Cổ phiếu bảo hiểm đã có phiên tăng mạnh ngày 18/2
Cổ phiếu bảo hiểm đã có phiên tăng mạnh ngày 18/2, trong bối cảnh sau Tết Nguyên đán, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng tăng.
Theo đó, nhóm cổ phiếu bảo hiểm không thấy sắc đỏ, trong khi BVH tăng 6,9% lên giá trần 57.300 đồng/cổ phiếu. BLI tăng 5,05%, MIG tăng 4,44%, VNR tăng 4%, BMI tăng 3,81%, BIC tăng 3,03%, PRE tăng 2,56%, PTI tăng 2,23%, PVI tăng 2,14%, PGI tăng 1,55%.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm có đặc thù bán các sản phẩm bảo hiểm có thời hạn ngắn nên danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thường tập trung chủ yếu vào tiền gửi và trái phiếu nhiều nhất, sau đó đến các tài sản như bất động sản, cổ phiếu...
Do đó, ngoài mảng kinh doanh chính là bảo hiểm, lợi nhuận của doanh nghiệp còn đến từ hoạt động tài chính, đây là khoản có thể tác động rất mạnh lên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm. Vì doanh nghiệp bảo hiểm thường sở hữu lượng lớn tiền gửi. Vì vậy, cổ phiếu ngành bảo hiểm sẽ phản ứng mạnh với các quyết định lãi suất tiền gửi của ngân hàng thương mại.
Thực tế cho thấy, ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng biến động lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Một trong số đó là tốc độ giải ngân tín dụng của hệ thống ngân hàng. Nếu ngay từ đầu năm 2025, các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng theo chỉ tiêu 16% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra, nhu cầu vốn sẽ gia tăng đáng kể. Khi đó, để đảm bảo nguồn vốn phục vụ hoạt động cho vay, các ngân hàng có thể phải nâng lãi suất huy động, dẫn đến sự điều chỉnh của lãi suất cho vay.
Có thể kể đến trường hợp như Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng mạnh lãi suất 0,9 điểm % với kỳ hạn 9 tháng gửi tại quầy và online, lên mức 5,2% và 5,4%/năm. Các kỳ hạn từ 12-36 tháng online cũng tăng mạnh 0,4 - 1 điểm %, lên mức 5,6%-6,6%/năm. Hiện mức lãi cao nhất ở ngân hàng này là 6,6%/năm kỳ hạn 24-36 tháng online, cũng là mức cao nhất hệ thống với số tiền dưới 200 tỷ đồng.
Ngân hàng Bản Việt (BVBank) tăng 0,32 điểm % kỳ hạn 36 tháng tại quầy lên mức 6,32%/năm. Các kỳ hạn từ 15-24 tháng online tại ngân hàng này hiện được niêm yết mức lãi suất cao trong hệ thống là 6,25-6,45%/năm.
Các ngân hàng khác như BaoVietBank, Vietbank, Kienlongbank, VietABank, BIDV… tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm %, áp dụng khi khách gửi tại quầy và online.
Trở lại diễn biến thị trường, các cổ phiếu ngân hàng hôm nay diễn biến tích cực với sắc xanh lan tỏa. Cùng đó, thị trường còn được nâng đỡ bởi nhóm cổ phiếu bất động sản. Đáng chú ý, cả 3 cổ phiếu họ Vingroup đều ở chiều tăng giá là VIC, VHM và VRE.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu khoáng sản diễn biến tiêu cực với KSV kết phiên với giá sàn. MSR giảm gần 7%, BMC, KCB, MTA… cũng ở chiều giảm giá.
Dòng tiền vào thị trường giảm khoảng 10% so với phiên giao dịch hôm qua, đạt 16.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại vẫn tiếp tục mạch bán ròng (gần 140 tỷ đồng) trong phiên hôm nay. Đây đã là phiên bán ròng thứ 12 liên tiếp của khối ngoại.
Cụ thể, khối ngoại tiếp đà bán ròng xấp xỉ 142 tỷ đồng trên HOSE. MWG và GMD bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất thị trường, lần lượt là 67 tỷ và 63 tỷ đồng. Tiếp đến, VNM cũng bị bán ròng 42 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng bán ròng 12 tỷ đồng trên HNX và 10 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/2, VN-Index tăng 5,42 điểm lên 1.278,14 điểm; HNX-Index tăng 2,65 điểm lên 235,84 điểm; UPCOM-Index tăng 0,12 điểm lên 99,51 điểm./.

Chốt phiên giao dịch chiều 17/2, chỉ số MSCI của các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã tăng 0,34%; tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng nhẹ 24,82 điểm, tương đương 0,06%.
Xem thêm tại vietnamplus.vn