Cổ phiếu bất động sản, xây dựng chờ đầu tư công "cất cánh"
Trong một phân tích mới đây, chuyên gia từ Công ty Chứng khoán ACBS đánh giá dư địa đẩy mạnh đầu tư công còn nhiều trong thời gian tới.
Cụ thể, bức tranh về ngân sách nhà nước và nợ công của Việt Nam hiện đang ở trạng thái rất tích cực, từ đó tạo nhiều dư địa cho việc gia tăng thêm nợ vay của Chính phủ và thúc đẩy chi tiêu đầu tư công. Tỷ lệ nợ công/GDP giảm đều trong gần 10 năm qua, hiện ở mức 36,6% vào thời điểm cuối năm 2023 và ước tính ở mức 37% vào cuối năm 2024. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách/GDP đang duy trì ổn định quanh mức 4,0%.
Ngoài ra, áp lực thanh toán nợ gốc/lãi trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2024-2027 ở mức bình quân là 113.000 tỷ đồng/năm. Trong giai đoạn 2028-2033 là 211.000 tỷ đồng/năm. Lãi suất phát hành mới của trái phiếu chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đang được duy trì ở mức tương đối thấp.
Sau giai đoạn tăng trưởng tích cực trong năm 2023, đầu tư công năm 2024 rơi vào giai đoạn trầm lắng. Vốn thực hiện thuộc ngân sách nhà nước đạt 495.900 tỷ đồng trong 11 tháng 2024, đạt 64,3% kế hoạch. Trong đó, các dự án ngành giao thông vận tải giải ngân được 62.700 tỷ đồng, giảm 14,1%.
Nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm là do việc triển khai Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và tạm dừng một số dự án để điều chỉnh. Ngoài ra, thiếu vật liệu và cát san lấp cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
ACBS kỳ vọng đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2025, năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, và tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm, liên tiếp các biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ ban hành. Đáng chú ý, vào ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/01/2025 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 15/01/2025. Đây sẽ là điểm sáng giúp giải quyết các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nguồn: ACBS |
Đi cùng với việc đầu tư công được thúc đẩy, nhóm cổ phiếu hưởng lợi sẽ bao gồm ngành thép, xi măng, nhựa đường, xây lắp hạ tầng, logistics, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp.
Ví dụ, với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, tổng dự án có chiều dài 729km được chia thành 12 dự án thành phần và đã bắt đầu thi công trong năm 2023 tiến độ cơ bản hoàn thành dự kiến trong năm 2025, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Đây là dự án mà Bộ Giao thông - Vận tải chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, từ đó rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng thi công. Những doanh nghiệp xây lắp như VCG, HHV, và C4G được Bộ Giao thông - Vận tải chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Giai đoạn 2025-2026 được xem là điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp này.
Các dự án hạ tầng trọng điểm khác như Sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 Hà Nội cũng đang được tập trung giải phóng mặt bằng và triển khai, nhằm bám sát kế hoạch tiến độ thực hiện.
ACBS đánh giá, một số doanh nghiệp xây dựng hạ tầng được theo dõi có ước tính giá trị backlogs (đơn hàng còn tồn đọng) tính đến cuối tháng 9/2024 đang gấp từ 2-4 lần giá trị doanh thu trung bình trong giai đoạn 2021-2023, qua đó tạo cơ sở để các doanh nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trong 2 năm sắp tới.
Xem thêm tại baodautu.vn