Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCG
CTCK MASVN
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG – sàn HOSE) xác định mục tiêu trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản. Hiện nay VCG cũng đang có vị thế top đầu ngành trong lĩnh vực xây lắp với hồ sơ năng lực thực hiện các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, ngoài ra trong lĩnh vực Bất động sản công ty cũng đang triển khai nhiều dự án với quỹ đất tiềm năng được công ty chia sẻ lên đến 2.000 ha.
Backlog mảng xây lắp đạt gần 20.000 tỷ đồng. Trong năm 2023, VCG đã liên tiếp trúng các gói thầu của nhiều dự án đầu tư công trọng điểm, đem về lượng công việc trị giá hơn 13.200 tỷ đồng, trong đó gói thầu số 5.10 xây dựng nhà ga hành khách – Sân bay Long Thành của VCG có giá trị hợp đồng là 3.924 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2024, VCG tiếp tục trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị hơn 6.000 tỷ đồng, lớn nhất là gói thầu nhà ga T2 sân bay Nội Bài có giá trị 4.600 tỷ đồng. Mảng xây lắp là động lực chính để tăng trưởng về doanh thu cho VCG tuy nhiên hoạt động này có biên lãi gộp rất thấp (mục tiêu năm 2024 là 2%), chủ yếu tạo dòng tiền cho doanh nghiệp.
Mảng kinh doanh bất động sản kỳ vọng khởi sắc. Tính riêng các dự án VCG đang thực hiện, tổng diện tích đạt gần 1.000 ha, trong đó bao gồm: Bất động sản dân cư, thương mại và nghỉ dưỡng: Tổng quy mô 330 ha, trong 2 dự án được công ty đánh giá có thể mang lại lợi nhuận trong giai đoạn 2024 – 2025 là: (1) Dự án Green Diamond: Dự kiến 2024 ghi nhận doanh thu 906 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 275 tỷ đồng và (2) Cát Bà Amatina (172 ha) có thể bán buôn/ bán 1 phần dự án nếu tìm được đối tác.
Với bất động sản công nghiệp: Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Đông Anh – Hà Nội vào tháng 4/2024, VCG hiện đang triển khai 3 dự án KCN bao gồm: (1) Khu CNC 2 Hòa Lạc (270 ha) đã cho thuê 58,48 ha và 2 KCN đang triển khai đầu tư là Sơn Đông (Hà Nội) và Đông Anh (300 ha).
Năm 2024, VCG đặt kế hoạch thử thách với doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 15.000 tỷ đồng và 950 tỷ đồng, bằng 115% và 240% so với thực hiện năm 2023. Tuy nhiên chỉ sau quý đầu năm, VCG cũng đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra khi ghi nhận 463 tỷ đồng. Nguyên nhân được phía công ty chia sẻ đến từ hoạt động Bất động sản và theo chúng tôi nhiều khả năng là mảng bất động sản cho thuê như Khu công nghiệp. Như vậy với tiềm năng lớn từ mảng xây lắp cũng như kế hoạch kinh doanh mảng bất động sản, chúng tôi kỳ vọng VCG có thể hoàn thành kế hoạch năm 2024.
Chúng tôi lấy mức P/E trung bình của năm 2023 của VCG là 14,8 lần là mức mục tiêu, giả định VCG hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024 mức EPS sẽ đạt 1.580 đồng/CP. Theo đó mức giá mục tiêu của VCG đạt 23.300 đồng/CP. Khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc mua VCG tại vùng giá 19.300 – 19.800 đồng/CP và cân nhắc cắt lỗ nếu giá cổ phiếu đóng cửa dưới 18.500 đồng/CP.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu ANV
CTCK MASVN
CTCP Nam Việt (ANV) là doanh nghiệp hàng đầu trong nuôi trồng và chế biến cá tra tại Việt Nam với công nghệ nuôi trồng khép kín hiện đại, cùng chi phí sản xuất cạnh tranh. ANV hiện sở hữu 14 vùng nuôi cá, và gần 600 ha vùng nuôi công nghệ cao Bình Phú.
Hiện nay, doanh nghiệp đã tự chủ 100% thức ăn cho nuôi trồng nhờ 10 dây chuyền nhà máy thức ăn (công suất 1000 tấn/ngày), và tự chủ 100% cá nguyên liệu cho 4 nhà máy chế biến (tổng công suất thiết kế 1.000 tấn cá nguyên liệu/ ngày).
Quý I/2024, doanh thu thuần và lãi ròng ở mức 1.016 tỷ đồng và 16 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 82% so với cùng kỳ: 1) Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17% xuống 10% do giá bán cá tra giảm. Cụ thể: Tại Trung Quốc (thị trường chủ chốt của ANV), giá bán cá tra trung bình xuất khẩu tháng 3 chỉ đạt 1,94 USD/kg, giảm 28%; 2) Chi phí tài chính giảm 32% do chi phí lãi vay giảm 31%; 3) Doanh thu tài chính giảm 42%, do lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn giảm.
Theo thống kê hải quan 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 5%. Tính riêng kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng 2024 đạt 745 triệu USD, tăng 2%. Trong đó, Trung Quốc và Hồng Kong là thị trường tiêu thụ cá tra nhiều nhất trong 5 tháng 2024, đạt gần 203 triệu USD, giảm 13%; tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 132 triệu USD, tăng 12%.
Chúng tôi kỳ vọng thị trường Mỹ là điểm sáng 6 tháng cuối năm 2024: 1) Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga, giảm bớt áp lực cạnh tranh từ cá tuyết, cá minh thái… ; 2) Hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá 0 USD/kg (POR19); 3) Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, kỳ vọng sức mua tại thị trường Trung Quốc dần hồi phục nửa cuối năm 2024 (quý I/2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tại Trung Quốc tăng 4,7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 5%).
Ngoài ra, ANV xây dựng dòng sản phẩm giá trị gia tăng với Collagen và Gelatin từ da cá, qua liên doanh với Amicogen. Hiện dự án chạy thử nghiệm giai đoạn 1 với công suất 780 tấn/năm, tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 và 3 lên 1.200 và 2.400 tấn/năm, kỳ vọng đóng góp 10% lợi nhuận vào 2025.
Năm 2024, chúng tôi dự phóng doanh thu và lãi ròng đạt 4.932 và 158 tỷ đồng, tăng 10,5% và 305%: 1) Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 10,1% lên 12,1% trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm; 2) Doanh thu thành phẩm đạt 4.797 tỷ đồng, tăng 10%. Doanh thu mảng năng lượng mặt trời đạt 112 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
EPS forward 2024 ước đạt 1.188 đồng/CP, tương ứng P/E forward ở mức 28.5 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực dành cho ANV: 1) vị thế hàng đầu ngành xuất khẩu cá tra, lợi thế từ chủ nguồn nguyên liệu; 2) Giá nguyên liệu (đậu tương, ngô, lúa mì) sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm sau khi đạt đỉnh vào quý II/2022; 3) Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định trung bình 7%/năm.
Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu AGG
CTCK Vietcap (VCI)
Chúng tôi hạ khuyến nghị đối với CTCP Gỗ An Cường (ACG) từ khả quan xuống phù hợp thị trường mặc dù tăng 13% giá mục tiêu do giá cổ phiếu của ACG đã tăng 18% trong 3 tháng qua.
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2025. Điều này dẫn đến định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền cao hơn 15% và định giá theo phương pháp P/E cao hơn 10% (với P/E mục tiêu duy trì ở mức 11 lần). Chúng tôi tiếp tục sử dụng kết hợp các phương pháp định giá này với tỷ trọng 50/50 để xác định giá mục tiêu.
Chúng tôi nhìn chung giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cho các năm 2024/2025/2026 mặc dù lần lượt giảm dự báo tăng trưởng doanh thu của chúng tôi từ +8%/+11%/+11% xuống +4%/+9%/+11%, do kết quả kinh doanh quý I/2024 thấp hơn dự kiến và doanh số căn hộ sơ cấp phục hồi chậm hơn dự kiến. Điều này được bù đắp bởi việc chúng tôi tăng giả định biên lợi nhuận gộp thêm lần lượt 40 điểm cơ bản/50 điểm cơ bản/50 điểm cơ bản, do biên lợi nhuận gộp của mảng xuất khẩu trực tiếp cao hơn dự kiến và chúng tôi dự kiến nhu cầu xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian còn lại của năm 2024.