Cổ phiếu của Novaland, Đức Long Gia Lai và Rạng Đông Holding đều bị đưa vào diện cảnh báo từ 23/9

Cụ thể, cổ phiếu NVL của Novaland bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 23/9. HoSE cho biết, Novaland chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 15 ngày so với thời hạn quy định

Trước đó, ngày 10/9, HoSE thông báo, Novaland chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá hạn 5 ngày, cổ phiếu NVL bị đưa vào diện chứng khoán không đủ điều kiện ký quỹ.

-8078-1726560192.png

Cổ phiếu NVL, DLG, RDP bi đưa vào diện cảnh báo từ 23/9.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 tự lập, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất Novaland đạt hơn 2.248 tỷ đồng, tăng trưởng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 344,64 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.094 tỷ đồng.

Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 32.587 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.079 tỷ đồng, lần lượt tăng 585% và 122% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, 6 tháng đầu năm, Novaland mới chỉ hoàn thành 6,9% kế hoạch doanh thu và 31,94% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Novaland đạt 240.178 tỷ đồng, giảm 1.300 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 59% là hàng tồn kho ở mức 142.025 tỷ đồng. Đây phần lớn là số tiền tồn đọng trong các dự án xây dựng dở dang của doanh nghiệp.

Vốn chủ sở hữu của Novaland đạt mức 45.647 tỷ đồng, trong đó có hơn 13.868 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Đáng chú ý vẫn là khoản nợ phải trả lên tới 194.531 tỷ đồng, chiếm tới 81% tổng nguồn vốn.

Ngoài trường hợp của NVL, HoSE cũng đưa cổ phiếu DLG vào diện cảnh báo kể từ ngày 23/9/2024. Lý do được HoSE đưa ra là doanh nghiệp đã chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Đồng thời, doanh nghiệp thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17 ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, cổ phiếu DLG đang bị theo dõi ở diện kiểm soát theo Quyết định số 161 và 162 của Tổng Giám đốc HoSE. Lý do là bởi lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm gần nhất (2022 - 2023) của doanh nghiệp là số âm. Và tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (2022 - 2023) của Đức Long Gia Lai.

Với Rạng Đông Holding, HoSE cũng có văn bản nhắc nhở về việc chưa công bố báo cáo tài chính riêng và soát xét bán niên 2024.

“Sức khỏe” của doanh nghiệp đang sa sút khi vẫn chìm trong thua lỗ. Cụ thể, Rạng Đông Holding ghi nhận doanh thu sụt giảm gần 9% còn 2.594 tỷ đồng với khoản lỗ sau thuế lên tới 147 tỷ đồng trong năm 2023.

Đến nửa đầu năm 2024, Rạng Đông Holding lỗ hơn 65 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 266 tỷ đồng; doanh thu giảm 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 752,7 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2024, Rạng Đông Holding có vốn chủ sở hữu 279,3 tỷ đồng, giảm 18,7% so với đầu năm; nợ phải trả 1.716 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính 1.323 tỷ đồng.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn