Cổ phiếu cuối năm Giáp Thìn: Nửa tưng bừng vào xuân, nửa ăn Tết kém vui
Khép lại tuần giao dịch cuối cùng của năm Giáp Thìn, VN-Index đóng cửa ở mức 1.265,05 điểm, tăng 1,3% so với cuối tuần trước. Do tâm lý nghỉ lễ của nhà đầu tư, thanh khoản toàn thị trường vẫn ở trong trạng thái yếu ớt. Dù vậy, sự trở lại của khối ngoại đã thắp lên kỳ vọng mới về sự “lột xác” của thị trường chứng khoán năm Ất Tỵ.
Trong bức tranh chung có phần khởi sắc, một số cổ phiếu gây ấn tượng với đà tăng mạnh mẽ và thanh khoản vượt trội. Đáng chú ý, “quán quân” của ba sàn HoSE, HNX và UPCoM là TRC, BKC và BOT đang tạo ra cách biệt khá lớn với những cái tên còn lại trong bảng xếp hạng cổ phiếu tăng mạnh.
HoSE: Cổ phiếu cao su “nổi sóng”, LPB lập đỉnh mới
Trên sàn HoSE, cổ phiếu TRC của Công ty CP Cao su Tây Ninh dẫn đầu đà tăng khi có thêm 19,97 điểm %. Theo đó, mã này đạt 70.300 đồng/cp, đưa vốn hoá thị trường của Cao su Tây Ninh lên mức 2.057 tỷ đồng.
Cũng cần nói thêm, đây đã là tuần thứ hai liên tiếp cổ phiếu TRC lọt vào danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE. So với tuần trước, khi dừng chân ở vị trí thứ 6 với mức tăng 11,62%, mã này đã có sự bứt phá đáng kể cả về thị giá và thanh khoản. Tuần qua, khối lượng giao dịch trung bình của cổ phiếu TRC đạt 367.460 đơn vị/ngày, cao gấp rưỡi tuần trước và gấp 9 lần mức trung bình năm 2024.
Diễn biến tích cực này được ghi nhận ngay sau khi Cao su Tây Ninh công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với doanh thu đạt 753 tỷ đồng, tăng 24% và lợi nhuận sau thuế đạt 221 tỷ đồng, tăng 228%. Tuy nhiên, dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ báo Stochastic Oscillator đã phát tín hiệu bán trong vùng quá mua, cảnh báo rủi ro điều chỉnh sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE cũng thuộc về một cổ phiếu cao su. Đó là TNC của Công ty CP Cao su Thống nhất. Tuần qua, mã này tăng 13,67%, đạt 34.500 đồng/cp. Vốn hoá của Cao su Thống nhất tương ứng đạt 664 tỷ đồng.
Tương tự TRC, cổ phiếu TNC bắt đầu bật tăng mạnh mẽ sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tươi sáng. Quý IV/2024, doanh nghiệp mang về gần 52 tỷ đồng doanh thu và 13 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 43% và 155% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, khác với TRC, cổ phiếu TNC lại không mấy thu hút dòng tiền khi thanh khoản chỉ lẹt đẹt ở mức vài trăm đến vài nghìn đơn vị mỗi phiên.
Những cái tên còn lại trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE lần lượt là STG (+13,14%), TDC (+12,84%), LAF (+12,81%), PMG (+12,8%), LPB (+12,38%), DMC (+11,56%), VAF (+11,28%) và THG (+11,22%).
Trong đó, dù ở vị trí không cao nhưng cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) lại là tâm điểm của sự chú ý khi thiết lập mức đỉnh mới. Kết thúc năm Giáp Thìn, mã này đóng cửa ở mức 35.850 đồng/cp. Vốn hoá thị trường của LPBank theo đó cũng lên cao kỷ lục, đạt 107.094 tỷ đồng.
LPB cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất tuần qua với gần 367 tỷ đồng. Trước đó, đúng như dự báo của hầu hết công ty chứng khoán, mã này đã thế chân POW trong rổ VN30 trong kỳ tái cơ cấu danh mục của HoSE. Với việc gia nhập rổ chỉ số này, cổ phiếu LPB được kỳ vọng sẽ hút một lượng lớn tiền từ các quỹ ETF.
Cách đây không lâu, LPBank đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với lãi trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2023 và vượt 16% kế hoạch cả năm. Không chỉ xác lập kỷ lục lợi nhuận, nhà băng này cũng đã chính thức bước chân vào nhóm các doanh nghiệp có lãi vạn tỷ trên thị trường chứng khoán.
Ở chiều ngược lại, danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE tuần qua lần lượt gọi tên: SMC (-17,54%), PSH (-12,34%), GSP (-12,25%), PTL (-11,55%), TCO (-9,24%), NO1 (-9,21%), HPX (-8,67%), VFG (-8,42%), KHP (-8,39%).
Trong đó, cổ phiếu SMC của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC chứng kiến diễn biến tiêu cực nhất khi chịu áp lực bán mạnh dẫn đến mất giá. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 23/1, mã này nằm sàn với khối lượng giao dịch lên tới 2,8 triệu đơn vị khi liên tục bị bán tháo và mất giá. Đặc biệt, khối lượng giao dịch lên tới hàng triệu đơn vị trong hai phiên giao dịch cuối tuần.
Không chỉ giá cổ phiếu, tình hình kinh doanh của SMC cũng không mấy khả quan khi nhà thương mại thép này báo lỗ sau thuế gần 286 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba thua lỗ liên tiếp. Doanh nghiệp không thể thoát khỏi khủng hoảng, cổ phiếu SMC hiện đang phải đối mặt với án huỷ niêm yết bắt buộc.
Ngoài các mã penny có tính đầu cơ cao, thường xuyên “ra vào” nhóm biến động mạnh như PSH, PTL, NO1, HPX.... danh sách cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE tuần này còn có sự xuất hiện của cổ phiếu CTI và KHP. Tuần trước, cả hai mã này đều góp mặt trong nhóm tăng mạnh. Thậm chí, cổ phiếu CTI của Công ty CP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO còn hút một lượng lớn dòng tiền và “phá đỉnh” năm 2023.
Theo quan sát, nhà đầu tư bắt đầu “quay xe” một cách mạnh mẽ vào phiên giao dịch 24/1/2024, một ngày sau khi Cường Thuận IDICO công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với khoản lãi sau thuế giảm 82,5%. Bị bán tháo, mã này đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm Giáp Thìn trong sắc xanh lơ.
HNX: BKC “lấy lại phong độ”, HGM “sa chân”
Trên sàn HNX, quán quân tăng trưởng gọi tên cổ phiếu BKC của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn với mức tăng 45,14%. Tuần vừa qua, mã này tím trần 4/5 phiên giao dịch với thanh khoản được cải thiện đáng kể, có phiên khớp lệnh hơn 111.000 cổ phiếu.
Như vậy, sau cú “sảy chân” và rơi xuống nhóm giảm mạnh vào tuần trước, cổ phiếu BKC đã nhanh chóng “lấy lại phong độ”. Kết thúc năm Giáp Thìn, mã này đóng cửa ở mức 20.900 đồng/cp. Vốn hoá của Khoáng sản Bắc Kạn theo đó đạt 245 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2010.
Theo sau BKC là cổ phiếu SVN của Công ty CP Tập đoàn Vexillia Việt Nam. Tuần qua, mã này ghi nhận mức tăng 30,77%, mở ra cách biệt khá lớn so với mã xếp sau là cổ phiếu VTV của Công ty CP Năng lượng và Môi trường VICEM (tăng 20,51%). Tuần trước, bộ đôi này cũng góp mặt trong danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh, lần lượt xếp ở vị trí thứ 4 và 10
Không chỉ dẫn đầu về mức tăng giá, ba cổ phiếu nói trên còn nổi bật ở khối lượng giao dịch, khi mỗi mã đều có phiên khớp lệnh vài trăm nghìn đơn vị.
Trong khi đó, các cổ phiếu còn lại trong danh sách tăng mạnh đều có mức tăng khiêm tốn dưới 20%, cụ thể: SED (+18,06%), SGC (+16,5%), HMH (+16,18%), NET (+18,05%), TPP (+10,68%), CDN (+10,14%) và VE8 (+10%). Khác với top 3, cả bảy mã này đều có giao dịch khá thưa thớt.
Ở chiều ngược lại, danh sách cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HNX lần lượt ghi nhận sự góp mặt của PCG (-17,85%), THB (-17,39%), VC7 (-16,24%), L14 (-13,47%), ATS (-12,86%), L40 (-11,37%), CET (-10,64%), HGM (-10,05%), TET (-10%), CLM (-9,94%).
Trong đó, cổ phiếu L40 của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 40 và cổ phiếu ATS của Công ty CP Tập đoàn ATS từng góp mặt trong danh sách tăng mạnh nhất tuần trước. Nếu như sự tụt dốc của cổ phiếu ATS có thể được lý giải bởi kết quả kinh doanh sa sút của doanh nghiệp (lợi nhuận sau thuế giảm 14%) thì cổ phiếu L40 lại gây bất ngờ khi Đầu tư và Xây dựng 40 vẫm đang tăng trưởng khả quan (lợi nhuận sau thuế tăng 42,5 lần so với năm 2023).
Tương tự, cổ phiếu HGM của Công ty CP Khoáng sản Hà Giang cũng gây ngạc nhiên. Bất chấp việc doanh nghiệp báo lãi 185 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ, mã này vẫn mất tới hơn 10% thị giá trong tuần qua.
UPCoM: BOT, TOS nhân đôi niềm vui, CCA kết năm không trọn vẹn
Tím trần cả 5 phiên giao dịch, cổ phiếu BOT của Công ty CP BOT Cầu Thái Hà dễ dàng chiếm “ngôi vương” tăng trưởng trên sàn UPCoM cũng như toàn thị trường chứng khoán. Tuần vừa qua, mã này tăng 88% với thanh khoản trung bình lên tới gần 3 triệu đơn vị/phiên.
Đà tăng “bốc đầu” của cổ phiếu BOT diễn ra sau khi doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 đầy ấn tượng. Kỳ kinh doanh cuối cùng của năm, BOT Cầu Thái Hà báo lãi kỷ lục 302 tỷ đồng, kết thúc chuỗi 11 quý thua lỗ liên tiếp (từ quý I/2022). Với kết quả này, doanh nghiệp báo lãi cả năm 248 tỷ đồng, cải thiện hoàn toàn so với khoản lỗ 83 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.
Ở vị trí thứ hai, cổ phiếu TOS của Công ty CP Dịch vụ biển Tân Cảng khép lại năm Giáp Thìn với thành tích ấn tượng. Với mức giá kỷ lục 112.600 đồng/cp, vốn hoá thị trường của doanh nghiệp này đã lên tới xấp xỉ 3.491 tỷ đồng. Cũng trong ngày cuối năm, Dịch vụ biển Tân Cảng báo lãi sau thuế cả năm 2024 xấp xỉ 489 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần năm trước, qua đó kết thúc năm Rồng tràn đầy niềm vui.
Theo sau TOS lần lượt là VHD (+37,14%), YBC (+36,21%), KVC (+35,71%), NTT (+31,91%), LSG (+28%), UXC (+27,66%), RTB (+26,76%), SII (+26,23%).
Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn UPCoM là CCA (-30,93%), PLO (-29,79%), TLI (-26,87%), DVC (-24%), VLW (-18,28%), PTO (-17,67%), DCT (-16,67%), PXM (-16,67%), ICI (-16,47%), VLG (-15,79%).
Trái ngược với sự bứt phá của BOT và TOS, cổ phiếu CCA lại là yếu tố khiến Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cần Thơ (Caseamex) không thể kết thúc năm Giáp Thìn một cách trọn vẹn. Là mã giảm mạnh nhất sàn UPCoM, mã này đã mất 30,93% thị giá trong tuần qua.
Kết quả này đi ngược với tình hình kinh doanh khởi sắc của Caseamex. Năm vừa qua, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 10 tỷ, cao gấp 2,7 lần cùng kỳ, cho thấy khả năng trở lại “đường đua” lợi nhuận sau cơn bão suy thoái.
Một cái tên đáng chú ý khác là cổ phiếu PLO của Công ty CP Kho vận Petec. Đây là tuần thứ hai liên tiếp mã này góp mặt trong danh sách mất giá.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn