Cổ phiếu dệt may nổi sóng, nhiều mã tăng trần

Nhóm cổ phiếu ngành dệt may diễn biến khả quan trong phiên sáng 8/8, giữa bối cảnh thị trường chung đang lình xình (VN-Index giảm nhẹ 2 điểm).

Kết phiên sáng, MSH tăng trần. Các đại diện khác như TNG, VGT, STK, TCM, GIL cũng tăng 4-6%.

Giao dịch cũng khá sôi động. Ví dụ, khối lượng khớp lệnh tại TNG và VGG đạt lần lượt lượt 6 triệu cp và 3 triệu cp, gấp 4 lần và 2 lần so với cả phiên trước.

Loạt cổ phiếu dệt may bật tăng trên 4% trong phiên sáng 8/8 (tính đến 10h47). (Nguồn: Bảng giá SSI).

Ngành dệt may vẫn đang trong xu hướng hồi phục kinh doanh khả quan, khi nhiều đơn vị đã kín đơn hàng đến quý III, thậm chí đến hết năm.

Báo cáo chiến lược tháng 8 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dệt may nhìn chung đã tạo đáy trong năm 2023 và duy trì xu hướng phục hồi bền bỉ trong các quý vừa qua.

Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm đến nhóm cổ phiếu này nếu có sự chiết khấu đáng kể về giá, khi xu hướng lợi nhuận ngành dự kiến khả quan.

Mặt khác, một diễn biến mới đây có thể tác động đến triển vọng ngành dệt may là diễn biến tại Bangladesh.

Theo thông tin VTV, các nhà máy may mặc tại Bangladesh hiện đã phải đóng cửa vô thời hạn kể từ khi tình hình an ninh tại quốc gia Nam Á trở nên căng thẳng.

Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ ba thế giới trong năm 2023, chỉ sau Trung Quốc và EU, với kim ngạch xuất khẩu đạt 38,4 tỷ USD.

Một số nhà bán lẻ toàn cầu đã bày tỏ lo ngại về tình hình này khi mùa mua sắm cuối năm đang đến gần. Nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M đặt hàng sản xuất tại khoảng 1.000 nhà máy ở Bangladesh. Tập đoàn Fast Retailing của Nhật Bản, chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo, đặt hàng sản xuất tại khoảng 29 nhà máy, trong khi hãng Levi Strauss của Mỹ có 33 cơ sở.

Xem thêm tại vietnambiz.vn