Cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM) vượt đỉnh lịch sử, thanh khoản đạt kỷ lục
Kết phiên 8/7, cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) tăng trần lên 40.100 đồng/cp - vượt đỉnh lịch sử.
Thanh khoản của mã cũng ghi nhận kỷ lục trong phiên này với ghi nhận hơn 17 triệu đơn vị - gấp 4 lần so với khối lượng giao dịch trung bình 10 ngày.
Cổ phiếu DCM vượt đỉnh và thanh khoản đạt kỷ lục trong phiên 8/7 |
Cổ phiếu này tăng mạnh trong bối cảnh giá ure lên cao trong thời gian gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cụ thể, giá ure Trung Đông đã tăng 22% kể từ tháng 5/2024 do vấn đề nguồn cung khí tự nhiên trầm trọng hơn đáng kể khi hạn hán kéo dài bởi El Nino (hiện tượng khí hậu nóng lên dị thường ở Thái Bình Dương) làm đình trệ hoạt động khai thác và sản xuất tại EU và các khu vực Trung Đông.
Cùng với đó, việc nhu cầu tiêu thụ ure hồi phục trước các vụ gieo hạt hè-thu sắp tới và Trung Quốc và Nga tiếp tục gia hạn lệnh ngừng xuất khẩu/hạn ngạch xuất khẩu phân bón làm ure thêm khan hiếm khiến giá tăng mạnh trở lại.
Mặt khác, theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Thế giới, công suất thiết kế của ngành ure sẽ chưa thể gia tăng trong giai đoạn 2025 - 2027 do việc đầu tư dây chuyền tốn ít nhất hai năm để đưa vào vận hành và hiện tại chưa có báo cáo về các dự án xây mới.
Cán cân cung cầu thị trường ure được dự báo trong giai đoạn 2024-2028 (nguồn: DSC) |
Trên quan điểm đó, công suất thiết kế dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, càng trầm trọng hơn vấn đề suy giảm nguồn cung khi cộng hưởng với vấn đề thiếu nguồn cung khí tự nhiên (nguyên liệu đầu vào cho khoảng 70% sản lượng ure thế giới) dự báo trầm trọng hơn từ cuối năm 2024 do thiếu các dự án đầu tư mở rộng mới.
Mặc dù không thể quay lại mức giá cao năm 2022, Chứng khoán DSC nhận định giá ure vẫn còn có dư địa tăng khoảng 20% so với hiện tại cho đến hết năm 2025. Qua đó, DSC đánh giá Đạm Cà Mau (DCM) sẽ hưởng lợi lớn từ việc giá ure tăng mạnh trong thời gian tới.
Được biết, DCM là một trong hai doanh nghiệp sản xuất ure hàng đầu, chiếm thị phần tới 60% tại Đồng bằng sông Cửu Long. So với Đạm Phú Mỹ (DPM), DCM có ưu thế hơn về tỷ trọng và thị trường xuất khẩu, phân bố tại thị trường Đông Nam Á, Mỹ Latinh.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn