Cổ phiếu chứng khoán rực sáng nhờ kỳ vọng thay đổi quy định ký quỹ

Trong phiên giao dịch cuối tuần, nhóm này dù suốt phiên sang vẫn chịu áp lực điều chỉnh chung của thị trường nhưng bước đến chiều đồng loạt bật xanh vượt trội so với thị trường. Tính trong vòng 1 tuần, VCI tăng 1,39%; SSI tăng 2,45%; VND tăng 4,33%; HCM tăng 4,78%; SHS tăng 3,7%... Nhìn chung, cổ phiếu chứng khoán đang tích cực hơn so với mặt bằng thị trường chung.

Chủ yếu được hỗ trợ bởi thông tin liên quan đến quy định Prefunding. Thị trường kỳ vọng dự thảo sớm được trình lên Bộ Tài chính thông qua, để kịp thời hạn review nâng hạng tháng 9 tới của FTSE.

Trước đó, ngày 20/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức đăng tải Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (gọi tắt là Dự thảo Thông tư).

Dự thảo thông tư sửa đổi có nhiều quy định mới nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (Pre-funding) và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo Thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo quan điểm của KBSV, khả năng để thị trường Việt Nam có thể được quyết định nâng hạng trong kì tháng 9/2024 là không cao do vướng mắc về mặt cơ chế và hệ thống cần nhiều thời gian xử lý. Tuy nhiên, với quyết tâm từ phía chính phủ, KBSV kì vọng Thị trường Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell trong năm 2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2025 – 2026. 

Đối với tình hình kinh doanh, lợi nhuận của ngành tiếp tục cải thiện trong 6 tháng đầu năm 2024 (6T2024), nhờ vào tăng trưởng lợi nhuận cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư khi có sự phục hồi giá trị thị trường cổ phiếu và tâm lý thị trường được cải thiện trong bối cảnh lãi suất thấp.

Theo thống kê của VIS Rating, lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư đã cải thiện đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2024, đặc biệt đối với các công ty chứng khoán lớn.

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của toàn ngành tăng từ 4,3% trong 2023 lên 5,1% trong 6 tháng đầu năm 2024. Tâm lý thị trường mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất thấp và tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trái phiếu phát sinh mới giảm dần đã thúc đẩy khối lượng giao dịch, định giá cổ phiếu, và khuyến khích nhà đầu tư vay ký quỹ nhiều hơn.

Lợi nhuận từ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán lớn như SSI, VPSS, HCM, MBS đã tăng 40-70% so với cùng kỳ năm trước trong khi lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tăng 25%. Các công ty chứng khoán tích cực tư vấn và phân phối trái phiếu (TCBS, ORS) ghi nhận lợi nhuận tăng đáng kể từ phân phối, tư vấn và lưu ký trái phiếu với mức tăng trung bình 160%.

Các công ty có danh mục đầu tư cổ phiếu lớn (VCI, SHS, VDS) đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trong 3T2024. Trong nửa cuối năm 2024, VIS Rating kỳ vọng lợi nhuận từ cho vay ký quỹ và đầu tư các tài sản có thu nhập cố định sẽ giúp công ty chứng khoán duy trì ROAA ở mức ổn định, mặc dù có sụt giảm giá trị thị trường cổ phiếu từ mức đỉnh quý 1 năm 2024.

Mặc dù vậy, VIS Rating đánh giá rủi ro tài sản với các công ty chứng khoán trong lĩnh vực phân phối trái phiếu vẫn ở mức cao. Ví dụ, TCBS, VPBANKS, VND đã gia tăng quy mô danh mục trái phiếu được phát hành bởi những doanh nghiệp lớn và tiếp tục cam kết môi giới mua lại trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư. VND đã ghi nhận các khoản phải thu quá hạn trong quý 2 năm 2024 từ khách hàng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà gần đây đã chậm trả gốc/lãi trái phiếu.

Các khoản cho vay ký quỹ với khách hàng lớn gia tăng. Những khoản này làm tăng rủi ro cho các công ty chứng khoán nếu buộc phải bán giải chấp tài sản đảm bảo trong giai đoạn giảm giá của thị trường chứng khoán, như đã xảy ra trong quý 4 năm 2022.

VIS Rating kỳ vọng rằng rủi ro tài sản sẽ dần ổn định trong nửa cuối năm 2024 khi trái phiếu chậm trả phát sinh mới ở mức thấp. Bên cạnh đó, các đợt tăng vốn công bố trong nửa đầu năm 2024 của nhiều công ty chứng khoán lớn và công ty chứng khoán có liên quan với ngân hàng sẽ giúp củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro.

Các công ty chứng khoán tăng cường vay ngắn hạn để tài trợ hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư, và rủi ro thanh khoản vẫn được quản lý tốt nhờ lượng tài sản thanh khoản lớn.

Với tổng giá trị tài sản thanh khoản như tiền mặt và chứng chỉ tiền gửi chiếm 30% tổng tài sản của công ty chứng khoán, rủi ro thanh khoản toàn ngành do sử dụng đòn bẩy cao hơn vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, một số công ty như KAFI, FTS, MBS, VND) - thường có 20-50% nguồn vốn vay từ khách hàng tổ chức và cá nhân - có thể phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn, bởi khi các sự kiện tiêu cực xảy ra có thể kích hoạt việc rút vốn hàng loạt từ các khách hàng và dẫn đến các vấn đề thanh khoản cho công ty chứng khoán.

Xem thêm tại vneconomy.vn