Cổ phiếu của ‘gã khổng lồ’ ngành logistics lại lên đỉnh

Với mức giá này, cổ phiếu VTP một lần nữa xác lập đỉnh lịch sử trong thời gian ngắn, vượt qua mức đỉnh cũ 113.400 đồng/cp phiên 12/11. Đây là phiên tăng trần lần thứ 3 trong 7 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu này.

Tính từ đầu tháng 10 đến nay, thị giá VTP đã tăng hơn 55%, vốn hóa thị trường theo đó tăng lên gần 15.000 tỷ đồng.

-2429-1731659969.jpg

Cổ phiếu VTP lập đỉnh mới ở mức 122.500 đồng/cp.

“Cú nhấn ga” của cổ phiếu VTP bắt đầu diễn ra trong tuần qua. Trong vòng 1 tuần, tương ứng 5 phiên giao dịch, cổ phiếu VTP đã tăng mạnh hơn 22% với thanh khoản khớp lệnh cải thiện đáng kể. Thông tin hỗ trợ cổ phiếu này được cho là sau thông tin Viettel Post công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua chủ trương đầu tư dự án Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn. Động thái nhằm kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ kho, vận tải hàng hóa nội địa và thương mại điện tử quốc tế.

Công ty sẽ chủ trương ký hợp đồng thuê công trình, hạ tầng tại Khu trung chuyển thuộc khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn); đồng thời thành lập chi nhánh Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn tại huyện Cao Lộc.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn là khu kinh tế tổng hợp, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế; là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Đây là một trong những trung tâm về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo công bố sơ bộ từ Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT), trong quý 3/2024, Viettel Post đã ghi nhận 2,6 nghìn tỷ đồng doanh thu dịch vụ và lợi nhuận trước thuế đạt 133 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty sẽ đưa Công viên logistics tại Lạng Sơn đi vào họat động vào đầu tháng 12/2024 và thúc đẩy phát triển logistics thương mại điện tử xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh. Trong ĐHCĐ năm 2024, công ty đã công bố sẽ dựa trên hoạt động kinh doanh hiện tại để đầu tư thêm vào mảng logistics và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối, giúp hoàn thiện mạng lưới logistics của Việt Nam và giảm chi phí logistics của Việt Nam.

Hiện tại, công ty đang tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào 3 phân khúc chính: dịch vụ logistics B2B cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong nước, dịch vụ giao hàng B2C cho thương mại điện tử xuyên biên giới và dịch vụ logistics biên giới thông minh B2B…

Chứng khoán DSC cho rằng, trong giai đoạn cuối năm 2024 và trung, dài hạn, thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng bình quân 2 chữ số (theo STAR) sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy kết quả kinh doanh của Viettel Post.

Đồng quan điểm về tiềm năng trong trung, dài hạn, Chứng khoán SSI đánh giá việc Viettel Post đưa công viên logistics tại Lạng Sơn đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển logistics thương mại điện tử xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh.

Tuy nhiên, ở mức giá hiện tại, cổ phiếu VTP đang giao dịch ở mức P/E 2024F và 2025F lần lượt là 30 và 25 lần, cao hơn nhiều so với mức trung bình 20 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực.

Theo giới phân tích, mức định giá này rõ ràng là khá cao dựa trên hoạt động kinh doanh hiện tại và có thể phản ánh tiềm năng của các mảng dịch vụ mới trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn cần cẩn trọng lưu ý khi giao dịch VTP ở vùng giá quá cao so với định giá của các chuyên gia.

Châu Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn