Như vậy, với hơn 7,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Cơ khí Xăng dầu sẽ phải chi tương ứng khoảng 24,12 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 7/6, thời gian thanh toán dự kiến ngày 21/6/2024.
Đây là mức cổ tức cao nhất của doanh nghiệp này kể từ khi lên sàn năm 2003. Trước đó, PMS thường duy trì mức chia cổ tức trên dưới 20%, cao nhất là năm 2016 trả cổ tức 33% bằng tiền.
Hiện Công ty có vốn điều lệ 72,28 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex) sở hữu 46,17% vốn, tương ứng nắm giữ hơn 3,32 triệu cổ phiếu sẽ nhận về hơn 11,12 tỷ đồng từ cổ tức của PMS.
Việc chia cổ tức cao xuất phát từ kết quả kinh doanh năm 2023 khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 29,61 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 23% so với năm 2022 và hoàn thành vượt 34% kế hoạch đề ra, đồng thời đây cũng là số lãi cao nhất kể từ năm 2017.
Năm 2024, PMS đánh giá không còn lợi thế tích trữ nguyên vật liệu thép với giá thấp, nhu cầu thị trường phục hồi nhưng nguồn cung còn thiếu, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong khi tăng giá đầu ra với khách hàng khó khăn và không tương ứng. Do đó, Công ty lên kế hoạch thận trọng với mục tiêu doanh thu 1.376,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với kết quả năm 2023; lợi nhuận trước thuế 24,5 tỷ đồng, giảm 32% so với thực hiện 2023. Tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu 12%.
Trên thị trường, gần đây cổ phiếu PMS giao dịch sôi động hơn với những phiên khớp lệnh vài chục nghìn đơn vị, trong khi trước đó không có thanh khoản hoặc chỉ đạt vài trăm đến vài nghìn đơn vị. Đồng thời, giá cố phiếu PMS cũng bứt tốc và liên tục phá đỉnh mới. Đóng cửa phiên 4/6, cổ phiếu PMS đứng ở mức giá cao kỷ lục mới là 39.100 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33.000 đơn vị.