Cổ phiếu công nghệ bứt phá, VN-Index tăng gần 7 điểm
Bước sang phiên 17/1, sự thận trọng tiếp tục quay trở lại và điều này khiến thị trường chung có sự phân hóa mạnh. VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu ngay từ đầu phiên nhưng mức giảm cũng không quá lớn do bên bán cũng không quá quyết liệu. Chỉ số để mất mốc 1.240 điểm và giằng co quanh mức này trong khoảng thời gian ngắn. Ngay sau đó, lực cầu bắt đáy nhập cuộc và giúp chỉ số dần hồi phục. VN-Index trong phần thời gian còn lại của phiên giao dịch sáng biến động giằng co với những nhịp tăng, giảm điểm đan xem.
Sang đến thời gian giao dịch buổi chiều, diễn biến thị trường có phần tích cực hơn khi sắc xanh dần chiếm ưu thế trên bảng điện tử. VN-Index giữ được sắc xanh tốt cho đến hết phiên giao dịch. Dù vậy, lực cầu còn yếu nên không có quá nhiều sự đột biến ở phiên hôm nay. Thị trường tiếp tục tăng trong bối cảnh thanh khoản rất thấp cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục tỏ ra nghi ngờ.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,75 điểm (0,54%) lên 1.249,11 điểm. HNX-Index tăng 1,64 điểm (0,74%) lên 222,48 điểm. UPCoM-Index tăng 0,69 điểm (0,75%) lên 93,11 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận đến 457 mã tăng, trong khi chỉ có 240 mã giảm và 850 mã đứng giá/không giao dịch. Phiên hôm nay có 41 mã tăng trần và 20 mã giảm sàn.
Sắc xanh cũng áp đảo ở nhóm VN30 khi có đến 20 mã tăng trong khi chỉ có 5 mã giảm giá. Trong đó, các cổ phiếu như TCB, FPT, HDB, CTG… đều đồng loạt tăng giá tốt và có đóng góp lớn trong việc giúp VN-Index đi lên. TCB tăng 2,3% và đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,92 điểm. FPT tăng 1,7% và đóng góp 0,87 điểm. HDB tăng mạnh trở lại 3,7% và cũng đóng góp 0,66 điểm.
Ở hướng ngược lại, SAB, VCB, MSN, GAS… là số ít các cổ phiếu lớn giảm giá ở phiên hôm nay và phần nào gây ra những trở ngại cho VN-Index. VCB giảm 0,22% và là mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi 0,29 điểm. SAB giảm 1,11% và cũng lấy đi 0,19 điểm của chỉ số này.
Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index phiên 17/1 |
Việc FPT bứt phá đã giúp hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ giao dịch tích cực. Trong đó, ELC được kéo lên mức giá trần. ICT tăng 5,8%, CMG tăng 2,9%... Giao dịch cũng diễn ra tích cực ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trong đó, CEO đóng vai trò dẫn dắt nhóm ngành này đi lên. Chốt phiên, CEO tăng 4% lên 12.600 đồng/cổ phiếu. Các mã như TCH, NHA, HDC, HDG, NTL… cũng đồng loạt tăng giá ở phiên hôm nay.
Nhóm được cho là hưởng lợi từ đầu tư công tuy không tăng giá quá mạnh nhưng có sắc xanh áp đảo. KSB tăng 1,6%, LCG tăng 1,44%, PLC tăng 1,2%...
Tiếp sau đó, các cổ phiếu khu công nghiệp gồm SNZ, DTD, SIP, SZC, VGC… đều được kéo lên trên mốc tham chiếu. SNZ tăng hơn 8%, DTD tăng 2,5%, SIP cũng tăng hơn 2%.
Nhóm cổ phiếu cảng biển – vận tải biển, dệt may… cũng đồng loạt tăng giá tốt ở phiên hôm nay.
Khối ngoại bị bán ròng phiên thứ 9 liên tiếp |
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 433 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 8.206 tỷ đồng (giảm 23% so với phiên trước), trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2.072 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt là 737 tỷ đồng và 410 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng với giá trị 559 tỷ đồng tên toàn thị trường. Trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã FPT với 141 tỷ đồng. Tiếp sau đó, ACV cũng bị bán ròng 79 tỷ đồng. STB bị bán ròng 65 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, HDB được mua ròng mạnh nhất với 30 tỷ đồng. PVD đứng sau với giá trị mua ròng là 13 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn