ACB sẽ được cấp thêm hạn mức tín dụng trong nửa sau năm 2024
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HOSE) ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 8,4% so với cuối năm 2023 – mức tăng trưởng tín dụng tích cực so với toàn ngành (6% trong nửa đầu năm 2024); tín dụng tăng trưởng bền vững, phân bổ đều qua các tháng chứ không tập trung vào tháng 6 như một số ngân hàng khác.
Tăng trưởng tín dụng được có sự tăng trưởng đồng đều ở cả nhóm khách hàng cá nhân (+12%ytd) và khách hàng doanh nghiệp (+12% YTD) với các lĩnh vực cho vay gồm cho vay sản xuất kinh doanh, mua nhà (bán lẻ) và thương mại, xuất-nhập khẩu (bán buôn). Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản khoảng 115 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ, trong đó phần lớn (81-82%) là cho vay mua nhà.
Tính đến thời điểm tháng 7 hiện tại, tín dụng đã ghi nhận tăng trưởng khoảng 12%, ngân hàng tự tin có thể hoàn thành hạn mức tín dụng 16,1% được SBV cấp từ đầu năm. ACB cho biết việc có được cấp thêm hạn mức tín dụng hay không sẽ tuỳ thuộc vào đánh giá của SBV với từng ngân hàng theo những tiêu chí như: có mức tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng bền vững và đảm bảo 1 số chỉ tiêu tài chính khác. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng ACB sẽ là một trong những ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng trong nửa sau năm 2024, ở kịch bản tích cực KBSV dự phóng ACB có mức tăng trưởng tín dụng 20% trong năm 2024.
Thị trường bất động sản được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, nên trong nửa đầu năm 2024 ACB không tập trung giải ngân cho lĩnh vực này. Thay vào đó, trong thời gian tới ACB đang có kế hoạch thu xếp vốn với các dự án bất động sản khu công nghiệp (KCN) – đây có thể là động lực tăng mới cho ACB, trong khi ngân hàng sẽ vẫn giữ khẩu vị rủi ro an toàn khi chỉ cho vay các doanh nghiệp lớn đầu ngành.
Ngành bán lẻ triển vọng tích cực
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Tổng mức bán lẻ hàng hoá trong nửa đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương, luỹ kế 5 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ tăng 8,7%, mức độ tăng trưởng có xu hướng tăng theo từng tháng. Sức mua trong nền kinh tế tương tự với tăng trưởng bán lẻ hàng hoá, có sự hồi phục tuy nhiên tốc độ tương đối chậm. PMI trong 5 tháng đầu năm có sự tích cực, nhiều tháng liền đạt trên 50 cho thấy sự hồi phục sản xuất, sản xuất hồi phục sẽ giúp việc làm gia tăng từ đó gia tăng thu nhập cho người dân.
Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp bán lẻ đều đã có sự phục hồi so với mức nền thấp cùng kỳ. Các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu như chuỗi Winmart của MSN, chuỗi Long Châu của FRT, chuỗi Bách Hoá Xanh của MWG đều giữ được đà tăng trưởng doanh thu tích cực. Các công ty liên quan đến mặt hàng ICT như MWG, FRT, DGW nhìn chung đều đã cải thiện kết quả kinh doanh sau khi kết thúc cuộc chiến giá và nhu cầu cũng đã bắt đầu hồi phục trở lại. Với ngành bán lẻ trang sức, PNJ nhờ thị trường vàng sôi động cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ và duy trì lợi nhuận so với cùng kỳ.
Triển vọng hồi phục của sức mua nhờ những yếu tố tích cực như cải thiện sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên chúng tôi vẫn duy trì quan điểm sức mua toàn thị trường vẫn sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm. Với mức nền thấp từ năm 2023, dự báo các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ở nửa cuối năm 2024. Mỗi doanh nghiệp bán lẻ lại có những câu chuyện riêng để kỳ vọng vào tăng trưởng. Với kỳ vọng hồi phục, nhiều cổ phiếu đã có nhịp tăng giá khá đáng kể trong thời gian vừa qua tuy nhiên chúng tôi cho rằng triển vọng hồi phục kết quả kinh doanh sẽ còn kéo dài đến năm 2025, do vậy vẫn có thể mở mua cổ phiếu ngành bán lẻ trong những nhịp điều chỉnh của thị trường.
Pháp lý từng bước được tháo gỡ, triển vọng ngành khu công nghiệp tích cực
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Vào quý I/2024, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN tại các tỉnh cấp 1 phía Bắc và phía Nam lần lượt ghi nhận ở mức 83% và 92%. Giá thuê đất khu công nghiệp tiếp tục tăng ở cả miền Bắc và miền Nam do nhu cầu khả quan. Giá cho thuê trung bình cho thị trường Cấp 1 ở miền Bắc đạt 133 USD/m2/kỳ hạn còn lại (tăng 7,8% so với cùng kỳ) và ở miền Nam đạt 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại (tăng 2,4%).
Trong khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng ở mức cao, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng đi ngang, thậm chí là âm so với cùng kỳ do (1) các dự án mới chậm tiến độ đưa vào khai thác do chậm hoàn thành nhiều thủ tục pháp lý dẫn đến quỹ đất nhiều doanh nghiệp cạn kiệt và (2) tốc độ bàn giao đất sẵn có chậm hơn dự kiến do vướng mắc từ phía thuê hoặc do tỉnh đã hết chỉ tiêu đất KCN.
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng ở ngưỡng 5-9%/năm ở khu vực phía Bắc, 3-7%/năm ở khu vực phía Nam do (1) nhu cầu khả quan tới từ nhiều nhóm ngành và quốc tịch thuê khi dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực và (2) nguồn cung tăng chậm đặc biệt tại các tỉnh cấp 1 trong khi tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức cao.
Việc nguồn cung đất KCN hiện nay đang ở mức thấp và tốc độ tăng trưởng chậm do các vướng mắc pháp lý kỳ vọng có thể khắc phục trong thời gian tới nhờ tác động tích cực từ: (1) quy hoạch nhiều tỉnh thành đã và đang được thông qua, (2) quyết định 227/QĐ-TTg về chỉ tiêu sử dụng đất và (3) nghị định 12/2024/ND-CP về phương pháp định giá đất.