Cổ phiếu của một DN Nhà nước sở hữu nhiều mỏ khoáng sản tăng kịch trần 10%, ước tính năm 2024 lãi đột biến gần 1.300 tỷ
Trong phiên giao dịch ngày 9/12, cổ phiếu KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Vimico) đã nhanh chóng tăng hết biên độ lên mức giá trần và trắng bên bán. Cụ thể, giá cổ phiếu KSV đã tăng 5.300 đồng/cp (tương ứng tăng 10%) lên mức 58.300 đồng/cp.
Trước đó, cổ phiếu KSV cũng đã tăng trần trong phiên giao dịch ngày 4/12 và tăng 5,47% trong phiên giao dịch ngày 5/12. Trong 4 ngày giao dịch, cổ phiếu KSV đã tăng 25%.
KSV là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Trong buổi làm việc với Tổng giám đốc Tập đoàn Vũ Anh Tuấn, lãnh đạo Tổng công ty khoáng sản -TKV cho biết, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty 11 tháng đạt 11.968 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt 13.327 tỷ đồng. Lợi nhuận 1.117 tỷ đồng, cả năm đạt 1.296 tỷ đồng.
Nộp ngân sách 1.205 tỷ đồng, cả năm đạt 1.595 tỷ đồng. Thu nhập bình quân 16,1 triệu đồng/người/tháng và cả năm đạt 16,34 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, ước tính lợi nhuận năm 2024 của KSV tăng gấp nhiều lần so với năm 2023 với LNTT 234 tỷ và LNST 160 tỷ.
Theo báo cáo tài chính quý 3 của KSV, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của Tổng công ty đạt 9.615 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế đạt 788 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ.
Vimico tiền thân là Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, được thành lập vào năm 2005. Doanh nghiệp này là công ty con của Vinacomin. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, như đất hiếm, vàng bạc, kẽm đồng, nhôm... Công ty hiện dẫn đầu cả nước về khai thác và chế biến đồng, với thế mạnh là sở hữu quyền khai thác tại mỏ đồng lớn nhất Việt Nam - mỏ Sin Quyền.
Ngoài ra, Vimico còn đang quản lý và khai thác mỏ Đông Pao - mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước. Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133 ha, thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước. Các nguồn đất hiếm còn lại được phân bố chủ yếu ở Nậm Xe (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Bái.
Xem thêm tại cafef.vn