Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PVD và PVS
CTCK Agribank (AGR)
Giá dầu được dự báo neo ở mức cao trong thời gian tới nhờ: Căng thẳng địa chính trị tại Israel và Hamas; Nhu cầu tăng từ Trung Quốc nhờ kinh tế phục hồi và OPEC thống nhất duy trì cắt giảm sản lượng. Theo EIA (Cơ quan Năng lượng Mỹ) giá dầu được dự báo sẽ duy trì quanh mức 84 USD/thùng là điều kiện thúc đẩy các dự án thượng nguồn trên toàn cầu.
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) là một trong những doanh nghiệp thượng nguồn được hưởng lợi khá sớm từ dự án Lô B – Ô Môn. PVD có thể tham gia vào giai đoạn đầu của dự án với khoảng 5 giếng thẩm định và khoảng 80 giếng khai thác. Tổng chi phí khoan ước tính có thể lên đến 400 triệu USD cho giai đoạn này. Trong giai đoạn từ khi đón dòng khí đầu tiên tới hết vòng đời của dự án, sẽ có khoảng hơn 900 giếng khoan được khai thác. Kỳ vọng dự án sẽ có FID vào quý III/2024 giúp đảm bảo khối lượng công việc lớn cho PVD vào năm 2024 và năm 2025.
Quý I/2024, PVD ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 157,9 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ nhờ giá cho thuê giàn khoan Jack Up tăng. Theo S&P Global dự báo nguồn cung giàn khoan vẫn khan hiếm đến hết tháng 1/2025 sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá cho thuê giàn khoan. Sau khi thoát lỗ vào năm 2023 và đạt kết quả kinh doanh tích cực vào quý I/2024, kỳ vọng kết quả kinh doanh của PVD sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) là doanh nghiệp đầu tiên được hưởng lợi sau khi dự án Lô B – Ô Môn có quyết định đầu tư. Hiện PVS đã trúng gói thầu EPC1 (khoảng 1,1 tỷ USD) liên danh với MCDermott và EPC2 (khoảng 400 triệu USD). Kỳ vọng dự án sẽ có FID vào quý III/2024 giúp mang về cho PVS khối lượng công việc lớn trong giai đoạn 2024-2027.
Vừa qua công ty con của PVS- PTSC M&C đã trúng thầu hợp đồng Tổng thầu EPCIC cho dự án phát triển mỏ dầu Lạc Đà Vàng ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam. Theo Murphy Oil- chủ đầu tư dự án mỏ Lạc Đà Vàng dự án có quy mô đầu tư khoảng 693 triệu USD dự kiến sẽ mang lại nguồn việc lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, mảng điện gió trong nước cũng còn nhiều tiềm năng khi công suất điện gió quy hoạch được tập trung đẩy mạnh. Với vị thế là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PVS có nhiều lợi thế để trúng các gói thầu về dầu khí và điện gió ngoài khơi trong tương lai.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PVD và PVS với giá mục tiêu lần lượt là 35.000 đồng/CP và 48.000 đồng/CP.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG
CTCK Agribank (AGR)
Kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) tiếp tục được cải thiện nhờ: (1) Thị trường Bất động sản nội địa hồi phục: trong tháng 5, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Hòa Phát đạt 436 nghìn tấn, tăng 54% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm sản lượng thép xây dựng đạt hơn 1,8 triệu tấn, tăng 36,7% là tín hiệu cho thấy thị trường xây dựng trong nước đang sôi động trở lại; (2) Kênh xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn tới nhờ nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu đẩy mạnh xây dựng hạ tầng; (3) Việc đẩy mạnh xây dựng công trình giao thông trọng điểm năm 2024 sẽ là động lực giúp doanh thu của ngành thép tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.
Biên lợi nhuận gộp dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm: Tính từ đầu năm đến nay, giá than cốc và quặng sắt đã giảm khoảng 22% do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn yếu. Trong khi đó, giá thép nội địa đang duy trì xu hướng đi ngang và được dự báo sẽ tăng trong nửa cuối 2024 nhờ nhu cầu từ thị trường bất động sản giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Dự án khu Liên Hợp Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ quý 1/2025: Theo thông tin từ doanh nghiệp, dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ Q1/2025 với công suất là 2,3 triệu tấn/năm và hoàn thành toàn bộ vào tháng 9/2026. Sau khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ đóng góp khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm, là động lực tăng trưởng trong dài hạn của HPG.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG với giá mục tiêu lần lượt là 35.000 đồng/CP.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DBC
CTCK Agribank (AGR)
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, lúa mì, đậu tương đang tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024 nhờ Các nước dần khôi phục sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Thay đổi chu kỳ thời tiết sang La Nina giúp nguồn cung được cải thiện.
Tính đến cuối tháng 6, giá heo hơi trung bình trên cả nước đạt 66.000đ/kg, tăng 33% so với đầu năm chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi cuối năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng giá lợn tiếp tục neo ở mức cao trong nửa cuối năm 2024 bởi (1) Nhu cầu tăng trở lại khi ngành du lịch dịch vụ tiếp đà hồi phục trong năm 2024; (2) Nguồn cung bị thu hẹp do lo ngại về dịch bệnh.
Dabaco đã đầu tư tăng công suất với hàng loạt các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn: Dự án chăn nuôi Thanh Hóa (Công suất: 5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm); Dự án lợn giống Dabaco Phú Thọ - giai đoạn 3 (Công suất: 4.800 lợn nái, hơn 70.000 lợn thương phẩm). Tổng công suất 2 dự án tăng gần 25% so với trước đó.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DBC với giá mục tiêu lần lượt là 40.000 đồng/CP.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DCM
CTCK Agribank (AGR)
Giá ure dự kiến tăng hỗ trợ biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp: Giá phân bón dự báo sẽ hồi phục nhờ Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu và nguồn cung thu hẹp ở Indonesia trong khi đó và nhu cầu phân bón tăng cao do tính chất mùa cao điểm cuối năm. Theo Hiệp hội phân bón quốc tế, nhu cầu tiêu thụ phân bón được kỳ vọng sẽ tăng 1,4%.
Kỳ vọng biên lợi nhuận cải thiện khi áp dụng mức thuế VAT 5% cho mặt hàng phân bón: Dự thảo áp dụng mức thuế VAT 5% (thay vì không chịu thuế như hiện nay) sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Nếu dự thảo được thông qua, các doanh nghiệp phân bón nói chung và CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) nói riêng sẽ được hưởng lợi nhờ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào thay vì trích lập vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Nhà máy Đạm Cà Mau hết khấu hao từ quý IV/2023 hỗ trợ biên lợi nhuận của doanh nghiệp: Năm 2023, chi phí khấu hao nhà máy hàng năm khoảng 1.083 tỷ đồng giảm 22,5% so với năm trước nhờ nhà máy hết khấu hao từ quý IV/2023. Năm 2022, chi phí khấu hao nhà máy khoảng 1.300 tỷ đồng (khoảng 30% lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp). Chi phí khấu hao sẽ giảm đáng kể từ quý IV/2023 giúp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất từ đó cải thiện lợi nhuận kể từ năm 2024.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DCM với giá mục tiêu lần lượt là 45.000 đồng/CP.