển và khai thác cảng, nên giá cước vận tải biển tăng sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh. Về khai thác cảng, hoạt động khai thác cảng Gemalink ở Bà Rịa - Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ khả quan khi hoạt động giao thương trong khu vực phục hồi. Các lĩnh vực hoạt động của Gemadept được Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhìn nhận có triển vọng tăng trưởng trong năm 2024.
Cùng nằm trong chuỗi giá trị ngành vận tải biển, Công ty cổ phần Container Việt Nam (mã chứng khoán VSC) được kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng chung của ngành và hoạt động cảng biển sôi động. Công ty này chuẩn bị chào bán hơn 133,4 triệu cổ phiếu ra công chúng, dự kiến thu về gần 1.334 tỷ đồng, nhằm nhận chuyển nhượng thêm tối đa 44% vốn điều lệ Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ (tỷ lệ sở hữu hiện tại là 35%) và bổ sung vốn lưu động.