Cổ phiếu của ‘ông lớn’ ngành chứng khoán trở thành tâm điểm bán ròng của khối ngoại

Chốt phiên, cổ phiếu SSI giảm về mức 31.900 đồng/cp, đánh dấu chuỗi giảm điểm phiên thứ 4 liên tiếp. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 16,4 triệu đơn vị - đứng thứ 2 trong Top 10 thanh khoản toàn thị trường.

-7855-1721898546.jpg

Phiên 25/7, cổ phiếu SSI giảm về mức 31.900 đồng/cp, đánh dấu chuỗi giảm điểm phiên thứ 4 liên tiếp.

Chứng khoán SSI là nhà môi giới chứng khoán lâu đời nhất thị trường Việt Nam. Là “ông lớn” trong ngành nhưng dường như “phong độ” của SSI đang có dấu hiệu giảm sút.

Mới đây, SSI báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 với những con số ấn tượng khi ghi nhận khoản lãi trước thuế riêng lẻ 1.041 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Chứng khoán SSI báo lãi ròng riêng công ty mẹ đạt 835 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận ròng cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của nhà môi giới chứng khoán này, chỉ thấp hơn mức lãi kỷ lục gần 1.000 tỷ đồng ghi nhận được trong quý IV/2021. Dù vậy, mức lợi nhuận này vẫn “ngậm ngùi” đứng sau Chứng khoán Kỹ thương (TCBS)

Không chỉ vượt SSI về lợi nhuận mà ngay cả dư nợ margin của TCBS cũng đứng trước “ông lớn” ngành chứng khoán.

Cụ thể, dư nợ cho vay margin của Chứng khoán SSI đạt 19.600 tỷ đồng, tăng 16% so với quý liền trước và tăng 33,5% so với thời điểm cuối năm 2023 nhờ vào những biến động tích cực của thị trường. Đây là mức margin lớn nhất của hãng chứng khoán này kể từ đầu năm 2022.

Trong khi đó, tính đến cuối quý II/2024, dư nợ cho vay của TCBS lên đến 24.694 tỷ đồng, đứng vị trí thứ nhất trong nhóm chứng khoán.

Về vốn điều lệ, Chứng khoán SSI cũng để VNDirect “vượt mặt” và vươn lên trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường với vốn điều lệ gần 15.223 tỷ đồng, trong khi Chứng khoán SSI là 15.011 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, trong mảng môi giới thị phần, Chứng khoán SSI cũng liên tục để Chứng khoán VPS “xưng vương” trong vài năm gần đây, ngậm ngùi đứng ở vị trí số 2.

Châu Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn