Cổ phiếu bảo hiểm chìm trong sắc đỏ sau bão Yagi
Cổ phiếu bảo hiểm chìm trong sắc đỏ sau bão Yagi
Cập nhật đến cuối phiên sáng ngày 11/9, đa số cổ phiếu bảo hiểm đều tiếp tục ngập trong sắc đỏ. Cổ phiếu Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt - Mã: BVH) tiếp tục giảm thêm 0,69%, xuống 43.000 đồng/cp. Phiên 10/9 và 9/9, cổ phiếu này cũng lần lượt giảm 1,59% và 1,79%. So với trước khi bão Yagi đổ bộ (chốt phiên 6/9), BVH đã mất hơn 4%.
Một cổ phiếu bảo hiểm khác là CTCP PVI (PVI Holdings - Mã: PVI) cũng tiếp tục giảm 0,88% trong phiên sáng ngày 11/9 xuống 44.800 đồng/cp. Hai phiên trước đó, cổ phiếu này đã giảm lần lượt 2,38% và 1,49%, so với trước bão giảm 6,7%.
Tương tự, cổ phiếu Tái bảo hiểm Việt Nam (VNR - Mã: VNR) đã giảm 0,4% trong phiên sáng, xuống 24.700 đồng. Hai ngày trước đó, cổ phiếu này từng tang 0,78% và giảm 1,54%. So với trước bão, VNR đã giảm khoảng 5%.
Những cổ phiếu khác như BIC, MIG, PRE, ABI, BMI cũng đều ghi nhận kết quả tiêu cực. Đồng thời, các cổ phiếu trên cũng đều ít nhất có phiên giảm thứ hai liên tiếp. Trong đó, cao nhất là Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC - Mã: BIC) với mức giảm 8% so với trước khi bão Yagi đổ bộ.
Duy nhất chỉ có cổ phiếu Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO - Mã: PGI) tăng 3,46% trong phiên sáng. Tuy nhiên, mã cổ phiếu này từng giảm 3,14% chỉ một ngày trước đó.
Các cổ phiếu PTI, AIC, BHI và BLI đi ngang trong phiên sáng. Những cổ phiếu trên có thanh khoản thấp và cơ cấu sở hữu tương đối cô đặc.
Vốn hóa toàn ngành vào cuối phiên sáng 11/9 ở mức 67.741 tỷ đồng, giảm 0,73% so với mức chốt phiên ngày hôm trước, 3,64% so với một tuần trước đó và 3,1% so với một tháng trước, theo dữ liệu từ WiChart.
Bảo hiểm chịu tổn thất lớn do bão Yagi
Sau cơn bão Yagi, cổ phiếu ngành bảo hiểm đã đi xuống khi các doanh nghiệp liên tiếp công bố các số liệu về thiệt hại và bồi thường.
Hiện tại, hoàn lưu Bão số 3 đang gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, do vậy, những con số về thiệt hại và người và tài sản của khách hàng bảo hiểm có thể vẫn tiếp tục tăng lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang trong quá trình thu thập thông tin, dữ liệu về thiệt hại của khách hàng.
Theo thông tin cập mới nhất, tính tới chiều ngày 10/9/2024, theo báo cáo sơ bộ từ một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, tài sản kỹ thuật và xe cơ giới cao trên thị trường, đã có 1.754 vụ tổn thất của khách hàng thiệt hại do bão Yagi gây ra.
Theo đó, về nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận 684 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 220 vụ, Bảo hiểm VietinBank (VBI) 150 vụ, PVI 134 vụ, Bảo Minh 44 vụ, Bảo hiểm Agribank (ABIC) 29 vụ, PJICO 107 vụ.
Về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, các doanh nghiệp ghi nhận 1.070 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 315 vụ, VBI 91 vụ, PTI 273 vụ, PJICO 219 vụ. Ngoài ra, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cũng ghi nhận 350 vụ tổn thất tài sản và 7 trường hợp khách hàng tử vong/mất tích.
Ngoài ra, tính đến chiều muộn 10/9, đã có 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận 15 trường hợp khách hàng thương vong và số tiền ước chi trả và hỗ trợ ban đầu khoảng 9,72 tỷ đồng.
Con số tổn thất lớn trên có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong nửa đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của 13 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn đạt 1.827 tỷ đồng, theo dữ liệu từ WiChart. Phần lớn lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này đến từ hai mảng kinh doanh là bảo hiểm và tài chính.
Với chi phí bồi thường lên tới nghìn tỷ đồng và đang ngày càng tăng lên, chắc chắn lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này sẽ chịu tác động lớn. Đồng thời, triển vọng về lãi thuần trong mảng tài chính của nhóm doanh nghiệp này cũng không quá khả quan trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng không còn cao như năm 2023.
Tiền gửi ngân hàng và trái phiếu là hai khoản đầu tư ưa thích của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết. Trong đó, tiền gửi ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất.
Xem thêm tại vietnambiz.vn