Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/4

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DGW

CTCK MB (MBS)

Xu hướng áp dụng AI vào trong công việc/học tập sẽ là yếu tố thúc đẩy chu kỳ thay thế sản phẩm công nghệ mới của người tiêu dùng. Dựa trên mức nền tiêu thụ thấp của năm 2023, kết hợp với kỳ vọng vào sự phục hồi của ICT-CE vào nửa cuối năm 2024 (chu kỳ thay thế sản phẩm 2,5-3 năm, kỷ lục doanh thu ICTCE vào cuối năm 2021), chúng tôi dự báo doanh thu mảng ICT-CE có thể phục hồi và đạt mức tăng 10/15% trong 2024-2025.

Ở mảng thiết bị văn phòng, CTCP Thế Giới Số (HOSE: DGW) có động lực phát triển ở thị trường cung cấp thiết bị bảo hộ lao động trong trung hạn, chúng tôi dự báo doanh thu mảng thiết bị văn phòng có thể đạt mức tăng trưởng 28/30% trong 2024-2025. Tổng hợp lại, doanh thu của DGW giai đoạn 2024-2025 có thể đạt mức tăng 16/21%.

DGW sẽ có thể tối ưu chi phí hỗ trợ bán hàng, giảm tỷ trọng chi phí bán hàng/tổng doanh thu từ 6,1% trong năm 2023 xuống 5,6/5,6% trong 2024-2025, cùng với dự báo tăng trưởng 16/21% về doanh thu có thể giúp lợi nhuận ròng ghi nhận mức tăng trưởng 39%/30% giai đoạn 2024-2025.

Năm 2024, DGW đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 23,000/490 tỷ đồng, tăng 22%/38% so với cùng kỳ, kế hoạch cổ tức 5% bằng tiền, 30% bằng cổ phiếu. Về ESOP 2024, DGW dự kiến sẽ phát hành 2 triệu cổ phiếu (tương đương 1,1% số lượng cổ phiếu lưu hành) với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến phát hành trong năm 2024, tổng giá trị phát hành là 20 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh 2024 của doanh nghiệp khá tương đồng so với dự báo của chúng tôi trong bối cảnh kỳ vọng sức cầu tiêu thụ hàng không thiết yếu sẽ phục hồi rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2024.

Chúng tôi định giá cổ phiếu DGW dựa trên phương pháp DCF (WACC: 10,6%). Tiềm năng tăng giá gồm (1) Sức tiêu thụ ICT-CE phục hồi tốt hơn kỳ vọng, (2) Achison tăng trưởng tốt hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) Sự phục hồi của các mặt hàng ICT-CE chậm hơn dự kiến, (2) Doanh nghiệp duy trì chi phí hỗ trợ bán hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ròng. Đồng thời, khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DGW.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu GAS

CTCK MB (MBS)

Bước sang năm 2024, Tổng công ty Khí Việt Nam (HSX: GAS) gặp rủi ro thiếu khí lớn do các mỏ khí giá rẻ đang khai thác hiện tại có dấu hiệu cạn kiệt, Lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn có thể ngừng khai thác, trong khi các mỏ khí mới chưa kịp triển khai và chỉ có thể ghi nhận dòng khí đầu tiên kể từ năm 2026. Chúng tôi ước tính sản lượng khí khô năm 2024-2025 của GAS lần lượt đạt mức 6,45 tỷ m3 (giảm 10,8%) và 6,32 tỷ m3 (giảm 2% so với năm trước).

Về việc kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), chúng tôi cho rằng sản lượng LNG sẽ chưa tăng mạnh trong 2024 khi Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 có thể chậm tiến độ và sẽ hoạt động lần lượt kể từ quý I/2025 và quý IV/2025. Chúng tôi giả định sản lượng LNG của GAS trong giai đoạn 2024-2025 lần lượt là 107 nghìn tấn và 480 nghìn tấn, tương đương 10,7% và 48% công suất bồn chứa LNG Thị Vải giai đoạn 1, đóng góp lần lượt 2,2% và 8,4% tổng doanh thu của GAS trong hai năm này.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận ròng của GAS sẽ giảm 2,8% trong 2024 do thiếu khí nhưng sẽ tăng 6,7% trong 2025 do tỷ trọng đóng góp của LNG cải thiện. Dự báo này lần lượt thấp hơn 2,9% và 3,4% so với dự báo cũ của chúng tôi, chủ yếu do giảm sản lượng khí khô và LNG dự kiến (giả định các nhà máy điện NT3 và NT4 đi vào hoạt động chậm hơn 1 quý so với dự kiến ban đầu); tuy nhiên chúng tôi cũng điều chỉnh dự phóng giá dầu năm 2025 lên 83 USD/thùng (từ 80 USD/thùng trước đó) do vấn đề nguồn cung thắt chặt có thể kéo dài hơn. Giá dầu cao có thể hỗ trợ giá bán khí của GAS, từ đó bù đắp phần nào sự sụt giảm của sản lượng trong 2024- 2025 trước khi đón khí từ các mỏ mới.

Chúng tôi sử dụng 2 phương pháp FCFF và P/E để đưa ra giá trị hợp lý của cổ phiếu GAS là 81.900 đồng/CP. Chúng tôi cho rằng mặc dù gặp rủi ro thiếu khí trong ngắn hạn, GAS vẫn sẽ là lựa chọn phù hợp với nhà đầu tư có tầm nhìn trung hạn nhờ vị thế đầu ngành khí Việt Nam, tầm quan trọng trong công cuộc chuyển đổi sang điện khí LNG và chính sách.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị gia tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu VCB

CTCK MASVN

Trong năm tài chính 2023, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB – sàn HOSE) gần như không thay đổi, đạt 1.839 nghìn tỷ, tăng nhẹ 1,4% so với năm trước. Nhân tố đóng góp chính cho tăng trưởng tài sản là hoạt động cho vay với mức tăng 10,8%, đạt 1.242 nghìn tỷ.

Ngược lại, tài sản có tính thanh khoản cao, bao gồm danh mục đầu tư, giảm 10,6%. Chất lượng tài sản ghi nhận suy giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng vẫn duy trì được vị thế dẫn đầu toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và NPL mở rộng (bao gồm dư nợ nhóm 2) tăng lần lượt 30bps và 38bps lên mức 0,98% và 1,42%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng ghi nhận giảm 87,1%, xuống còn 230,3%.

Dựa trên nền tảng vững chắc với NPL thấp và LLR cao, VCB đã tận dụng những thế mạnh này để duy trì tăng trưởng lợi nhuận mặc dù vẫn giữ vững tâm thế thận trọng (không tăng trưởng tài sản) trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức. Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của VCB đạt 41,2 nghìn tỷ, tăng 10,4% và chỉ thấp hơn 4% so với mục tiêu đề ra. Những thay đổi đáng kể trong cơ cấu thu nhập bao gồm thu nhập thuần từ dịch vụ giảm 15,5% (hay 1,1 nghìn tỷ), được cân đối bằng việc giảm chi phí dự phòng 5,8% (tương đương giảm 4,9 nghìn tỷ).

Thu nhập lãi thuần (NII) dự kiến sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận cũng nhưcủng cố chất lượng tài sản trong năm 2024. Mặc dù có khả năng và nhiều dư địa để gia tăng thị phần trong năm 2023, VCB đã lựa chọn cách sử dụng nguồn lực hiện có để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận mà không tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn rủi ro cao. Điều này một lần nữa cho thấy lập trường thận trọng và nhất quán trong hoạt động của VCB.

Cho năm 2024, chúng tôi kỳ vọng ngân hàng sẽ linh hoạt hơn trong việc giải ngân, với mức tăng trưởng tín dụng dự kiến hơn 15%, nhờ triển vọng kinh tế vĩ mô khởi sắc hơn. Hơn nữa, kế hoạch phát hành riêng lẻ dự kiến hoàn thành trong nửa đầu năm 2025 sẽ gia tăng nguồn vốn cho VCB.

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu (TP) cho VCB lên 103.200 đồng/CP (từ 95.200 đồng/CP), tương đương với mức thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) mục tiêu là 2.9x, dựa trên sự điều chỉnh tăng các thông số định giá đối với triển vọng của VCB. Ngoài ra, chúng tôi vẫn đang duy trì một phần phụ trội là 20% cho giá mục tiêu của VCB, phản ánh vị thế của ngân hàng cũng như các chỉ số chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lợi cao. Tuy nhiên, rủi ro trong ngắn hạn của VCB vẫn liên quan đến định giá tương đối cao của cổ phiếu so với các ngân hàng khác.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT

CTCK Agribank (AGR)

Quý I/2024, CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu đạt 14.093 tỷ đồng (tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận trước thuế đạt 2.534 tỷ đồng (tăng trưởng 20%). Mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng của FPT với doanh thu đạt 6.999 tỷ đồng (tăng 29%), trong đó tăng mạnh nhất là Nhật Bản (tăng 34%) và APAC (tăng 33%).

Khối Công nghệ: Doanh thu đạt 8.472 tỷ đồng (tăng 24% ) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.155 tỷ đồng (tăng 28%) nhờ doanh thu từ mảng CNTT nước ngoài tại Nhật Bản và APAC. Trong quý đầu năm, FPT đã trúng thầu 15 dự án quy mô trên 5 triệu USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ tập trung tại 2 thị trường trên. Doanh thu chuyển đổi số tăng trưởng 36% nhờ tập trung Cloud, AI/Data. Mảng CNTT trong nước lợi nhuận ghi nhận sự phục hồi mạnh (tăng 130%) nhờ hợp tác chuyển đổi số cho doanh nghiệp và Chính phủ. Chiến lược M&A, mở rộng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ giúp doanh số ký mới tại thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng.

Khối Viễn thông tăng trưởng bền vững: Doanh thu đạt 14.379 tỷ đồng (tăng 8%) và lợi nhuận trước thuế đạt 2.854 tỷ đồng (tăng 11%). Lợi nhuận cải thiện nhờ tăng trưởng mảng Data center, PayTV và phục hồi mảng quảng cáo trực tuyến. Dự kiến lợi nhuận năm 2024 sẽ tiếp tục được hỗ trợ nhờ Data Center mới tại quận 9, TP.HCM đi vào vận hành và mảng quảng cáo online phục hồi.

Khối Giáo dục ghi nhận tăng trưởng cao: Doanh thu đạt 4.842 tỷ đồng (tăng 53%) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.735 tỷ đồng (tăng 31%). Việc FPT tiếp tục mở rộng xây dựng các trường học tại Huế, Thanh Hóa kỳ vọng giúp thu hút thêm số lượng người học qua đó đóng góp vào tốc độ tăng trưởng cao mảng giáo dục trong các năm tới.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 được tổ chức ngày 11/4/2024 vừa qua, FPT đã chính thức thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng trên 20%. Đồng thời duy trì chính sách trả cổ tức năm 2024 với tiền mặt là 20% và cổ phiếu 15%. FPT sẽ trả cổ tức tiền mặt 10% còn lại của năm 2023 trong quý II tới.

FPT khởi đầu quý 1 thuận lợi với mức tăng kế hoạch kinh doanh trên 20%, đồng thời duy trì triển vọng tăng trưởng tốt đến từ lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, và hưởng lợi xu hướng đầu tư vào AI, chất bán dẫn trên toàn cầu. FPT là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam và đã vươn tầm quốc tế, sức khỏe tài chính lành mạnh cùng tỷ lệ sinh lời hàng năm cao, chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu với giá mục tiêu trong năm 2024 là 125.000 đồng/cp (upside 12%).

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn