Cổ phiếu công nghệ ‘dậy sóng’
Ngược dòng thị trường chung, phiên 2/2, nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục duy trì sắc xanh tích cực với cổ phiếu FPT (CTCP FPT) tăng lên mức 102.000 đồng/cp, CMG (Công nghệ CMC) lên 42.000 đồng/cp, ELC (Viễn thông Elcom) lên 21.700 đồng/cp, FOX (Viễn thông FPT) đạt 61.400 đồng/cp.
Bên cạnh đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp bán buôn – bán lẻ sản phẩm công nghệ cũng giao dịch khả quan khi MWG (Thế giới Di động) tăng 2,6%, FRT (FPT Retail) và DGW (Digiworld) đều tăng 0,7%.
“Cỗ máy” FPT lại lập đỉnh mới
Trước đó, trong phiên 1/2, nhóm cổ phiếu công nghệ bất ngờ “dậy sóng’ với ELC tăng kịch trần, CMG tăng 2,51%,...
Nhóm công nghệ được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024. |
Đáng chú ý, sau giai đoạn đi ngang tích luỹ, “lá cờ đầu” FPT tăng ngoạn mục 4,39% lên mức 99.900 đồng/cp, thiết lập đỉnh lịch sử mới (tính theo giá điều chỉnh), vốn hóa thị trường tương ứng gần 127.000 tỷ đồng (~5,3 tỷ USD), tăng 50% so với thời điểm cách đây một năm.
Không chỉ vậy, cổ phiếu FPT vượt đỉnh cùng giao dịch rất sôi động. Khối lượng khớp lệnh gần 7,8 triệu đơn vị, cao nhất trong vòng 22 tháng kể từ cuối tháng 3/2022. Giá trị giao dịch tương ứng đạt gần 770 tỷ đồng, cao nhất sàn HoSE phiên 1/2. Đây là điều hiếm khi xảy ra, phần nào cho thấy sức hút lớn của cổ phiếu công nghệ hàng đầu Việt Nam dù định giá không còn rẻ.
Đà tăng của “ông lớn” đầu ngành công nghệ được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua từng năm. Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của công ty công nghệ này kể từ khi hoạt động.
Ngoài ra, cổ phiếu thuộc “họ FPT” là FOX của CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom) cũng vươn lên vùng giá cao nhất trong lịch sử niêm yết (61.300 đồng/cp). Từ đầu năm 2023 đến nay, FOX đã tăng hơn 70% giá trị.
Cũng như FPT, đà tăng của cổ phiếu FOX được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh sáng sủa. Lũy kế cả năm 2023, FPT Telecom đạt 15.806 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.380 lãi ròng, tăng lần lượt 7% và 11% so với năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận ròng cao nhất từ trước tới nay của FPT Telecom và là năm thứ 6 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận.
Trong khi đó, khoảng 2 tháng gần đây, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp bán buôn – bán lẻ sản phẩm công nghệ ghi nhận mức tăng giá khá tốt, mặc dù kết quả kinh doanh của nhóm ngành này vẫn ảm đạm trong cả năm 2023.
Chẳng hạn, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu cả năm 2023 đạt 118.280 tỷ đồng (hoàn thành 88% kế hoạch năm), giảm 11% so với năm 2022. Do giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng vẫn đang ghi nhận ở mức cao, lần lượt là 95.759 tỷ đồng và 20.917 tỷ đồng (chiếm tổng cộng 97% doanh thu), lợi nhuận sau thuế năm 2023 của doanh nghiệp này chỉ còn gần 167 tỷ đồng, trong khi lãi ròng năm 2022 gần 4.100 tỷ đồng. Đáng nói, đây là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2013 đến nay.
Thậm chí, FPT Retail còn báo lỗ trước thuế 97 tỷ đồng trong quý cuối năm 2023, nguyên nhân chính là bởi đà suy giảm doanh thu của chuỗi bán lẻ công nghệ. Lũy kế cả năm 2023, FPT Retail ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức âm hơn 290 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi gần 490 tỷ.
Kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Việc cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ điện tử tăng cao dù ngành này đối mặt với nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào nhóm ngành này khá lớn.
Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam báo tăng trưởng 12,05% trong giai đoạn 2023 - 2027, nhờ các yếu tố tích cực về dân cư, thu nhập, mức độ thâm nhập của Internet và các thiết bị thông minh. “Miếng bánh” bán lẻ được dự báo có giá trị lên tới 163,5 tỷ USD vào năm 2027, với những ngành hàng nổi bật là tiêu dùng, thiết bị điện tử, công nghệ và trang sức.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, năm 2024, thị trường điện thoại thông minh sẽ tăng trưởng dương trở lại sau 2 năm suy giảm, nhờ niềm tin và sức mua của người tiêu dùng đang phục hồi.
Về nhóm công nghệ thông tin (CNTT), SSI Research nhận định chi tiêu CNTT toàn cầu kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024.
Đồng quan điểm, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhấn mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh.
KBSV dẫn dự báo của Gartner cho thấy chi tiêu cho lĩnh vực CNTT trong năm 2024 sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8%, đạt 5,1 nghìn tỷ USD nhờ kỳ vọng đầu tư vào Cloud, bảo mật thông tin, AI và tự động hoá. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT được cho là sẽ tăng trưởng lần lượt 13,8% và 10,4%. Bên cạnh đó, chi tiêu cho lĩnh vực CNTT trong khối EU năm 2024 sẽ đạt tăng trưởng 9,3%, phục hồi từ mức thấp trong năm 2023 (5,3%).
Về dài hạn, KBSV cho rằng chi tiêu cho lĩnh vực CNTT sẽ tiếp tục tăng trưởng do sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu; thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, phụ thuộc vào các sản phẩm CNTT; Chính phủ các nước ưu tiên phát triển công nghệ để bắt kịp sự thay đổi của thế giới.
KBSV kỳ vọng vào tăng trưởng của thị trường Châu Á – Thái Bình Dương trong năm tới và cho rằng thị trường Mỹ và EU sẽ phục hồi về nhu cầu chi tiêu cho lĩnh vực CNTT.
KBSV cũng cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam là lớn nhờ dư địa nhiều cho phát triển. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng.
“Với những triển vọng vững chắc về nhu cầu, nhóm CNTT vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số. Nhà đầu tư có thể cân nhắc cổ phiếu FPT, bởi đây là doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số và đang đầu tư mạnh mẽ vào Trung tâm dữ liệu”, KBSV dự báo.
KBSV cũng nhấn mạnh, tuỳ theo khẩu vị đầu tư, mỗi nhịp điều chỉnh sâu của cổ phiếu sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư tích luỹ với tầm nhìn đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro cần chú ý khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu CNTT sẽ bao gồm tăng trưởng không như kỳ vọng do ảnh hưởng diễn biến của bối cảnh vĩ mô hoặc các dự án đầu tư bị chậm tiến độ.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn