Cổ phiếu đế chế bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài “hot” trở lại trong mắt nhà đầu tư nước ngoài: Hơn 2.000 tỷ được tung ra, lấp gần 3% "room" ngoại tại Thế giới di động chỉ trong 1 tháng

Vài tuần trở lại đây ghi nhận động thái "gom" mạnh cổ phiếu Thế giới Di động (MWG) từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Liên tiếp nhiều phiên thị trường chứng kiến mã chứng khoán này đứng đầu danh sách mua ròng, giá trị đều trên ngưỡng trăm tỷ mỗi phiên. Tính trong giai đoạn 1 tháng gần nhất, MWG được khối ngoại mua ròng hơn 38 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, chủ yếu là mua khớp lệnh, áp đảo giá trị tại cổ phiếu liền sau là MBB (430 tỷ).

Đón nhận dòng vốn ngoại ồ ạt chảy vào, tỷ lệ sở hữu của NĐTNN ("room" ngoại) tại MWG tăng lên đáng kể. "Room" ngoại tại MWG tính đến cuối ngày 3/5 xấp xỉ 47,5%, cao nhất từ cuối tháng 10/2023, tương ứng lượng cổ phiếu nhà đầu tư ngoại có thể mua còn hơn 22 triệu đơn vị. Như vậy tính trong vòng 1 tháng, "room" ngoại tại doanh nghiệp bán lẻ này được lấp gần 3%.

photo-1714796297069

Cổ phiếu MWG trở nên "đắt hàng" trong bối cảnh mã chứng khoán này vừa bị loại khỏi bộ chỉ số VNDiamond trong kỳ cơ cấu quý 1/2024, thay vào đó BMP được thêm vào. Bộ chỉ số mới sẽ có hiệu lực từ ngày 6/5/2024. Hiện trên thị trường hiện có 4 ETF đang sử dụng chỉ số VNDiamond làm tham chiếu bao gồm DCVFMVN DIAMOND, MAFM VNDIAMOND, BVFVN DIAMOND và KIM GROWTH VN DIAMOND với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 16.000 tỷ đồng. Theo tính toán, các ETF trên nắm khoảng 50 triệu cổ phiếu MWG trong danh mục và cần bán ra toàn bộ lượng cổ phiếu này.

Không loại trừ khả năng khối ngoại đã mạnh tay tung tiền gom lượng lớn cổ phiếu từ các quỹ ETF bán ra trong đợt cơ cấu này.

Cú hích từ kết quả kinh doanh phục hồi mạnh

Nhìn lại giai đoạn cuối năm 2023, MWG chứng kiến cuộc "di cư" của dòng vốn ngoại và dẫn đầu danh sách cổ phiếu bị "xả hàng" trên toàn thị trường. Từ việc luôn đạt tỷ lệ sở hữu NĐTNN tối đa 49% và khối ngoại sẵn sàng trả giá chênh lệch (premium) lên đến hàng chục % qua thỏa thuận để sở hữu ngay khi có thể, MWG chứng kiến hiện trạng "ế" hơn 71 triệu cổ phiếu nhưng không còn cảnh tranh mua. "Room" ngoại rơi về sát ngưỡng 44%, tương ứng "hở room" hơn 4% - con số kỷ lục trong nhiều năm.

Đi cùng với áp lực bán ra của khối ngoại, thị giá cổ phiếu MWG khi đó sụt gần 40% chỉ sau hơn một tháng, về đáy 35.100 đồng/cp. Thời điểm đó nhiều cổ đông không khỏi cảm thấy hoang mang, chất vấn ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động. Ông Tài khi đó tự tin khẳng định ai có lòng tin tập đoàn sẽ có hành động bình tâm và thậm chí xem đây như là cơ hội mua vào. Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp thì có thể bán ra.

"Cá nhân là người trong cuộc, tôibiết rõ mình đang đi đâu về đâu nên có ý định tăng tỷ lệ sở hữu", vị Chủ tịch cho hay.

Cho tới nay, hoạt động kinh doanh MWG phát đi những tín hiệu hồi phục mạnh sau năm 2023 ngấm đòn sâu của ngành bán lẻ. Kết thúc quý 1/2024, doanh thu thuần đạt 31.486 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu cả năm. Sau khi trừ chi phí, MWG lãi ròng 902 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ 2023 và là mức cao nhất trong vòng 6 quý kể từ quý 3/2022.

photo-1714796723677

Theo MWG, động lực tăng trưởng chính đến từ ngành hàng điện máy với mức tăng doanh thu 2 chữ số, nổi bật là sản phẩm máy lạnh khi tăng khoảng 50% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp 2 chuỗi TGDĐ/ĐMX đều ghi nhận sự cải thiện khả quan trong quý 1/2024 do ngành hàng điện máy gia tăng đóng góp trong tổng doanh thu, trong khi đây là nhóm sản phẩm có biên lợi nhuận ổn định.

Với Bách Hóa Xanh, doanh thu quý 1 đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Doanh thu bình quân đạt 1,8 tỷ đồng/cửa hàng/tháng với động lực tăng trưởng doanh thu đến từ cả 2 ngành hàng thực phẩm tươi sống và FMCGs, tiếp tục duy trì hòa vốn sau mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại. Số lượt giao dịch trung bình đạt khoảng 500 hóa đơn/cửa hàng/ngày, tăng trưởng 40% và giá trị trung bình/hóa đơn tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Năm nay, MWG lên kế hoạch tham vọng với doanh thu 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng trong năm 2024. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho biết doanh nghiệp đã sẵn sàng đối phó với những biến động thị trường, có dư địa và quyết tâm để hiện thực hóa mục tiêu. Thực tế doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở bởi sau quý đầu năm đã thực hiện hơn 25% kế hoạch doanh thu và gần 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Ngoài ra, MWG cho thấy tiềm lực tài chính vững vàng. Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024, Thế Giới Di Động ghi nhận khoản đầu tư khác hơn 7.000 tỷ đồng là các khoản trái phiếu nắm giữ và đầu tư khác có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm và hưởng lãi suất áp dụng. Bên cạnh đó, lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) ghi nhận 23.200 tỷ đồng. Ước tính bình quân mỗi ngày trong quý đầu năm, Thế Giới Di Động thu về gần 6 tỷ lãi tiền gửi và lãi trái phiếu. 

Mặt khác, Thế Giới Di Động còn tranh thủ trả bớt gần 1.500 tỷ đồng nợ vay tài chính trong quý đầu năm đưa chi phí lãi vay quý 1 giảm gần 10% so với cùng kỳ 2023.

Trên thị trường, cổ phiếu MWG phản ứng nhanh với luồng thông tin tích cực, tính từ đầu năm 2024 đến nay đã tăng 30% lên mức 55.700 đồng/cp. Thậm chí phiên 3/5 ghi nhận thanh khoản cao kỷ lục với khối lượng giao dịch lên đến gần 30 triệu đơn vị, giá trị giao dịch tương ứng đạt xấp xỉ 1.700 tỷ đồng, lớn nhất sàn chứng khoán cùng ngày.

photo-1714797814324


Xem thêm tại cafef.vn