Cổ phiếu của 2 ‘ông lớn’ hàng không ‘đỏ’ bất chấp doanh nghiệp báo lãi kỷ lục

Chốt phiên, cổ phiếu HVN dừng ở mức 27.450 đồng/cp, còn cổ phiếu VJC giảm về 97.700 đồng/cp.

Đáng chú ý, diễn biến của hai cổ phiếu này đều gây bất ngờ vì phản ứng kém tích cực đối với kết quả kinh doanh vừa công bố.

-5375-1738743321.jpg

Thoát chuỗi lỗ 4 năm liên tiếp, Vietnam Airlines báo lãi cao nhất lịch sử.

Với Vietnam Airlines, theo báo cáo tài chính tổng hợp quý IV/2024 ghi nhận doanh thu đạt 26.625 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm giúp doanh nghiệp này lãi gộp 4.377 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp hơn 189 tỷ đồng.

Trong kỳ, các chi phí của doanh nghiệp này đều tăng cao, đặc biệt là chi phí tài chính tăng 147% lên 1.851 tỷ đồng do chịu lỗ tỷ giá 650 tỷ đồng. Tuy nhiên, hãng bay lại được hoàn nhập 528 tỷ đồng các khoản phạt về chậm trả thuế, vi phạm hợp đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 53% và 26%, ở mức 1.522 tỷ đồng và 725 tỷ đồng.

Khấu trừ các loại chi phí, Vietnam Airlines báo lãi sau thuế đạt 1.003 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, Vietnam Airlines có lãi trên dưới nghìn tỷ.

Lũy kế năm 2024, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu 105.786 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023. Lãi sau thuế đạt mức 7.267 tỷ đồng, tăng ngoạn mục so với mức lỗ ròng hơn 5.600 tỷ đồng trong năm 2023.

Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong một năm mà Vietnam Airlines từng ghi nhận, thậm chí vượt xa cả giai đoạn trước dịch Covid-19 (trung bình Vietnam Airlines lãi khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng/năm).

Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2024, Vietnam Airlines vẫn đang lỗ lũy kế 34.307 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu âm 10.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt mức 58.064 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính tổng hợp quý IV/2024, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.796 tỷ đồng, tăng 35% so với quý IV/2023.

Trong đó, doanh thu từ vận chuyển hành khách chiếm 6.855 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động phụ trợ chiếm 6.598 tỷ đồng, doanh thu về việc thu xếp, chuyển nhượng quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ chiếm 4.488 tỷ đồng.

Do giá vốn hàng hóa ở mức tăng cao hơn nên Vietjet chỉ thu về 1.010 tỷ đồng lợi nhuận gộp, dù vậy, kết quả này đã cải thiện ngoạn mục so với mức lỗ gộp gần 500 tỷ đồng cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của Vietjet giảm mạnh 68% còn 690 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 39,5% còn 560 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 29,5% lên 644 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 2% còn 507 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí, hãng bay này báo lãi hơn 21 tỷ đồng trong quý IV/2024, tăng 8,3% so với quý IV/2023.

Lũy kế cả năm 2024, Vietjet ghi nhận 71.858 tỷ đồng doanh thu, tăng 23%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.426 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với thực hiện năm 2023.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Vietjet ở mức 99.523 tỷ đồng, tăng 12.600 tỷ đồng, tương đương 14% so với đầu năm.

Tổng số nợ phải trả của Vietjet là 82.593 tỷ đồng, tăng 15% so với số đầu năm, chủ yếu là nợ dài hạn với 48.740 tỷ đồng. Nợ vay tài chính là 43.613 tỷ đồng, trong đó có 25.000 tỷ trái phiếu thường.

Vốn chủ sở hữu của Vietjet thời điểm cuối năm 2024 đạt 16.930 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 10.675 tỷ đồng.

Châu Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn