Cổ phiếu đáng chú ý ngày 19/8: VCB, PHR, CTD

Chứng khoán MB (MBS): Khuyến nghị khả quan VCB

MBS khuyến nghị khả quan cổ phiếu Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), giá mục tiêu 110.500 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

(1) VCB là 1 trong các ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam.

(2) Chất lượng tài sản ổn định và vững chắc trong nhiều năm.

(3) Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng lần lượt đạt mức 12%/13% svck trong các năm 2024/2025, đóng góp cho sự tăng trưởng lợi nhuận.

(4) NIM sẽ tăng 11 điểm cơ bản svck và đạt mức 3,2% trong năm 2025 do chênh lệch lãi suất ròng cao hơn nhờ chuyển chi phí lãi vay sang khách hàng trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng.

VCB hiện đang giao dịch ở mức P/B năm 2024 là 2,4 lần, thấp hơn 25% so với mức trung bình 3 năm của P/B là 3,2 lần. MBS tin rằng VCB vẫn là một lựa chọn an toàn với dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng 15% vào năm 2025 và chất lượng tài sản hàng đầu cùng với bộ đệm dự phòng dẫn đầu trong ngành ngân hàng.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 19/8: VCB, PHR, CTD
MBS phân tích chỉ tiêu tài chính VCB

Chứng khoán FPT (FPTS): Khuyến nghị mua PHR

FPTS khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), giá mục tiêu 64.300 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

Năm 2024, FPTS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PHR lần lượt đạt 1.622 tỷ đồng (+20% svck) và 396 tỷ đồng (-36%svck) dựa trên kỳ vọng:

(1) Mảng cao su tích cực với doanh thu dự kiến đạt 1.316 tỷ đồng (+22% svck), lợi nhuận gộp đạt 193 tỷ đồng (+21% svck). Nhóm phân tích dự báo sản lượng tiêu thụ đạt 33.000 tấn (+8% svck) và giá bán bình quân đạt khoảng 40 triệu đồng/tấn (+14% svck) nhờ nguồn cung thế giới được hạn chế trong năm 2024.

(2) Triển vọng kinh doanh tích cực với mảng bất động sản công nghiệp là động lực tăng trưởng chính. Dự báo mảng này sẽ đóng góp khoảng 52-70% lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn năm 2024-2028. Triển vọng mảng này chủ yếu nhờ diện tích hấp thụ đạt khoảng 90-110ha/năm trong bối cảnh, diện tích đất công nghiệp mở rộng từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, cụ thể 362,5ha từ KCN NTC3 và 674,45ha từ KCN VSIP III. KCN Tân Lập 1 (201,6ha) dự kiến cho thuê từ năm 2025.

Chứng khoán DSC: Khuyến nghị mua CTD

DSC khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), giá mục tiêu 82.000 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

Lượng hợp đồng trúng thầu (backlogs) duy trì cao. Coteccons có giá trị trúng thầu đạt 22.000 tỷ đồng trong năm 2024. Lượng hợp đồng backlogs chuyển tiếp sang năm 2025 dự kiến đạt 24.000 tỷ đồng, đảm bảo khối lượng công việc duy trì ổn định.

Doanh thu mở rộng minh chứng cho uy tín, năng lực thực hiện dự bán của CTD. Nổi bật, trong năm 2024, công ty ghi nhận 41 dự án mới đến từ các chủ đầu tư đã hợp tác trước đó (chiến lược repeat sales), từ đó duy trì tệp khách hàng thân thiết với tiêu chuẩn cao. Coteccons thực hiện dự án cho các đối tác lớn trong năm như Vinfast, Vinhomes, Lego, Suntory Pepsico,...

Sẵn sàng đón dòng vốn FDI: Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký đạt 18 tỷ USD (+10,9% svck), FDI giải ngân đạt 12,6 tỷ USD (+8,4% svck). Dự phóng nhu cầu xây nhà xưởng duy trì cao trong chu kỳ 5 năm tới.

Cơ cấu doanh thu của CTD đã có sự chuyển dịch với 35% dự án xây dựng hạ tầng công nghiệp. CTD là đơn vị tiên phong trong ngành xây dựng, đáp ứng được tiêu chuẩn LEED - LOTUS và tiêu chuẩn đầu tư ESG, là lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng FDI.

Chi phí nguyên vật liệu giảm: Trong bối cảnh ngành bất động sản trong nước và Trung Quốc còn nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu rơi về vùng thấp. Cụ thể, giá thép thanh (Hòa Phát) đạt 13,8 triệu đồng/tấn (-2,1% svck), giá xi măng bình quân (Hà Tiên 1) đạt 16,3 triệu đồng/tấn (-7,5% svck), giá thép thanh Trung Quốc phá đáy kể từ năm 2017, đạt 2.950 CNY/T (-17.5% svck),... Điều này hỗ trợ cho chi phí xây dựng giảm, cải thiện biên lợi nhuận.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn