Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/11

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VHM

CTCK MB (MBS)

Quý III/2024, CTCP Vinhomes (HSX: VHM) ghi nhận doanh thu đạt 42,9 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ), lợi nhuận ròng đạt 7,9 nghìn tỷ đồng (giảm 26%). Trong kỳ, VHM đã bán được 4.200 căn (tăng 35%), tương ứng với doanh số bán hàng đạt 37,9 nghìn tỷ đồng (tăng 135%).

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, doanh thu quy đổi đạt 90,9 nghìn tỷ đồng (giảm 16%), lợi nhuận ròng đạt 19,6 nghìn tỷ đồng (giảm 39%). Doanh số bán hàng đạt 89,6 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh số tại Royal Island chiếm tới 67%. Doanh số chưa ghi nhận tính đến cuối kỳ đạt 123 nghìn tỷ đồng (tăng 60%), trong đó dự án Royal Island chiếm 41%, OCP 2&3 lần lượt chiếm 11% và 12%.

Năm 2024, chúng tôi dự phóng doanh thu quy đổi đạt 128 nghìn tỷ đồng (tăng 5%), lợi nhuận ròng đạt 35 nghìn tỷ đồng (tăng 5%) và doanh số bán hàng đạt 113 nghìn tỷ đồng (tăng 30%) nhờ bán BĐS tại dự án Royal Island và phần còn lại tại OCP 2&3, Golden Avenue và Grand Park. Sang năm 2025-26, doanh số bán hàng có thể giảm 12%/10% do kế hoạch mở bán dự án mới trong thời gian tới chỉ có Wonder Park trong khi khả năng VEF sẽ chuyển nhượng Global Gate cho đối tác khác. Qua đó, chúng tôi dự phóng doanh thu quy đổi tăng trưởng 1% và 16%, lợi nhuận ròng tăng trưởng 11%/4%.

Trong xu thế bán ròng trên TTCK Việt Nam, VHM là một trong những cổ phiếu bị ảnh hưởng lớn nhất khi khối ngoại đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 22,5% vào đầu năm 2024 xuống 13.0% ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi cho rằng đà bán ròng sẽ sớm dừng lại khi FED đã bắt đầu cắt giảm lãi suất và kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục, từ đó áp lực bán VHM của khối ngoại sẽ được giảm bớt.

Theo góc độ đầu tư dài hạn, chúng tôi cho rằng VHM phù hợp để tích lũy nhờ vị thế là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam, tiềm năng từ quỹ đất lớn chưa triển khai và tiềm năng tăng giá lớn (35,6%).

Luận điểm đầu tư: (1) Doanh số bán hàng được thúc đẩy nhờ mở bán các đại dự án (2) Dự án mới đang dần hoàn thiện pháp lý đảm bảo cho tăng trưởng trong dài hạn (3) Lợi ích cổ đông được gia tăng (EPS tăng thêm 9%) sau khi công ty mua lại cổ phiếu quỹ. Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VHM với giá mục tiêu là 54.700 đồng/CP.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVD

CTCK MB (MBS)

Quý III/2024, lợi nhuận ròng của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HSX: PVD) tăng 21% so với cùng kỳ và tăng 31% so với quý trước chủ yếu nhờ mức giá thuê giàn tự nâng cao hơn và không phát sinh chi phí bảo dưỡng lớn. Lợi nhuận ròng 9 tháng năm 2024 tăng 26%, hoàn thành 49% dự báo cả năm trước đó.

Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng của PVD sẽ tăng lần lượt 13,7%, 39,9% và 9,5% trong giai đoạn 2024-2026, nhờ môi trường giá thuê giàn khoan thuận lợi và đóng góp của giàn khoan tự nâng mới, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào quý II/2025.

Duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PVD với giá mục tiêu thấp hơn là 31.400 đồng/CP, do nền giá dầu thấp hơn và dư cung giàn có thể ảnh hưởng đến độ hấp dẫn của cổ phiếu.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HSG

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) với giá trị hợp lý cho năm 2025 là 23.700 đồng/CP (tương đương Upside +19% so với giá đóng cửa ngày 13/11/2024), với P/B FWD =1.2x.

Giá cổ phiếu đã chiết khẩu và đã phản ánh kết quả kinh doanh quý IV niên độ tài chính 2024 kém – hiện tại đang ở mức hấp dẫn. Sau đợt giảm giá vào quý IV niên độ tài chính 2024, giá cổ phiếu của HSG đã giảm về mức 20.000 đồng/CP tương đương với mức định giá P/B FWD 2024 = 1.1x, P/B FWD 2025 = 1.03x – thấp hơn so với P/B Trung bình của HSG trong 1 chu kỳ (P/B Trung bình = 1.1 -1.2x).

BSC giữ nguyên luận điểm đây là thời điểm thích hợp để mua HSG do: Kết quả kinh doanh của HSG sẽ phục hồi về giai đoạn bình thường vào năm 2025 nhờ thị trường Bất động sản nội địa phục hồi; và HSG sở hữu thị phần nội địa lớn nhất trong ngành tôn mạ (chiếm 20-30%), đi kèm đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu.

Luận điểm đầu tư: BSC kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ của HSG tăng trưởng 10% trong năm 2025 nhờ (1) Thị trường Bất động sản Nội địa phục hồi, (2) Bộ Công thương sẽ áp dụng thuế chống bán phá tạm thời tôn lạnh từ Trung Quốc vào đầu quý I/2025, và chính thức vào quý III/2025; và định giá đang được chiết khấu về P/B 2024 = 1.1, P/B FWD 2025 = 1.03x.

Trong năm 2025, BSC dự báo HSG ghi nhận doanh thu thuần đạt 43.570 tỷ đồng (tăng trưởng 11% so với năm trước), Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 826 tỷ đồng (tăng trưởng 62%), tương đương EPS FWD 2025 đạt 1.382 đồng/CP, P/E FWD 2025 đạt 14.7, P/B FWD 2024 đạt 1.03x.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NAB

CTCK BIDV (BSC)

Ngân hàng TMCP Nam Á (NAB) công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.106 tỷ đồng (tăng 112% so với cùng kỳ), và lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 3.323 tỷ đồng (tăng trưởng 62%). Kết quả này hoàn thành 83% kế hoạch cả năm của Ngân hàng.

Tổng thu nhập hoạt động đạt 2.249 tỷ đồng (tăng 63%) với đóng góp chính từ thu nhập lãi thuần (chiếm gần 90%).

Tăng trưởng tín dụng đạt 15,8% YTD, cao hơn mức trung bình toàn hệ thống. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 164.000 tỷ đồng (tăng trưởng 23,8%), với động lực chính đến từ nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Tỷ lệ NIM tiếp tục tăng lên 3,8% nhờ chi phí huy động được kiểm soát, từ đó giảm mạnh chi phí vốn bình quân của ngân hàng.

Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận của Nam Á Bank. Tỷ lệ CIR giảm xuống 41,3%, mức thấp nhất từ trước tới nay.

Chất lượng tài sản được cải thiện, với các chỉ số về tỷ lệ nợ nhóm 2, hay tỷ lệ hình thành nợ xấu đều giảm. Dù vậy, bộ đệm dự phòng (45,3%) vẫn còn thấp hơn so với toàn ngành, điều này có thể gây áp lực tăng trích lập với NAB trong thời gian tới.

BSC đưa ra khuyến nghị mua đối với NAB, với giá mục tiêu năm 2025 là 21.300 đồng/CP, tương ứng với upside 37% so với giá đóng cửa ngày 08/11/2024. Tương tự phương pháp tiếp cận ở các cổ phiếu ngân hàng khác, chúng tôi duy trì phân bổ tỷ trọng 70/30 lần lượt cho phương pháp P/B và thu nhập thặng dư. Mức giá mục tiêu này phản ánh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 5 năm tới đạt mức CAGR 18%, và P/B mục tiêu đạt 1.2x, mức hợp lý so với trung bình ngành và các đối thủ có cùng quy mô.

Chúng tôi đánh giá NAB đang được định giá tương đối thấp, trong khi ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Nam Á Bank là một trong số ít các ngân hàng vẫn còn rất nhiều room khối ngoại và chưa có nhà đầu tư chiến lược nào. Đây có thể là yếu tố giúp NAB trở nên tiềm năng hơn trong mắt các NĐT tổ chức, đặc biệt là các quỹ nước ngoài.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn