Cổ phiếu bán lẻ sẽ ra sao sau quý I lợi nhuận hồi mạnh?

ban-le-hinh

Doanh nghiệp bán lẻ thi nhau báo doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh quý đầu năm. Ảnh minh họa: BNEWS

Theo BCTC hợp nhất quý I, Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) báo cáo doanh thu đạt 31.486 tỷ đồng, tăng 16%. Trong đó, doanh thu chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt 21.300 tỷ đồng, tăng 7% nhờ ngành hàng điện máy, nổi bật là máy lạnh (tăng 50%). Ngành hàng tiêu dùng tại Bách Hóa Xanh tiếp tục tăng 44% so với cùng kỳ lên 9.100 tỷ đồng. Doanh thu bình quân 1,8 tỷ đồng/cửa hàng/tháng với động lực tăng từ ngành thực phẩm tươi sống và FMCGs.

Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 19,2% lên 21,2% giúp lợi nhuận ròng gấp 43 lần lên 902 tỷ đồng, thực hiện 37,6% kế hoạch năm. Doanh nghiệp cho biết đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc toàn diện từ quý IV/2023 đến nay hướng đến mọi hoạt động kinh doanh và vận hành tinh gọn, hiệu quả.

Chuỗi chính đem lại lợi nhuận vẫn là Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh trong khi Bách Hóa Xanh còn lỗ 105 tỷ đồng, An Khang lỗ 70 tỷ đồng. Phần lỗ tại hoạt động liên doanh (PT Era Blu Elektronik) ghi nhận 20 tỷ đồng.

Tương tự, FPT Retail cũng báo lãi trở lại sau 4 quý lỗ liên tiếp. Doanh thu quý I tăng 17% lên 9.042 tỷ đồng, lãi ròng 39 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ 5 tỷ cùng kỳ năm trước. Động lực đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu trong khi FPT Shop còn lỗ 51 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 66 tỷ đồng).

Doanh nghiệp thông tin chuỗi FPT Shop có sự cải thiện trong tỷ lệ lãi gộp khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước nhờ chuyển dịch cơ cấu sản phẩm (điện thoại, laptop sang điện máy, đồ gia dụng). Đồng thời, FPT Retail cũng tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất tốt giúp chi phí tài chính giảm khoảng 50%. Trong khi đó, Long Châu tiếp tục mở rộng hệ thống nhà thuốc, duy trì tốc độ tăng doanh thu 68% so với quý I/2023.

Nhà bán buôn Digiworld (mã: DGW) cũng có quý kinh doanh thành công khi doanh thu tăng 26% lên 4.985 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 16% lên 92,5 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng ở hầu hết các mảng. Cụ thể, máy tính xách tay và máy tính bảng tuy đã bảo hòa sau thời kỳ đỉnh giai đoạn 2020 – 2022 nhưng cũng tăng 4% lên 1.139 tỷ đồng. Điện thoại di động tăng 29% lên 2.442 tỷ đồng nhờ doanh thu từ iPhone 15, mẫu điện thoại mới của Xiaomi cùng kinh tế dần phục hồi,  người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại cho Tết Nguyên Đán. Thiết bị văn phòng tăng 48% lên 1.010 tỷ đồng nhờ hợp nhất doanh thu sản phẩm thiết bị bảo hộ lao động của Achison; thiết bị gia dụng tăng 27% và hàng tiêu dùng tăng 53%.

Nhà bán lẻ vàng, bạc, đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) công bố doanh thu quý I đạt đỉnh lịch sử 12.594 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế duy trì tương đương nền cao cùng kỳ 737 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm khi người dân tăng mua vàng miếng.

Triển vọng sáng

Đón đầu kết quả kinh doanh hồi mạnh, đa số cổ phiếu bán lẻ đều có mức tăng giá tốt trong vòng 1 tháng qua bất chấp thị trường chung đi xuống. Cổ phiếu MWG tăng từ vùng 48.000 đồng/cp lên 54.900 đồng/cp trong tháng 4, tiệm cận vùng giá cao nhất 1 năm (57.400 đồng/cp ghi nhận tháng 9/2023). FRT tăng từ 135.600 đồng/cp lên 161.000 đồng/cp trong nửa cuối tháng 4 và đang ở đỉnh lịch sử. DGW và PNJ có sự phục hồi trong nửa cuối tháng 4.

Với kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi tốt trong nửa cuối năm nay, các doanh nghiệp bán lẻ đều đưa ra mục tiêu khá tham vọng. “Ông lớn” Đầu tư Thế Giới Di Động lên kế hoạch lãi sau thuế 2.400 tỷ đồng, gấp 14,2 lần kế hoạch 2023. FPT Retail chuyển từ lỗ 300 tỷ thành lãi trước thuế 125 tỷ đồn. Digiworld tăng lãi 38% lên 490 tỷ đồng. PNJ kỳ vọng lập được kỷ lục lợi nhuận mới với 2.089 tỷ đồng.

Theo SSI Research, lợi nhuận doanh nghiệp bán lẻ đã chạm đáy trong nửa cuối năm 2023 và dần phục hồi. Chi tiêu cho hàng không thiết yếu như điện thoại, điện máy, trang sức năm 2023 bị ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế vĩ mô yếu (chi phí vay cao, lạm phát cao, xuất khẩu trì trệ) và lượng tín dụng thấp tại các công ty tài chính tiêu dùng. Kinh tế năm 2024 còn nhiều thách thức như lạm phát nhưng một số khó khăn đã giảm bớt như lãi suất giảm đáng kể, xuất khẩu phục hồi. Qua đó, thu nhập khả dụng người dần có thể tăng trở lại, áp lực trả nợ vay mua nhà giảm kích thích nhu cầu tiêu dùng hàng không thiết yếu.

Theo đó, SSI Research dự báo nhóm bán lẻ sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao, khoảng 140% so với cùng kỳ trong nửa đầu 2024 và 118% cả năm. PNJ và FRT có thể vượt mức lợi nhuận 2022 (năm nhu cầu còn cao do dồn nén sau dịch) nhờ tỷ lệ thâm nhập hàng trang sức hàng hiệu và hiệu thuốc thương mại hiện đại tương đối thấp. MWG và DGW khó vượt 2022 do nhu cầu hàng công nghệ đã bão hòa, mức tiêu dùng không thiết yếu phục hồi chậm.

Xem thêm tại nhadautu.vn