Cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán TP.HCM dậy sóng
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hoà (mã chứng khoán: VCF) chốt phiên giao dịch 26/3 tại 217.500 đồng, tăng 14.200 đồng, tức 7% so với tham chiếu. Đây là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, đưa thị giá cổ phiếu này lên vùng đỉnh một năm để củng cố vị trí đứng đầu về thị giá trên sàn TP.HCM. Thị giá của VCF hiện bỏ xa mức 147.900 đồng của cổ phiếu xếp sau là FRT.
Trước chuỗi tăng này, cổ phiếu VCF có trạng thái giao dịch tương đối ảm đạm. Tuần trước, cổ phiếu này có đến 4 phiên không ghi nhận giao dịch nào thành công và thị giá giữ nguyên ở mức 190.000 đồng.
Đà tăng mới được kích hoạt ngay sau khi Hội đồng quản trị công ty công bố tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên, trong đó có nội dung về phân phối lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, công ty cho biết hiện lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.603 tỷ đồng. Công ty dự kiến không trích quỹ khen thưởng phúc lợi mà sẽ chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 250% (tức mỗi cổ phiếu nhận 25.000 đồng). Thời gian chi trả là trong vòng 6 tháng kể từ ngày được đại hội đồng cổ đông thông qua. Với hơn 26,5 triệu cổ phiếu đang niêm yết, ước tính công ty sẽ chi 664 tỷ đồng để trả cổ tức.
Đồ thị giá và thanh khoản cổ phiếu VCF trong vòng một năm. |
Biến động mạnh về thị giá nhưng thanh khoản cổ phiếu VCF không có nhiều cải thiện. Hai phiên giao dịch gần nhất là 25/3 và 26/3 ghi nhận khối lượng sang tay lần lượt là 3.900 cổ phiếu và 900 cổ phiếu. Điều này bắt nguồn từ việc 98,79% vốn của công ty đang được sở hữu bởi Công ty TNHH MTV Masan Beverage - một thành viên của Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN). Hiện khối lượng thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ chỉ khoảng 320.000 cổ phiếu.
Đợt tăng giá 14,4% sau hai phiên giúp vốn hoá thị trường của Vinacafé Biên Hoà tăng từ 5.050 tỷ đồng lên mức 5.780 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn kém tương đối xa so với gia đoạn đầu năm 2022 khi vốn hoá thị trường của công ty vào lúc đó lên đến 7.176 tỷ đồng.
Năm nay, ban lãnh đạo Vinacafé Biên Hoà nhận định kinh tế thế giới và trong nước năm nay còn nhiều khó khăn, cộng thêm giá cà phê nhân Robusta tiếp tục tăng cao bất thường nên mục tiêu kinh doanh được đưa ra khá thận trọng. Cụ thể, kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ở mức thấp lần lượt là 2.500 tỷ đồng và 470 tỷ đồng, tương ứng tăng 147 tỷ đồng và 20 tỷ đồng so với thực tế năm ngoái. Trong kế hoạch lạc quan hơn, công ty kỳ vọng doanh thu thuần đạt 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 500 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn