Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/7

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu QNS

CTCK DSC

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi dựa trên kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sữa bắt đầu có tín hiệu tích cực và giá đường trong nước dự báo đi ngang trong năm 2024.

Động lực tăng trưởng của QNS trong trung và dài hạn đến từ (1) xu hướng tiêu thụ các sản phẩm tốt cho sức khỏe, (2) sản xuất đường trong nước mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ và (3) dự án nhà máy ethanol là nguồn doanh thu mới tiềm năng trong tương lai.

Chúng tôi ước tính kết quả kinh doanh của QNS năm 2024 sẽ giảm so với kỷ lục 2023, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với trung bình 5 năm của doanh nghiệp.

Luận điểm đầu tư: Thứ nhất là Kỳ vọng doanh thu mảng sữa không còn"đi lùi". Sức tiêu thụ còn yếu trong bối cảnh nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn đã khiến cho mảng sữa đậu nành của QNS gặp khó khăn. Tuy vậy, QNS vẫn duy trì khá tốt thị phần, trong đó thị phần sữa đậu nành 2023 hồi phục lên mức 88,6%, sữa uống liền đạt 16,1%. Biên lợi nhuận gộp quý I/2024 cũng đã cải thiện so với quý liền trước nhờ giá đậu nành nguyên liệu giảm.

Trong tháng 7/2024 dự kiến QNS sẽ tung ra 2 dòng sản phẩm sữa hạt mới để đáp ứng xu hướng tiêu dùng các sản phẩm từ hạt tốt cho sức khỏe. Chúng tôi ước tính, sản lượng tiêu thụ sữa và doanh thu mảng sữa đậu nành của QNS có thể hồi phục nhẹ 2-3% so với năm 2023.

Thứ hai là mở rộng vùng nguyên liệu mía, tiến tới tăng công suất và sản lượng đường. QNS đang đầu tư mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía lên 3.000 ha mỗi năm, dự kiến đạt 40.000 ha vào niên vụ 2027/2028. Chúng tôi ước tính sau khi mở rộng, sản lượng mía hàng năm của QNS có thể đạt 2,4-2,5 triệu tấn.

DSC cho rằng, năm 2024 giá đường trong nước sẽ chỉ giảm nhẹ/đi ngang do một số nhà máy ngưng sản xuất khiến nguồn cung giảm nhẹ, tỷ giá ở mức cao khiến giá đường nhập khẩu qua cả đường chính ngạch và tiểu ngạch đều cao, từ đó giảm bớt nguồn đường nhập khẩu cũng như sức cạnh tranh với đường nội địa.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VHC

CTCK MASVN

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC – sàn HOSE) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra không những ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo FAO, sản lượng cá tra Việt Nam đạt mức 1,62 triệu tấn, chiếm khoảng 52% sản lượng toàn cầu năm 2023. Thị trường VHC xuất khẩu chủ yếu bao gồm Mỹ, EU và Trung Quốc. Năm 2023, VHC giữ vị trí đầu ngành, chiếm 13% giá trị xuất khẩu toàn ngành cá tra Việt Nam.

Quý I/2024, doanh thu thuần đạt 2.856 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 170 tỷ đồng (giảm 23%) chủ yếu do giá bán giảm hơn 22%. Giá vốn hàng bán tăng 41% là nguyên nhân khiến lãi gộp giảm 31% và biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 17,3% năm quý I/2023 về mức 9,3% trong quý I/2024.

Doanh thu tháng 5 đạt 1.131 tỷ đồng (tăng 19%), tăng mạnh nhờ doanh thu từ mảng phụ phẩm (tăng 14,7%), collagen & gelatin (tăng 27,7%), sản phẩm GTGT (tăng 71,4%). Lũy kế 5 tháng 2024, VHC ghi nhận doanh thu đạt 5.033 tỷ đồng (tăng 24%).

Triển vọng xuất khẩu cá tra: Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 747 triệu USD (tăng 2%). Việc Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, nguồn cung cá rô phi đang thiếu hụt tại thị trường Mỹ và Trung Quốc, khiến giá bán tăng cao. Nhờ lợi thế về giá cả cạnh tranh, cá tra có thể trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng cho cá rô phi. Điều này kỳ vọng sẽ giúp VHC gia tăng xuất khẩu tại hai thị trường chủ chốt này.

Tính đến cuối tháng 5, giá cá tra xuất khẩu bình quân sang Mỹ tăng 12% so với đầu năm, giá xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc cải thiện 6% so với đầu năm. Giá xuất khẩu cá tra dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024 khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn đang dần tăng trở lại. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi cá tra kỳ vọng giảm nhờ tình thời tiết thuận lợi hơn so với năm 2023, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của VHC.

Mảng Collagen & gelatin: VHC dự kiến mở rộng thêm 50% công suất sản xuất lên 7.000 tấn/năm trong năm 2024. Kỳ vọng việc mở rộng công suất sẽ tạo động lực chính cho mảng kinh doanh này khi nhu cầu tiêu thụ Collagen & gelatin toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh. Theo Grand View Research, dự báo thị trường collagen sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9,6% từ năm 2024 đến năm 2030.

Dự phóng và định giá: Năm 2024 chúng tôi dự phóng doanh thu của VHC đạt 11.918 tỷ đồng (tăng 19% so với năm ngoái) và lãi ròng ở mức 1.189 tỷ đồng (tăng 29%): 1) Doanh thu cá tra phi lê đạt 6.285 tỷ đồng (tăng 12%); 2) Collagen & gelatin đạt 943 tỷ đồng (tăng 31%); 3) Phụ phẩm đạt 1.836 tỷ đồng (tăng 10%); 4) Biên lợi nhuận gộp cải thiện 16,1% từ mức 14,9% năm 2023 với kỳ vọng giá bán cá tra phục hồi và giá thức ăn chăn nuôi giảm.

Chúng tôi ước tính EPS dự kiến cho năm 2024 đạt 5.297 đồng/cp, tương ứng với mức P/E forward ở mức 13,8 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực cho VHC: 1) Vị thế dẫn đầu ngành cá tra 2) Triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu 3) Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu được suôn sẻ.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VGC

CTCK SSI

Chúng tôi ước tính lợi nhuận trước thuế của Tổng Công ty Viglacera – CTCP (VGC) có thể đạt 1,44 nghìn tỷ đồng (giảm 17,7% so với năm ngoái) trong năm 2024 do nhu cầu kính xây dựng vẫn chưa phục hồi.

Chúng tôi kỳ vọng VGC sẽ cho thuê 180 ha đất KCN (tăng 4%) trong năm 2024, chủ yếu tại các KCN Yên Phong IIC, Thuận Thành và Phú Hà. Chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt là 3,9 nghìn tỷ đồng (giảm 10%) và 1,97 tỷ đồng (giảm 8%). Mảng kính xây dựng dự kiến lỗ gộp 323 tỷ đồng.

Hiện tại chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị trung lập, với giá mục tiêu 1 năm là 55.600 đồng/cổ phiếu đối với cổ phiếu VGC.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn