Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DBC
CTCK MB (MBS)
Quý I/2024, CTCP Tập đoàn Dabaco (HOSE: DBC) ghi nhận tổng doanh thu đạt 3,253 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi động vật.
Quý I đánh dấu thời điểm phục hồi đầu tiên của giá lợn hơi trên thị trường trong bối cảnh nguồn cung nội địa thiếu hụt, giá thịt lợn hơi vẫn đang tiếp tục trên đà tăng. Nhờ vào tình hình kinh doanh khả quan của mảng chăn nuôi heo, biên lợi nhuận gộp đạt 11% (quý I/2023 đạt âm 4%). Tỷ trọng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên tổng doanh thu được tối ưu hiệu quả. Tổng kết, lợi nhuận ròng đạt 73 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 320 tỷ đồng trong quý I/2023.
Chúng tôi nhận thấy giá heo bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá sẽ là động lực tăng trưởng cho DBC trong năm 2024-2025. Giá heo dự báo duy trì ở mức 65.000 đồng/kg và có khả năng đạt mức 75.000 đồng/kg do nguồn cung nội địa thiếu hụt. Bên cạnh đấy, giá heo tăng cao sẽ kích thích tỷ lệ tái đàn từ các hộ chăn nuôi từ đó mảng kinh doanh heo giống cũng sẽ có sự cải thiện.
Mảng thức ăn chăn nuôi duy trì sự ổn định nhờ vào giá nguyên liệu đầu vào ổn định ở mức thấp cùng tỷ lệ tái đàn của hộ chăn nuôi gia tăng, giúp cho sản lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ tăng khoảng 5% so với năm 2023.
Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2024 DBC đạt 518 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần so với năm ngoái. Lợi nhuận ròng năm 2025 có thể tiếp tục tăng 20,6% khi giá lợn hơi cùng giá đầu vào của mảng thức ăn chăn nuôi duy trì ổn định.
Chúng tôi sử dụng kết hợp 2 phương pháp DCF (WACC: 10.5%) và EV/EBITDA (7x) để đưa ra mức giá trị hợp lý cho cổ phiếu DBC. Rủi ro giảm giá bao gồm: (1) nguồn cung heo lậu lớn trên thị trường ảnh hưởng đến chu kỳ tăng giá heo thông thường, (2) dự án nhà máy vaccine không được thương mại hóa trong năm 2024.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu POW
CTCK MB (MBS)
Trong quý I/2024, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HSX: POW) ghi nhận tổng sản lượng giảm 10%, chủ yếu do sản lượng Nhơn Trạch 1&2 giảm do thiếu khí, một phần được bù đắp bởi huy động tích cực từ Vũng Áng 1 và Cà Mau 1&2.
Giá bán điện giảm 11%, chủ yếu do giá bán điện than giảm theo đà giảm giá than, dẫn đến doanh thu giảm 16%. Lợi nhuận gộp giảm mạnh 45% do NT2 lỗ gộp 225 tỷ đồng trong quý I/2024. Doanh thu tài chính giảm 19% do lãi tiền gửi giảm, trong khi chi phí tài chính tăng 10% do lỗ tỷ giá hối đoái tăng mạnh. Theo đó, lợi nhuận ròng quý I/2024 giảm 48%, tương đương 23% dự báo của chúng tôi.
Trong 2024, chúng tôi kỳ vọng Cà Mau 1&2 và Vũng Áng 1 sẽ là động lực chính cho mức tăng trưởng sản lượng 3,5% svck của POW, bù đắp cho sự sụt giảm của Nhơn Trạch 1&2, nhờ nguồn cung khí ổn định hơn cùng với Vũng Áng 1 hoạt động hết công suất sau khi hoàn thành sửa chữa. Sản lượng thủy điện sẽ phục hồi từ quý II/2024 sau giai đoạn tích nước quý I/2024, hỗ trợ tổng sản lượng của POW tăng 13% từ nền thấp 2023. Theo đó, dự kiến doanh thu sẽ tăng 12% và lợi nhuận sau thuế tăng 10% từ mức nền thấp năm 2023.
Sang năm 2025, Nhơn Trạch 3&4 – nhà máy điện LNG mới của POW sẽ đóng góp cho tăng trưởng sản lượng 63% svck, trong khi Nhơn Trạch 1&2 dự kiến phục hồi từ mức nền thấp do nhu cầu điện phục hồi. Tuy nhiên, dự kiến hai nhà máy mới sẽ ghi nhận lỗ ròng trong hai năm đầu hoạt động, và chúng tôi kỳ vọng các khoản lãi bất thường, bao gồm việc thoái vốn của EVN Việt Lào và khoản bồi thường tại Vũng Áng 1 sẽ là động lực tăng trưởng, hỗ trợ lợi nhuận ròng đạt 1.690 tỷ đồng (tăng 42,6% so với năm trước).
Chúng tôi khuyến nghị khả quan POW với giá mục tiêu 16.800 đồng/CP (tăng 13% so với báo cáo trước) do điều chỉnh dự báo tăng trưởng EPS 2024-2025 thêm 3%/16,3%. Chúng tôi đánh giá POW sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi lớn trong xu hướng phát điện LNG nhờ danh mục dự án gối đầu giai đoạn 2025-3035, do đó, chúng tôi cho rằng POW là cơ hội đầu tư tiềm năng cho quan điểm đầu tư dài hạn.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu REE
CTCK BIDV (BSC)
Chúng tôi hạ khuyến nghị từ mua xuống nắm giữ với cổ phiếu REE của CTCP Cơ điện lạnh, giá mục tiêu năm 2025 là 70.600 đồng/CP (upside 12% so với giá đóng cửa ngày 26/06/2024, bao gồm 1,8% tỷ suất cổ tức) dựa trên phương pháp định giá từng phần SoTP.
BSC điều chỉnh tăng giá mục tiêu lên mức 70.600 đồng/CP từ mức 65.700 đồng/CP (tăng 7,5%) so với báo cáo trước chủ yếu do điều chỉnh một số giả định quan trọng sau: Định giá mảng năng lượng tăng 6%, nhờ có thêm 2 dự án điện gió (128 MW) và 1 dự án thủy điện nhỏ (30 MW); Định giá mảng nước sạch tăng 23%, chúng tôi nâng tỷ lệ nhân từ 10.0x lên 12.0x phản ánh tiềm năng tăng công suất của dự án nước sạch Sông Đà 2; Định giá mảng cơ điện lạnh tăng 32%, thay đổi hệ số nhân từ 8.0x lên 10.0x nhờ tiềm năng của dự án sân bay Long Thành và thị trường bất động sản phục hồi.
Triển vọng năm 2024: động lực đến từ nhóm năng lượng. Nhóm thủy điện cải thiện từ nửa cuối năm 2024, bứt phá trong năm 2025 và năng lượng tái tạo có thêm 3 dự án mới (158 MW).
Triển vọng năm 2025: mảng M&E và nước sạch khởi sắc. 1) mảng M&E được thúc đẩy bởi dự án sân bay Long Thành và thị trường bất động sản phục hồi và 2) mảng nước sạch đưa vào vận hành toàn bộ dự án nước sạch Sông Đà 2.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu FPT
CTCK SSI (SSI)
Chúng tôi hạ khuyến nghị xuống trung lập (từ khả quan), với giá mục tiêu theo phương pháp SOTP 12 tháng là 141.500 đồng/cổ phiếu (tương đương tiềm năng tăng giá là 7%). Kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng hai con số cả về doanh thu và lợi nhuận.
Vào ngày 23/4/2024, FPT đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện về AI (trí tuệ nhân tạo) với NVIDIA. Chúng tôi cho rằng đây là bước đầu tiên để công ty tham gia vào chuỗi giá trị AI toàn cầu, đặc biệt với nền tảng AI đã được FPT đầu tư từ trước.
Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng việc thành lập liên minh AseanConnect.One sẽ giúp cải thiện chất lượng các dịch vụ viễn thông của FPT, đặc biệt là trung tâm dữ liệu và tăng cường phạm vi tiếp cận khách hàng.