Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VHC
CTCK MASVN
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC – sàn HOSE) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Công ty dẫn đầu ngành cá tra về nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của VHC bao gồm Mỹ, EU và Trung Quốc. Năm 2023, VHC giữ vị trí đầu ngành chiếm 13% giá trị xuất khẩu toàn ngành cá tra Việt Nam.
Quý I/2024, VHC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.856 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 170 tỷ đồng (giảm 23%) chủ yếu do giá bán giảm hơn 22%. Giá vốn hàng bán tăng 41% là nguyên nhân khiến lãi gộp giảm 31% và biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 17,3% năm quý I/2023 về mức 9,3% trong quý I/2024. Doanh thu tháng 5 đạt 1.131 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ), tăng mạnh nhờ doanh thu từ mảng phụ phẩm (tăng 14,7%), collagen & gelatin (tăng 27,7%), sản phẩm GTGT (tăng 71,4%). Lũy kế 5 tháng/2024, VHC ghi nhận doanh thu đạt 5.033 tỷ đồng (tăng 24%).
Triển vọng xuất khẩu cá tra: Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 747 triệu USD (tăng 2%). Việc Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, nguồn cung cá rô phi đang thiếu hụt tại thị trường Mỹ và Trung Quốc, khiến giá bán tăng cao. Nhờ lợi thế về giá cả cạnh tranh, cá tra có thể trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng cho cá rô phi. Điều này kỳ vọng sẽ giúp VHC gia tăng xuất khẩu tại hai thị trường chủ chốt này.
Tính đến cuối tháng 5, giá cá tra xuất khẩu bình quân sang Mỹ tăng 12% so với đầu năm, giá xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc cải thiện 6% so với đầu năm. Giá xuất khẩu cá tra dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024 khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn đang dần tăng trở lại. Ngoài ra, giá thức ăn nuôi cá tra kỳ vọng giảm nhờ tình thời tiết thuận lợi hơn so với năm 2023, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của VHC.
Mảng Collagen & gelatin: VHC dự kiến mở rộng thêm 50% công suất sản xuất lên 7.000 tấn/năm trong năm 2024. Kỳ vọng việc mở rộng công suất sẽ tạo động lực chính cho mảng kinh doanh này khi nhu cầu tiêu thụ Collagen & gelatin toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh. Theo Grand View Research dự kiến thị trường collagen sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9,6% từ năm 2024 đến năm 2030.
Dự phóng và định giá: Năm 2024 chúng tôi dự phóng doanh thu của VHC đạt 11.918 tỷ đồng (tăng 19% so với năm ngoái) và lãi ròng đạt 1.189 tỷ đồng (giảm 29%): 1) Doanh thu cá tra phi lê đạt 6.285 tỷ đồng (tăng 12%); 2) Collagen & gelatin đạt 943 tỷ đồng (tăng 31%); 3) Phụ phẩm đạt 1.836 tỷ đồng (giảm 10%); 4) Biên lợi nhuận gộp cải thiện 16,1% từ mức 14,9% năm 2023 với kỳ vọng giá cá tra phục hồi và giá thức ăn chăn nuôi giảm.
Chúng tôi ước tính EPS dự kiến cho năm 2024 đạt 5.297 đồng/cp, tương ứng với mức P/E forward ở mức 13,8 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực cho VHC: 1) Vị thế dẫn đầu ngành cá tra 2) Triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu 3) Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu được suôn sẻ.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu ANV
CTCK MASVN
CTCP Nam Việt (ANV) là doanh nghiệp hàng đầu trong nuôi trồng và chế biến cá tra tại Việt Nam với công nghệ nuôi trồng khép kín hiện đại, cùng chi phí sản xuất cạnh tranh. ANV hiện sở hữu 14 vùng nuôi cá, và gần 600 ha vùng nuôi công nghệ cao Bình Phú. Hiện nay, doanh nghiệp đã tự chủ 100% thức ăn cho nuôi trồng nhờ 10 dây chuyền nhà máy thức ăn (công suất 1000 tấn/ngày), và tự chủ 100% cá nguyên liệu cho 4 nhà máy chế biến (tổng công suất thiết kế 1.000 tấn cá nguyên liệu/ ngày).
Quý I/2024, doanh thu thuần và lãi ròng ở mức 1.016 tỷ đồng và 16 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 82% so với cùng kỳ năm ngoái: 1) Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17% xuống 10% do giá bán cá tra giảm. Cụ thể: Tại Trung Quốc (thị trường chủ chốt của ANV), giá bán cá tra trung bình xuất khẩu tháng 3 chỉ đạt 1,94 USD/kg, giảm 28%; 2) Chi phí tài chính giảm 32% do chi phí lãi vay giảm 31%; 3) Doanh thu tài chính giảm 42%, do lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn giảm.
Theo thống kê hải quan 5 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 5%. Tính riêng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 747 triệu USD, tăng 2%. Trong đó, Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường tiêu thụ cá tra nhiều nhất, đạt gần 203 triệu USD, giảm 13%, tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 132 triệu USD, tăng 12%.
Chúng tôi kỳ vọng thị trường Mỹ là điểm sáng 6 tháng cuối năm 2024: 1) Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga, giảm bớt áp lực cạnh tranh từ cá tuyết, cá minh thái… ; 2) Hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá 0 USD/kg (POR19); 3) Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, kỳ vọng sức mua tại thị trường Trung Quốc dần hồi phục nửa cuối năm 2024 (quý I/2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tại Trung Quốc tăng 4,7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 5%).
Ngoài ra, ANV xây dựng dòng sản phẩm giá trị gia tăng với Collagen và Gelatin từ da cá, qua liên doanh với Amicogen. Hiện dự án chạy thử nghiệm giai đoạn 1 với công suất 780 tấn/năm, tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 và 3 lên 1.200 và 2.400 tấn/năm, kỳ vọng đóng góp 10% lợi nhuận vào 2025.
Năm 2024, chúng tôi dự phóng doanh thu và lãi ròng đạt 4.932 và 158 tỷ đồng, tăng 10,5% và 305%: 1) Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 10,1% lên 12,1% trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm; 2) Doanh thu thành phẩm đạt 4.797 tỷ đồng, tăng 10%. Doanh thu mảng năng lượng mặt trời đạt 112 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
EPS forward 2024 ước đạt 1.188 đ/cp, tương ứng P/E forward ở mức 28.5 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực dành cho ANV: 1) vị thế hàng đầu ngành xuất khẩu cá tra, lợi thế tự chủ nguồn nguyên liệu; 2) Giá nguyên liệu (đậu tương, ngô, lúa mì) sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm sau khi đạt đỉnh vào quý II/2022; 3) Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định trung bình 7%/năm.
Khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu GSP
CTCK Agriseco (AGR)
CTCP Vận tải Sản phẩm khí quốc tế (HSX: GSP) hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển/kinh doanh khí hóa lỏng LPG và là công ty con của Tổng CTCP Vận tải Dầu Khí (PVT). GSP hiện sở hữu 8 tàu, trong đó 6 tàu chuyên chở LPG với tổng trọng tải 18.000 DWT và 02 tàu dầu/hóa chất có tổng trọng tải khoảng 40.000 DWT. Mới đây, công ty đã công bố BCTC quý II/20024 với kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực.
Kết quả kinh doanh quý II/2024 tiếp đà tăng trưởng: GSP ghi nhận doanh thu đạt 639,8 tỷ đồng (tăng 62,6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 31 tỷ đồng (tăng 30,3%) trong quý II/2024. Qua đó trong 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của GSP duy trì tăng trưởng tích cực với doanh thu tăng 23,6% và lợi nhuận sau thuế tăng 33,7% so với cùng kỳ. Kết quả tăng trưởng nhờ hoạt động đầu tư mở rộng đội tàu sang mảng vận tải dầu/hóa chất và thị trường diễn biến thuận lợi. Hiện tại các tàu đầu tư mới cũng đã vận hành ổn định với hiệu suất cao giúp cải thiện kết quả kinh doanh.
Mở rộng đầu tư sang mảng vận tải dầu/hóa chất: GSP đã đầu tư thêm 2 tàu dầu/ hóa chất với tổng trọng tải khoảng 40.000 DWT và mở rộng hoạt động sang thị trường Châu Mỹ - Châu Âu. Trong đó, GSP đã tiếp nhận tàu Shamrock Jupiter vào T9/2021 và tàu Aquarius vào tháng 7/2022. Đến thời điểm hiện tại, các tàu đầu tư mới đều cho thấy hiệu quả và hoạt động với hiệu suất cao. Agriseco Research đánh giá chiến lược mở rộng sang mảng vận tải dầu/hóa chất có nhiều triển vọng trong bối cảnh giá cước vận tải tăng mạnh trước những căng thẳng địa chính trị.
Giá cước vận tải và giá cho thuê tàu định hạn tăng cao: Đối với thị trường vận tải dầu hóa chất, giá cước vận tải và giá thuê tàu định hạn liên tục tăng nhanh và duy trì ở mức cao bởi tính trạng bất ổn địa chính trị. Giá thuê tàu định hạn trong Quý 2/2024 đang ở mức cao hơn khoảng 15-20% so với cùng kỳ và cao hơn gấp hơn 2 lần trong vòng 2 năm trở lại đây.
Định giá còn ở mức thấp, cơ cấu tài chính lành mạnh và trả cổ tức đều đặn: GSP hiện đang giao dịch ở mức P/E ~ 8,5 lần và P/B ~ 0,95 lần. Đây là mức định giá khá hấp dẫn với 1 doanh nghiệp vẫn đang duy trì được lợi nhuận tăng trưởng đều đặn và hiệu quả sinh lời trên vốn chủ (ROE) ở mức cao từ 12-15%. Bên cạnh đó, GSP có cơ cấu tài chính lành mà và tỷ lệ trả cổ tức cao và đều đặn với tỷ suất cổ tức khoảng 8-10%.
Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của GSP sẽ tăng trưởng tốt nhờ thị trường vận tải dầu hóa, hóa chất tiếp tục thuận lợi và giá cước cũng như giá cho thuê tàu định hạn tăng cao. Ngoài ra, GSP đang giao dịch ở mức định giá P/E ~ 8,5 lần và P/B ~ 0,95 lần, đều là mức thấp so với quá khứ và so với hiệu quả sinh lời của doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu VLB với giá mục tiêu 15.000 đ/cp (upside 19% với giá hiện tại).
Khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu VLB
CTCK Agriseco (AGR)
CTCP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hoà (Upcom: VLB) là một trong những doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá có trữ lượng lớn và vị trí đắc địa. Vừa qua, công ty đã công bố kết quả kinh doanh qúy II/2024 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Kết quả kinh doanh quý II/2024 tiếp đà tăng trưởng: Doanh thu đạt 339 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu tăng từ các dự án bất động sản dân dụng và các công trình vành đai 3, sân bay Long Thành. Biên lợi nhuận gộp đạt 28%, tăng hơn 7 điểm % so với cùng kỳ giúp lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 75%, đạt 53 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, VLB ghi nhận doanh thu đạt 629,5 tỷ đồng, tăng 27,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 104,69 tỷ đồng, tăng 58%. Với kết quả này, VLB hoàn thành 71,6% kế hoạch doanh thu và 100% kế hoạch về lợi nhuận sau thuế.
Năm 2024, VLB lên kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tối thiểu 15%. Với kết quả 6 tháng đầu năm hoàn thành kế hoạch đề ra về lợi nhuận sau thuế và tình hình tài chính lành mạnh (không phát sinh nợ vay) doanh nghiệp có dư địa để tăng chi trả cổ tức trong giai đoạn tới.
Hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng lớn từ các dự án đầu tư công trọng điểm tại khu vực miền Nam: Năm 2024 là năm tăng tốc đẩy mạnh triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng chính phủ giao, trong đó sẽ tập trung thực hiện các đại dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội, 3 cao tốc phía Nam do đó nhu cầu đá xây dựng là rất lớn.
VLB có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ nhờ sở hữu các mỏ đá với trữ lượng lớn và vị trí thuận lợi: Các mỏ đá của VLB như Mỏ Tân Cang 1, Thạnh Phú 1 và Thiện Tân 2 đều nằm tại Đồng Nai, có thời gian khai thác dài và công suất lớn (tổng khoảng 4,8 triệu m3/năm) có vị trí thuận lợi gần các khu vực trọng điểm kinh tế như TP. HCM, sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ cung cấp đá cho các dự án trọng điểm này. Ngoài ra, mỏ Tân Cang 1 của VLB được hưởng lợi nhờ hai cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ (có công suất khai thác khoảng 5 triệu m3/năm) đã đóng cửa từ cuối năm 2019 khiến nguồn cung tại phía Nam khan hiếm trong khi việc cấp phép mỏ đá mới còn nhiều khó khăn.
Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của VLB sẽ tăng trưởng tốt nhờ: (1) Việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng của Chính phủ giúp nhu cầu đá tăng cao trong năm 2024; (2) Sở hữu các mỏ đá lớn và thời gian khai thác dài sẽ đem lại doanh thu ổn định cho doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu VLB với giá mục tiêu 40.000 đ/cp (upside 15%).
Khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu DPR
CTCK Agriseco (AGR)
Doanh thu quý II/2024 của CTCP Cao su Đồng Phú (DPR – sàn HOSE) ghi nhận 233 tỷ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023) chủ yếu nhờ mảng cao su. Sản lượng tiêu thụ cao su là 1.423 tấn (tăng 27%) và giá bán bình quân 42,8 triệu đồng (tăng 25%). Lợi nhuận khác tăng gấp gần 8 lần, đạt 45 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng (tăng 121%). Lũy kế 6 tháng đầu năm, DPR đạt doanh thu 419 tỷ đồng, tăng 29%, lãi ròng 142 tỷ đồng, tăng 45%. Tại thời điểm 30/6/2024, DPR có tình hình tài chính lành mạnh, không có dư nợ vay, số dư tiền mặt chiếm đến 39% tổng tài sản.
Triển vọng kinh doanh nửa cuối năm 2024: Chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của DPR sẽ tăng trưởng nhờ (1) Mảng cao su tăng trưởng cả về giá và sản lượng. Giá bán cao su nửa cuối năm 2024 dự báo tiếp tục tăng khoảng 10-15% svck theo đà tăng giá thế giới trong bối cảnh nguồn cung cao su thiên nhiên thiếu hụt. Sản lượng tiêu thụ dự báo sẽ khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ trong ngành sản xuất ô tô, lốp xe cải thiện, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Lĩnh vực cao su chiếm hơn 70% tổng doanh thu của DPR, kỳ vọng giá bán và sản lượng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh; (2) Doanh thu thanh lý cao su dự báo tăng với diện tích cao su thanh lý khoảng 450-500 ha. Diện tích thanh lý đã đạt 366 ha trong 6 tháng đầu năm 2024, vượt cả năm 2023 là 234 ha; (3) Doanh thu chế biến gỗ dự báo tăng cao khi 6 tháng đầu năm sản lượng tiêu thụ đã bằng 92% thực hiện năm 2023, đạt gần 6.400 m3 (tăng 89%).
Tiềm năng dài hạn từ mảng KCN: DPR hiện đang quản lý 2 KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú đã lấy đầy trên 95% và có kế hoạch mở rộng 2 KCN này tổng quy mô gần 800ha. Dự án KCN Bắc Đồng Phú mở rộng đã hoàn thiện pháp lý và đang chờ chấp thuận của Chính phủ, kỳ vọng DPR sẽ ghi nhận doanh thu cho thuê KCN trong giai đoạn 2025 - 2026 nếu dự án sớm được phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2024. Dự án Nam Đồng Phú MR kỳ vọng sẽ hoàn thiện hồ sơ sau khi tăng vốn tại CTCP KCN Bắc Đồng Phú.
Nửa cuối năm 2024 kết quả kinh doanh của DPR được kỳ vọng sẽ khởi sắc chủ yếu từ mảng bán mủ cao su, thanh lý cây và chế biến gỗ cao su. DPR dự kiến duy trì chính sách trả cổ tức 15% trong năm 2024 nhờ tình hình tài chính lành mạnh. Trong dài hạn, DPR tiềm năng nhờ 2 dự án KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú mở rộng khi được triển khai sẽ đóng góp lớn vào doanh thu mảng KCN. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu cao su kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách xanh hóa và xây dựng phát triển thị trường tín chỉ Carbon. DPR hiện giao dịch ở mức P/B 1,2x lần, cao hơn bình quân 5 năm quá khứ (1x). Với triển vọng kinh doanh khả quan, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu DPR với giá mục tiêu trong một năm tới với giá mục tiêu là 47.000 đồng/CP (Upside 15% từ thị giá hiện tại).