Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu SZC
CTCK Agribank (AGR)
Quý IV/2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CTCP Sonadezi Châu Đức (HSX: SZC) đạt 258 tỷ đồng (tăng trưởng 32% so với cùng kỳ) và 56 tỷ đồng (tăng 36%) chủ yếu nhờ ghi nhận cho thuê KCN Châu Đức tăng 96% yoy. Lũy kế cả năm 2023 doanh thu giảm 5% yoy, tuy nhiên, lợi nhuận ròng đã vượt 4% kế hoạch cả năm khi đạt 219 tỷ đồng (tăng 11%) nhờ biên lãi gộp cho thuê KCN cải thiện.
Kế hoạch kinh doanh 2024 khả quan nhờ doanh thu bán dự án KDC Hữu Phước và tiếp tục ghi nhận cho thuê KCN Châu Đức. Tổng doanh thu chưa thực hiện tính đến cuối 2023 đạt 328 tỷ đồng (tăng 11% so với đầu năm) và người mua trả trước 357 tỷ đồng duy trì cao kỳ vọng giúp doanh thu KCN và KĐT tăng trưởng các năm tới.
Kỳ vọng doanh số bàn giao dự án Khu dân cư Hữu Phước sẽ cải thiện trong năm 2024 nhờ SZC tiếp tục bàn giao các căn shophouse còn lại tại giai đoạn 1 (25,2ha) và mở bán giai đoạn 2 (13,5ha) khi thị trường BĐS tại Vũng Tàu có thể hồi phục.
Doanh thu cho thuê KCN chủ yếu từ các hợp đồng ký trước: Việc SZC đã ký kết hợp đồng cho thuê KCN Châu Đức với D2D 6,5ha giá thuê khoảng 79 USD/m2 sẽ đóng góp vào doanh thu cho thuê KCN Châu Đức trong năm nay. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh KCN dự báo vẫn sẽ gặp khó khăn do nhu cầu khách thuê chưa thể hồi phục mạnh. Năm tới sẽ chủ yếu là các hợp đồng ký trước với khách hàng nội bộ cùng tập đoàn trong khi lượng khách ngoài giảm.
Kế hoạch tăng vốn và câu chuyện thoái vốn 2024 - 2025: SZC dự kiến sẽ thu được gần 1.200 tỷ đồng trong quý I/2023 thông qua kế hoạch chào bán cho CĐHH vừa được chấp thuận với mục đích bổ sung vốn cho KCN Châu Đức và tái cơ cấu khoản nợ vay. Chúng tôi kỳ vọng việc tăng vốn sẽ hỗ trợ tình hình tài chính và đẩy nhanh quá trình triển khai xây dựng dự án KCN. Bên cạnh đó, kế hoạch thoái vốn của Tổng công ty Sonadezi tại SZC xuống còn 46,84% trong giai đoạn 2024 – 2025 kỳ vọng sẽ giúp SZC huy động nguồn lực tài chính để phát triển các KCN mới.
SZC có quỹ đất thương phẩm lớn gồm KCN (700ha) và KĐT (250ha) tại Vũng Tàu, 3-5 năm tới sẽ là thời điểm SZC ghi nhận doanh thu từ KCN Châu Đức và KĐT Hữu Phước nhờ (1) tiềm năng tăng giá thuê 10% yoy; (2) lợi thế giá thuê thấp hơn 30% so với bình quân khu vực. Tuy nhiên, SZC có thể đối mặt một số rủi ro (1) Cấu trúc nợ có xu hướng tăng; (2) Chi phí bồi thường, GPMB tăng ảnh hưởng biên lợi nhuận; (3) Biên lợi nhuận thấp do bán KCN và KĐT cho bên nội bộ. Do đó, Agriseco Research đánh giá trung lập cổ phiếu SZC với giá mục tiêu là 40.000 đ/cp (Upside 4% từ thị giá hiện tại).
Rủi ro điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận năm 2024 của REE
CTCK Vietcap (VCSC)
CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 với doanh thu đạt 2,1 nghìn tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo đạt 504 tỷ đồng (giảm 30%).
Lợi nhuận giảm so với cùng kỳ là do khoản lỗ ròng từ mảng cơ điện (M&E) là 76 tỷ đồng trong quý 4/2023 so với lợi nhuận ròng 39 tỷ đồng trong quý 4/2022. Điều này chủ yếu do công ty trích lập chi phí dự phòng khoảng 200 tỷ đồng trong quý 4/2023.
Ngoài ra, thu nhập từ mảng điện giảm 20% trong quý 4/2023 do nhiều nhà máy thủy điện của REE ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm trong quý trước, bao gồm CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (HOSE: VSH) – REE sở hữu 52% cổ phần, Nhà máy Thủy điện Thác Bà (HOSE: TBC) – REE sở hữu 60% cổ phần, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP) – REE sở hữu 43% cổ phần và CTCP Thủy điện Sông Ba Hạ (HOSE: SBH) – REE sở hữu 26% cổ phần, với lợi nhuận sau thuế tương ứng giảm 40%, 55%, 34% và 26% .
Năm 2023, REE ghi nhận doanh thu đạt 8,6 nghìn tỷ đồng (giảm 9%) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (giảm 19%), cùng hoàn thành 89% dự báo cả năm tương ứng của chúng tôi.
Chúng tôi cho rằng lợi nhuận giảm so với cùng kỳ là do (1) mảng M&E ghi nhận lỗ ròng 9 tỷ đồng vào năm 2023 so với lợi nhuận ròng 131 tỷ đồng vào năm 2022 và (2) lợi nhuận từ mảng điện giảm 21% do hoạt động kém hiệu quả của danh mục thủy điện của REE.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo năm 2023 của REE thấp hơn dự báo của chúng tôi do thu nhập từ mảng bất động sản và M&E thấp hơn dự kiến mặc dù lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số mảng điện hoàn thành 107% dự báo cả năm của chúng tôi.
Chúng tôi lưu ý rằng REE không ghi nhận doanh thu từ dự án bất động sản nhà ở The Light Square (tỉnh Thái Bình) so với dự báo của chúng tôi là 400 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2023.
Chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo lợi nhuận năm 2024 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết, do kết quả kinh doanh năm 2023 thấp hơn dự kiến và hướng dẫn của Bộ Công Thương (theo các doanh nghiệp trong ngành) về tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng là 98% cho thủy điện vào năm 2024 so với 90% trong các năm trước. Chúng tôi hiện dự báo doanh thu năm 2024 là 10,2 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo là 2,66 nghìn tỷ đồng.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVD
CTCK Vietcap (VCSC)
Trong năm 2024, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD – sàn HOSE) sẽ tập trung đầu tư 1-2 giàn khoan mới, vượt kỳ vọng của chúng tôi trong bối cảnh nguồn cung giàn khoan khan hiếm. Trong giai đoạn 2025-2026, ban lãnh đạo kỳ vọng các dự án dầu khí trong nước sẽ tăng trưởng mạnh, từ đó hỗ trợ lợi nhuận của PVD và các liên doanh (đặc biệt là PVD Baker Hughes – liên doanh mà PVD sở hữu 52% cổ phần). Ngoài ra, ban lãnh đạo tin tưởng rằng dự án Lô B sẽ được triển khai.
Giàn khoan mới trong kế hoạch đầu tư dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 4/2024 với thời gian hoàn vốn dự kiến là 4 năm và kỳ vọng sẽ sớm được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt kế hoạch đầu tư:
PVD dự kiến đầu tư 1-2 giàn mới so với 1 giàn như đã công bố vào năm 2023.
Ban lãnh đạo tin tưởng rằng công ty sẽ có thể mua được 1 giàn khoan tự nâng mới trong thời gian tới. Vốn đầu tư ước tính cho giàn khoan mới này là dưới 90 triệu USD (thấp hơn 25% so với ước tính của chúng tôi). Công ty dự kiến sẽ cho thuê giàn khoan này vào năm 2024 với giá thuê ngày ước tính là 120.000 USD (cao hơn khoảng 10% so với ước tính của chúng tôi). PVD kỳ vọng thời gian hoàn vốn cho giàn mới này là 3-4 năm.
PVD dự kiến thành lập liên doanh tại Việt Nam hoặc nước ngoài để đầu tư thêm 1 giàn khoan mới nữa. Thông tin chi tiết hơn vẫn chưa được công bố.
PVD có kế hoạch đầu tư thiết bị để thực hiện các dịch vụ liên quan đến giếng khoan nhằm chuẩn bị cho các công việc liên quan đến giếng khoan tiềm năng từ Lô B và thị trường nước ngoài. Khoảng 900 giếng tại dự án Lô B là nhu cầu mạnh mẽ cho các dịch vụ liên quan đến giếng khoan.
Triển vọng thị trường giàn khoan tự nâng toàn cầu tiếp tục tích cực. Theo PVD, hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục là 86% vào tháng 1/2024. Điều này là do nhu cầu khoan ngày càng tăng (chủ yếu từ các công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Đông) trong bối cảnh nguồn cung giàn khoan tiếp tục hạn chế. Thặng dư giàn khoan dự kiến trên thị trường giàn khoan tự nâng toàn cầu là khoảng 30 giàn từ tháng 4/2024 đến tháng 8/2025 (mức đáy lịch sử) sẽ tiếp tục thúc đẩy giá thuê ngày.
Chúng tôi nhận thấy tiềm năng điều chỉnh tăng đối với dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2024-2028 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết. PVD dự kiến tác động của rủi ro sụt giảm giá dầu đối với lợi nhuận của công ty là không đáng kể do hầu hết các giàn khoan của công ty đều đảm bảo hợp đồng dài hạn với giá thuê ngày gần như cố định. Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho PVD với giá mục tiêu là 31.000 đồng/cổ phiếu.