Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp rục rịch ‘nóng’ với hiệu ứng 'Trump 2.0'

Kết quả cuộc bầu cử ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng, trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đã tác động mạnh lên nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) Việt Nam.

Đua nhau khoe “sắc tím”

Điển hình, ngay trong phiên 6/1, cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc tăng kịch trần thêm 1.850 đồng, lên 28.850 đồng/cp với dư mua giá trần còn hơn 1,5 triệu đơn vị, trong khi dư bán trống trơn. Không chỉ được khối ngoại mua ròng 20,6 tỷ đồng trong phiên này, mà nhà đầu tư nội cũng quan tâm không kém. Tổng khối lượng giao dịch gia tăng đột biến với hơn 20 triệu cổ phiếu KBC được mua bán - đứng thứ 2 toàn thị trường về thanh khoản. Đây cũng là mức thanh khoản lớn nhất của cổ phiếu này trong vòng hơn 7 tháng trở lại đây.

Cuối tháng 9/2024 vừa qua, thông qua công ty con là CTCP Dịch vụ Khách sạn Hưng Yên, doanh nghiệp của đại gia Đặng Thành Tâm đã bắt tay với Tập đoàn Trump Organization để thực hiện tổ hợp dự án khách sạn - sân golf có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

-1453-1730972527.jpg

Chất xúc tác từ hiệu ứng "Trump 2.0" đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu bất động sản tăng mạnh.

Không kém cạnh, cổ phiếu SZC của CTCP Sonadezi Châu Đức cũng tăng trần với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 9,1 triệu đơn vị. Đây cũng là mã cổ phiếu lọt top 10 giao dịch sôi động nhất thị trường.

Trong khi đó, kể từ đầu tháng 6/2024 đến nay, cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG mới có một phiên tăng trần trở lại, thanh khoản cũng cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Phiên ATC, một lệnh giao dịch khối lượng hơn 155 nghìn đơn vị được kê ở giá trần là nguyên nhân giúp cổ phiếu SIP “tím” cuối phiên, chốt giá ở mức 79.100 đồng/cp, tăng 6,89%. Khối ngoại đã mua ròng hơn 8,9 tỷ đồng SIP trong phiên này.

Cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera cũng chứng khiến thanh khoản đột biến. Hơn 3,5 triệu được khớp lệnh trong phiên 6/11, gấp 13 lần thanh khoản phiên hôm trước và gấp 5 lần trung bình các phiên trước đó. Trong đó, nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 18,1 tỷ đồng VGC. Hiệu ứng tăng giá mạnh mẽ lan tỏa đến VGC từ giữa phiên chiều đưa thị giá cổ phiếu tăng 7%, chốt phiên ở ngưỡng 42.800 đồng/cp.

Hiệu ứng tăng giá lan toả mạnh mẽ lên cả nhóm cổ phiếu ngành BĐS KCN. Một số mã chứng khoán khác như GVR (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam – CTCP), TIP (CTCP Phát triển KCN Tín Nghĩa), IDC (Tổng công ty IDICO – CTCP) cũng đã có một phiên “thăng hoa” bất ngờ.

Trước đó, nhóm cổ phiếu ngành BĐS KCN đã được đánh giá sẽ có phản ứng tích cực nếu ông Donald Trump tái đắc cử.

Chất xúc tác từ hiệu ứng "Trump 2.0"

Theo phân tích của Mirae Asset, việc ông Donald Trump lên nắm quyền sẽ tạo ra nhiều tác động và thay đổi mạnh mẽ chính sách như hiện tại. Việt Nam có thể hưởng lợi dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do Mỹ đánh thuế cao các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng cũng sẽ gặp rủi ro từ các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước và thỏa thuận thương mại khắt khe của Mỹ như tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác 10 - 20%. Trong đó, ngành BĐS KCN có thể được hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI rời Trung Quốc.

Tương tự, trong báo cáo mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco), việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ 2 sẽ mang đến nhiều tác động quan trọng đối với Việt Nam. Những chính sách kinh tế của ông Trump, như tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu hút FDI về Mỹ, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành nghề và lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm xuất nhập khẩu, FDI, và tỷ giá.

Về dòng vốn đầu tư, Agriseco dự báo chính sách áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể kích hoạt làn sóng FDI tiếp tục rời khỏi Trung Quốc. Việt Nam sẽ là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI này nhờ vào vị trí chiến lược và môi trường đầu tư thuận lợi.

Đối với các nhóm ngành, Agriseco dự báo BĐS KCN sẽ là một trong 3 nhóm ngành được hưởng lợi nhất từ sự đắc cử của ông Trump. Cụ thể, nhóm KCN sẽ tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng FDI rời khỏi Trung Quốc.

Thời gian qua, làn sóng FDI “thế hệ mới” là công nghệ cao, xe điện, năng lượng tái tạo, chất bán dẫn nổi lên như một xu hướng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến phù hợp nhờ việc tham gia 16 FTA, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật, Úc, Hàn.... Và Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 3 về thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong khối ASEAN các năm qua.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ trong các năm gần đây đã và đang giúp tăng cường thúc đẩy môi trường đầu tư ổn định, minh bạch cho nhà đầu tư, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thực tế. Hơn nữa, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng là tiền đề cho phát triển KCN bền vững.

Cũng theo Agriseco, dòng vốn FDI mới vào KCN dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan. Bởi sự phục hồi dòng vốn từ các đối tác truyền thống Hàn Quốc, Singapore nhờ dự báo tăng trưởng kinh tế 2024 cải thiện, xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận vẫn đang diễn ra.

Đánh giá về sự phát triển của phân khúc này, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao Chi nhánh CBRE Việt Nam tại Hà Nội cho biết trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 5 - 8%/năm ở miền Bắc và tăng 3-7%/năm ở miền Nam. Trong khi đó, giá thuê của nhà kho/nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 1- 4%/năm với phân khúc xưởng xây sẵn sẽ có tốc độ tăng giá cao hơn.

“Với sự phát triển của hạ tầng giao thông, thị trường BĐS KCN đang lan ra những khu vực mới như các thị trường cấp 2 hay các khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, sự mở rộng của các chủ đầu tư hiện hữu hay gia nhập thị trường của các chủ đầu tư mới khiến cho bức tranh BĐS KCN thời gian tới càng trở nên sôi động”, bà An nhấn mạnh thêm.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn