Nếu trong những phiên giao dịch ở tuần trước, việc thiếu vắng sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu bluechip là nguyên nhân chính khiến VN-Index chưa thể tăng tốc và biên độ tăng chỉ lình xình dưới 5 điểm mỗi phiên, thì trong phiên sáng nay thị trường đã “gỡ” được vướng mắc. Nhóm cổ phiếu bluechip đồng loạt khởi sắc, đã lan rộng ra thị trường, giúp VN-Index có phiên tăng tốt nhất trong gần 3 tuần cùng thanh khoản cải thiện.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục zích zắc đi lên và đóng cửa ở vùng giá cao nhất trong ngày, xác nhận phiên tăng mạnh thứ 2 trong tháng cuối cùng của năm, chỉ thua phiên 4/12 tăng 18,33 điểm, tương ứng tăng 1,66%. Đà tăng của thị trường khá vững chắc khi số mã tăng chiếm áp đảo, gấp hơn 5 lần số mã giảm.
Đáng chú ý, dù thanh khoản có cải thiện nhưng chưa đủ để xác nhận dòng tiền sôi động đã trở lại với khối lượng giao dịch toàn sàn HOSE mới chớm vượt 15.000 tỷ đồng, nhưng diễn biến thị trường cho thấy số mã tăng đang chiếm áp đảo, gấp hơn 5 lần số mã giảm. Điều này chứng tỏ lực cung đã cạn và thị trường được kỳ vọng sẽ có thêm những phiên khởi sắc trong tuần cuối cùng của năm 2023.
Đóng cửa, sàn HOSE có 409 mã tăng và 78 mã giảm, VN-Index tăng 14,6 điểm (+1,32%), lên 1.117,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 658,5 triệu đơn vị, giá trị 15.150 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và 2363% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 22/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 107,7 triệu đơn vị, giá trị 3.120,54 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cùng trong xu hướng chung khi đóng cửa tăng gần 14,5 điểm và vượt mốc 1.110 điểm, trong đó có tới 29 mã tăng và chỉ còn duy nhất GVR điều chỉnh giảm nhẹ 0,2%. Tuy nhiên, trong số các mã khởi sắc, có tới hơn 80% số mã chỉ tăng trên dưới 1%.
Cổ phiếu MSN vẫn dẫn đầu khi đóng cửa tăng 5,4% lên vùng giá cao nhất ngày 66.400 đồng/CP, đã đóng góp lớn nhất, tới gần 1,25 điểm cho chỉ số chung. Tiếp theo đó, PLX, GAS, VHM và VRE có mức tăng 2-2,5%.
Xét về nhóm cổ phiếu, nếu trong phiên sáng nay các mã thép đua nhau khởi sắc sau những tín hiệu lạc quan của ngành thì sang phiên chiều lại hạ nhiệt dù thị trường chung tích cực hơn. Bên cạnh HPG và HSG tăng hơn 1%, cổ phiếu NKG đảo chiều giảm nhẹ 0,8%.
Trong khi đó, tâm điểm đáng chú ý của thị trường chuyển qua nhóm cổ phiếu vận tải và kho bãi, với các mã DVP tăng hơn 5%, GSP tăng 6,55%, HAH tăng 3,88%, PVT tăng 2,63%, STG tăng 6,3%, VOS tăng 6,31%, VSC tăng 2,4%..., HVN tăng kịch trần, AST tăng 2%, VJC tăng 1,5%. Trong đó, cổ phiếu GMD đã kéo trần thành công, đóng cửa lập mức giá kỷ lục mới 73.000 đồng/CP với thanh khoản đột biến lên hơn 2,43 triệu đơn vị, gấp gần 5 lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của mã này.
Thông tin “hâm nóng” nhóm cổ phiếu này có thể là vấn đề cước vận tải biển đang tăng sốc từng giờ khi những căng thẳng quân sự ở Biển Đỏ có thể làm giảm 20% năng lực vận tải toàn cầu.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh cặp đôi lớn VHM và VRE tăng khá tốt, sắc xanh cũng lan rộng toàn ngành, với nhiều mã nóng như DIG, NVL, PDR đều tăng tốt 2-3% với thanh khoản sôi động, thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường đều đạt hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn “đủng đỉnh” khi biên độ tăng vẫn khá hẹp, chủ yếu trên dưới 1%, ngoại trừ duy nhất EIB điều chỉnh giảm nhẹ 0,3%.
Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chỉ tăng nhẹ, trong đó VIX là mã thanh khoản tốt nhất ngành, đạt hơn 19,44 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng nhẹ 1,2% lên 16.900 đồng/CP; SSI và VND tăng chưa tới 1% với khối lượng giao dịch đều trên 10 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường nới nhẹ biên độ tăng trong phiên chiều nhờ diễn biến khởi sắc hơn ở nhóm cổ phiếu bluechip.
Đóng cửa, sàn HNX có 120 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 1,18 điểm (+0,52%) lên 229,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 53,57 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.044,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,45 triệu đơn vị, giá trị 243,22 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX chỉ nhúc nhắc tăng, trong đó SHS vẫn giữ mức tăng 0,5% và thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 11,25 triệu đơn vị; MBS tăng 0,4% và khớp hơn 3 triệu đơn vị, APS đứng giá tham chiếu, BVS và IVS tăng nhẹ hơn 1%, trong khi EVS đảo chiều giảm 1,2%...
Xét về vốn hóa thị trường, trong rổ HNX30 không có mã nào giao dịch dưới mốc tham chiếu, với 24 mã đóng cửa trong sắc xanh nhưng chỉ có duy nhất DXP tăng 2,4%, còn lại chỉ tăng trên dưới 1%.
Trong đó, CEO tăng 1,3% và khớp 8,82 triệu đơn vị, HUT tăng 1,5% và khớp 2,75 triệu đơn vị, PVS tăng 0,5% và khớp 2,12 triệu đơn vị, IDC tăng 0,8% và khớp 2,1 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường may mắn thoát hiểm ở phút cuối sau nhịp đảo chiều giảm do áp lực bán gia tăng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,09%) lên 86,21 điểm với 176 mã tăng và 88 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,32 triệu đơn vị, giá trị 363,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 18,16 triệu đơn vị, giá trị 206,53 tỷ đồng, trong đó riêng NAB thỏa thuận 4 triệu đơn vị, giá trị 70,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu VTP tiếp tục tỏa sáng và đóng cửa ghi nhận mức tăng 8,3% lên mức giá cao nhất trong ngày 54.800 đồng/CP, thanh khoản đứng thứ 2 thị trường với 1,83 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Cổ phiếu dầu khí BSR cũng tích cực hơn trong xu hướng chung của nhóm ngành, đóng cửa tăng 1,1% lên 18.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 3,11 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều tăng mạnh trên 1,5%, trong đó, VN30F2401 đáo hạn gần nhất vào ngày 18/1/2024 đóng cửa tăng 17,3 điểm, tương ứng +1,6% lên 1.115 điểm, khớp lệnh gần 179.540 đơn vị, khối lượng mở 57.560 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CMWG2308 thanh khoản cao nhất là 1,77 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 28,6% lên 90 đồng/cq; trong khi CHPG2324 đứng ở vị trí tiếp theo với 1,6` triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 5,3% xuống 360 đồng/cq.