Cổ phiếu doanh nghiệp bán sản phẩm “ai cũng mua” kịch trần lập đỉnh lịch sử, vốn hóa tăng 20% sau 2 tuần
Đà tăng tốc của cổ phiếu này đến sau khi doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức 2023 và tạm ứng cổ tức 2024 bằng tiền mặt vào ngày 15/11 vừa qua.
Giữa lúc VN-Index không rõ xu hướng, cổ phiếu TLG của CTCP Tập đoàn Thiên Long bất ngờ tăng mạnh phiên 18/11, thậm chí có thời điểm tăng kịch trần.
Thị giá TLG đóng cửa tại mốc 60.200 đồng/cp, dù thu hẹp đôi chút song vẫn đủ để cổ phiếu này ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử niêm yết trên sàn chứng khoán. Tính từ đầu tháng 11, cổ phiếu "vua bút bi" đã chứng kiến đà tăng hơn 20% giá trị. Vốn hóa thị trường được theo đó nâng lên hơn 5.200 tỷ đồng.
Thêm vào đó, khối lượng khớp lệnh được nâng lên cao đột biến với 720.000 cổ phiếu được sang tay. Đáng nói, giao dịch kể từ đầu tháng của cổ phiếu TLG trở nên sôi động với hàng trăm nghìn đơn vị cổ phiếu giao dịch. Trước đó, thanh khoản trung bình phiên của TLG chỉ ở mức một vài chục nghìn đơn vị.
Đà tăng tốc của cổ phiếu này đến sau khi doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức 2023 và tạm ứng cổ tức 2024 bằng tiền mặt vào ngày 15/11 vừa qua.
Theo đó, Thiên Long dự kiến phát hành gần 7,86 triệu cổ phiếu để trả cổ tức còn lại năm 2023, tỷ lệ 10%. Sau khi phát hành thêm cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông, số lượng cổ phiếu lưu hành của TLG tăng từ hơn 78,59 triệu cổ phiếu lên 86,45 triệu đơn vị.
Ngoài ra, Thiên Long sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền cho năm 2024 với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cổ phiếu), dự kiến chi trả hơn 78,5 tỷ đồng vào ngày 29/11. Được biết, tại ĐHCĐ thường niên 2024, công ty đặt mục tiêu chi trả cổ tức 35% cho năm 2025, đồng nghĩa với tỷ lệ cổ tức còn lại có thể là 25%.
Mặt khác, kết quả kinh doanh của Thiên Long trong quý vừa qua ghi nhận con số tích cực. Trong quý 3/2024, Tập đoàn Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần 896 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Khấu trừ các khoản thuế phí, công ty báo lãi ròng hơn 92 tỷ đồng, tăng 53%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, "vua bút bi" Thiên Long mang về doanh thu thuần gần 2.912 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức hơn 423 tỷ đồng, tăng 29%.
Tính đến hết quý 3/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Thiên Long hơn 3.302,3 tỷ đồng, tăng 17,59% so với đầu năm, tổng nợ phải trả hơn 910,3 tỷ đồng, tăng 27,41%, vốn chủ sở hữu hơn 2.392 tỷ đồng, tăng 14,23%.
Mảng văn phòng phẩm kỳ vọng tăng trưởng cao giai đoạn 2023-2029
Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định với vị thế đứng đầu về cung ứng các loại văn phòng phẩm tại Việt Nam và mạng lưới phân phối rộng khắp, Thiên Long sẽ có nhiều thuận lợi tiếp cận khách hàng (cá nhân, tổ chức) khi nền kinh tế phục hồi.
"Nền kinh tế của Việt Nam đã ghi nhận kết quả rất tốt, vượt kỳ vọng trong 3 quý đầu năm 2024 cùng với dòng vốn FDI không ngừng đổ vào Việt Nam trong vài năm gần đây sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự sôi động trở lại của các doanh nghiệp SME cũng các hoạt động đầu tư, học tập", báo cáo chỉ rõ.
Theo TPS, đây là những yếu tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của nhóm văn phòng phẩm, tăng trưởng mảng văn phòng trong nước được kỳ vọng khá cao trong giai đoạn 2023 – 2029 (8,37%).
Bên cạnh đó, tương lai xuất khẩu nhóm văn phòng phẩm của Thiên Long được kỳ vọng rất khả quan khi các thị trường xuất khẩu chính như Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Cambodia, Lào và Châu Âu phục hồi trở lại sau khi xu hướng thực hiện chính sách nới lỏng lan rộng.
Xem thêm tại markettimes.vn